Chuyên gia cảnh báo về "thủ phạm giấu mặt" gây ô nhiễm không khí
(NLĐO) - Nếu không có giải pháp đồng bộ, đến năm 2030 chúng ta khó đạt mục tiêu về khí hậu, chưa kể mục tiêu Net Zero năm 2050
Nhận định trên được TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, nêu ra bên lề buổi giới thiệu các thiết bị công nghệ mới áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, tổ chức ngày 9-5 ở TP HCM.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng
Theo TS Hiệp, Việt Nam hiện là một trong 30 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới. Nhiều thời điểm, chất lượng không khí ở Hà Nội chạm ngưỡng nguy hại.
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí vẫn là khí thải nhà kính, xuất phát từ các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông, hệ thống tòa nhà và các khu dân cư sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe kéo dài ở các đô thị lớn như TP HCM và TP Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng lượng khí thải CO₂ vào môi trường.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính
"Việc di chuyển liên tục còn đỡ nhưng khi kẹt xe, lượng khí thải bị dồn nén lại một chỗ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng không khí" – TS Hiệp lo ngại.
TS Hiệp cho rằng ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến việc hô hấp mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về tim mạch, hệ thần kinh, làm giảm tuổi thọ. Người già, trẻ nhỏ và người có bệnh nền là nhóm chịu tác động nặng nề nhất.
"Dù Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 nhưng hiện nay, việc triển khai các giải pháp vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương" - TS Hiệp nhận xét.
Bên cạnh các nguồn khí thải từ bên ngoài, TS Hiệp cho rằng cần quan tâm lượng khí thải phát sinh ngay trong môi trường làm việc. "Người làm việc trong văn phòng có thể sử dụng máy tính, máy in, máy lạnh, sạc điện thoại..., tất cả đều tạo ra khí thải nhà kính. Chúng ta đang bỏ qua lượng phát thải đáng kể này. Hệ thống điều hòa ở các tòa nhà văn phòng – vốn vận hành liên tục – cũng góp phần làm nóng môi trường bên ngoài, dù mang lại sự dễ chịu bên trong" - ông nhấn mạnh.
Để cải thiện, TS Hiệp khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều tập đoàn quốc tế đang phát triển các thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng, trung hòa carbon, thậm chí có khả năng lọc không khí.
Theo TS Hiệp, chúng ta chưa có đầy đủ các báo cáo đánh giá lượng khí thải trong những tình huống cụ thể như giờ cao điểm hay kẹt xe, khiến các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc đưa ra giải pháp hiệu quả.
Ông Hiệp cho biết trong 5 năm trở lại đây, lượng khí thải ở Việt Nam tăng chứ không giảm. Nếu tiếp tục phát triển công nghiệp mà không có giải pháp xử lý đồng bộ, chúng ta rất khó đạt được các mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết.