Chuyện ngôi sao "nói thế": không sao vẫn… "không sao"
Trước đây, các ngôi sao thật thường được mời vào vị trí ngôi sao "nói thế" vì đó cũng là kênh quảng bá phim hiệu quả.
Nhưng nay, ngôi sao "nói thế" không phải là "sao" cũng không sao khi phương thức quảng bá phim ngày nay vô cùng phong phú, không chỉ nhờ vào tên tuổi của ngôi sao.

Huỳnh Thiện Trung chuyên gia lồng tiếng cho nhân vật Chaien trong phim Doremon
Cơ hội cho người trẻ
Mới đây, cuộc thi Tìm kiếm ngôi sao lồng tiếng cho phim "Despicable me 4" (Kẻ trộm mặt trăng 4) thu hút sự chú ý của công chúng quan tâm. Theo đó, thí sinh làm clip phối hợp lồng tiếng với 1 trong 2 video ban tổ chức ghim tại TikTok Universal Pictures Vietnam. Kết quả là hot TikToker với biệt tài lồng tiếng Simon Phan (Phan Hiếu Thảo) giành chiến thắng và được giao lồng tiếng 1 vai phụ trong phim (dự kiến ra rạp ngày 5-7 tới).
Đây là một phương thức làm mới và cũng vô cùng hiệu quả trong việc tạo dấu ấn cho khán giả điện ảnh, bài bản theo quy trình. Thay vì sử dụng tên tuổi của các ngôi sao để lồng tiếng cho phim (chủ yếu phim hoạt hình) Hollywood thì đơn vị phát hành tại Việt Nam quyết định tìm kiếm những giọng nói mới mẻ hơn.
Với những diễn viên lồng tiếng trẻ, đây chính là cơ hội, là trải nghiệm thú vị. Với khán giả, đây là món một ăn đặc sắc, hợp thời, hợp lý hơn. Với đơn vị phát hành, việc tìm kiếm ngôi sao nói thế là cách để thuyết phục thêm một lượng lớn khán giả trẻ em và người lớn tuổi, những người gặp khó khăn trong việc đọc phụ đề phim, đến rạp.
Mới đây, bộ phim hoạt hình Inside Out 2 (Những mảnh ghép cảm xúc 2) đã có buổi ra mắt đầy ấn tượng. Tại buổi ra mắt, dàn diễn viên cho một số vai trong phiên bản lồng tiếng Việt đã thu hút sự chú ý. Theo đó, vai chính Joy (vui vẻ) do Thùy Trinh đảm nhận, thay cho Miu Lê ở phần 1. Fear (Sợ hãi) do Hita Thanh Hiền lồng tiếng, Anxiety (Lo âu) do Hồ Ái Minh, Thảo Huỳnh "nói thay" nhân vật Ghen tị (Envy), còn giọng vai Ennui (Chán nản) thuộc về Trúc Khuê.
Tại buổi showcase, diễn viên lồng tiếng Thùy Trinh cho biết: "Đây là một vai khá khó và là một bước tiến trong sự nghiệp của tôi. Dù là vai Joy, nhưng đây là một vai lớn. Trinh đã bật khóc khi đến câu lồng cuối cùng cho vai của mình".
Từ nhiều năm nay, những người trẻ đã được chọn để thay cho những tên tuổi ngôi sao. Cách đây 13 năm, khi bộ phim hoạt hình Finding Nemo (Đi tìm Nemo) xuất hiện bản lồng tiếng là với sự góp giọng của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Thanh Thủy, khán giả bắt đầu có thói quen hóng xem "ngôi sao" nào được mời lồng tiếng trong phim hoạt hình sắp ra rạp.
Người nổi tiếng được mời lồng tiếng chủ yếu là diễn viên, ca sĩ, MC tên tuổi, như: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đông Nhi, Isaac, Võ Hạ Trâm, Phương Vy idol, diễn viên Thái Hòa, Minh Tiệp, Vân Trang, "Ốc" Thanh Vân, NSƯT Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Bảo Thy, NSƯT Hữu Châu, MC Thanh Bạch, Nguyễn Khang…
Thật ra, khi xem phim, ít khi khán giả nhận ra giọng của "ngôi sao" nào lồng tiếng cho nhân vật nếu không biết trước. Cũng chưa có người nổi tiếng nào thành danh với vai trò mới. Tuy nhiên, việc mời "ngôi sao" lồng tiếng khi đó là một cách PR hữu hiệu cho phim. Ở Mỹ, những bộ phim hoạt hình bom tấn cũng luôn là sân chơi của các "ngôi sao" đang được yêu thích và đến giờ vẫn vậy. Nhưng ở thị trường Việt Nam 2-3 năm gần đây, tình hình hoàn toàn thay đổi.
Có nhiều lý do để nhà phát hành quyết định chọn một người trẻ thay vì những tên tuổi ngôi sao như trước. Trong đó, vấn đề tài chính là yếu tố không kém phần quan trọng. Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi - Tổng giám đốc Đạt Phi Media (đơn vị đảm nhiệm lồng tiếng cho phần lớn phim hoạt hình chiếu rạp) - cho biết: "Một số "ngôi sao" sau khi thử sức, sẵn lòng tham gia dự án sau với mức thù lao ngang với diễn viên lồng tiếng thông thường, vì dự án không yêu cầu mời người nổi tiếng. Chẳng hạn diễn viên Thái Hòa, Hiếu Hiền từng được mời lồng tiếng Kungfu Panda 3 và sang đến Kungfu Panda 4 cả 2 tiếp tục tham gia vì yêu thích bộ phim".
Nhìn từ những cuộc thi

Có sự dịch chuyển lớn trong thế giới nghề lồng tiếng phim
Thực tế, khán giả đến xem phim hiếm khi biết được ai đang lồng tiếng cho nhân vật nào trong phim. Vì vậy, một ngôi sao tên tuổi hay chỉ là người mới lồng tiếng, giá trị ngang nhau. Điều khán giả quan tâm nhất vẫn là giọng nói thay đó có ấn tượng và hợp với vai diễn trong phim hay không mà thôi. Vì vậy, việc tìm kiếm những diễn viên lồng tiếng mới là việc làm cần thiết.
Cuộc thi Thanh âm diệu kỳ - cuộc thi lồng tiếng đầu tiên tại Việt Nam do Netflix tổ chức - cũng là nguồn cung cấp diễn viên trẻ cho phiên bản Việt. Khi phim không còn trọng "ngôi sao", những người trẻ ở các "lò" đào tạo lồng tiếng bắt đầu chiếm lĩnh thị trường.
Theo đạo diễn Đạt Phi, qua 20 khóa đào tạo của đơn vị, đã có cả trăm bạn trẻ được tham gia lồng tiếng cho các phim hoạt hình nước ngoài chiếu rạp. Thể loại phim hoạt hình có đóng góp không nhỏ vào thị trường phòng vé Việt. Trong thành công đó, không thể không kể đến công của đội ngũ lồng tiếng trẻ. Thông qua việc "hóa trang giọng nói" của họ, khán giả cảm thấy bộ phim gần gũi hơn.
Ca sĩ Dương Hoàng Yến được mời tham gia lồng tiếng và thể hiện bài hát chủ đề của bộ phim hoạt hình 3D Hollywood, Frozen (tựa Việt: Nữ hoàng băng giá). Nữ ca sĩ đảm nhận giọng nói cho nhân vật Elsa, người có pháp thuật tạo ra băng tuyết. Quyền năng tuyệt vời này khiến Elsa vô tình suýt làm hại đến tính mạng của em gái Anna. Elsa sợ hãi, ân hận về lỗi lầm nên quyết định sống cô độc, tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
Trong phiên bản gốc, vai Elsa được lồng tiếng bởi diễn viên Idina Menzel. Không chỉ góp giọng nói, Dương Hoàng Yến còn được giao thể hiện ca khúc chủ đề "Let it go" trong phim Frozen, thể hiện tinh thần tự do, phóng khoáng nhưng vương vấn ưu tư của nhân vật Elsa. Ê kíp lồng tiếng đã mời rất nhiều ca sĩ đến thử giọng và cuối cùng Dương Hoàng Yến được chọn nhờ giọng hát trong trẻo, cao vút. Bên cạnh ca khúc chủ đề, cô còn song ca cùng Võ Hạ Trâm (giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình 2007) trong "For the first time in forever" nói về tình cảm gắn bó giữa hai chị em Elsa và Anna.
Tham gia lồng tiếng trong phiên bản tiếng Việt của Frozen còn có Võ Hạ Trâm (vai nữ chính Anna), trưởng nhóm rock Unlimited Viết Thanh (vai Kristoff, chàng trai Anna gặp trên hành trình tìm kiếm chị gái), Thái Hòa (vai người tuyết Olaf).... Viết Thanh cũng đảm nhận nhiệm vụ làm đạo diễn âm nhạc khi viết lời Việt cho toàn bộ ca khúc trong phim.
Theo ông Đạt Phi, các studio nước ngoài thường không can thiệp vào cách xử lý này, vì về cơ bản phần chuyển ngữ không làm thay đổi nội dung. Có dự án như phim IF (Những người bạn tưởng tượng) táo bạo thay đổi giới tính diễn viên lồng tiếng. Bản Việt của phim này là phiên bản duy nhất toàn cầu dùng giọng nam (diễn viên lồng tiếng Huy Dũng) cho nhân vật bong bóng Bubble (bản gốc do nữ diễn viên Awkwafina lồng).
Không chỉ có cuộc thi Thanh âm diệu kỳ, gameshow Thanh âm quyền năng cũng được tổ chức với mục đích giới thiệu, tôn vinh nghề lồng tiếng. Trong "Thanh âm quyền năng", khán giả không chỉ được thưởng thức những màn thị phạm lồng tiếng đỉnh cao của các nghệ sĩ gạo cội ngay trên sân khấu mà còn có thể xem những tiết mục mới lạ, độc đáo, đầy tính sáng tạo của khách mời, người chơi.
Bên cạnh việc phô diễn tài năng của thí sinh, chương trình sẽ có không ít thử thách đổi giọng một cách bá đạo, hài hước tạo tiếng cười sảng khoái, vui nhộn cho khán giả. Không chỉ tạo cơ hội cho những ai đam mê lồng tiếng trưng trổ tài năng mà hai chương trình trên còn góp phần tăng thêm nhận thức của khán giả về nghề lồng tiếng thông qua câu chuyện "bếp núc" hậu trường.
Nói như bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh: "Khán giả thường chỉ biết đến những tác phẩm đã hoàn thiện được trình chiếu trên màn ảnh, còn ở phía sau màn ảnh là cả một ê kíp đầy tài năng đã làm việc rất vất vả. Diễn viên lồng tiếng là những người đứng sau, làm nên thành công cho từng vai diễn. Thế nhưng, họ lại ít được khán giả biết đến".
(còn tiếp)
