Cơ chế đặc biệt cho điện hạt nhân

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cần hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế đặc biệt gắn với an toàn, hiệu quả

Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đưa ra nhiều sửa đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Cơ chế đặc biệt nhưng phải an toàn

Dự thảo luật bám sát 4 nhóm chính sách: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiêu liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Đáng chú ý, dự luật cho phép áp dụng các cơ chế đặc biệt để triển khai nhanh dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, bao gồm chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán, khoản chi cho thẩm định và đào tạo. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng thiết kế một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân. Về thẩm quyền quyết định, chấp nhận chủ trương đầu tư dự án, thực hiện theo quy định về đầu tư công và các quy định liên quan nhằm tạo cơ chế linh hoạt, chủ động.

Nhấn mạnh cần "tuyệt đối bảo đảm an toàn, không có sai số" trong triển khai dự án điện hạt nhân, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho rằng vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân, điện hạt nhân an toàn, bền vững.

Cơ chế đặc biệt cho điện hạt nhân- Ảnh 1.

Hơi nước bốc lên từ các tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân ở Bugey - Pháp. Ảnh: BLOOMBERG

Theo ông Thành, khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù với 2 dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Chẳng hạn, đơn vị tổng thầu sẽ thực hiện từ khâu thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật và triển khai xây dựng để bảo đảm an toàn cho dự án điện hạt nhân.

"Dự luật cần đặt vấn đề xây dựng năng lực khoa học - công nghệ (KH-CN) và công nghiệp, từng bước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân, hướng đến phát triển điện hạt nhân an toàn, kinh tế và bền vững. Phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, hiểu công nghệ để vận hành và an toàn chủ động ứng phó nếu có sự cố" - TS Trần Chí Thành góp ý.

Tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng để triển khai một dự án. Trong đó, 3 trụ cột của phát triển điện hạt nhân gồm: các nhà máy điện hạt nhân; cơ quan pháp quy hạt nhân giám sát an toàn và đội ngũ nghiên cứu với vai trò hỗ trợ kỹ thuật (viện nghiên cứu, trường đại học).

Đối với 2 dự án điện hạt nhân dự kiến triển khai ở Ninh Thuận, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng cần thêm thời gian để hoàn thiện các hành lang pháp lý cần thiết, hoàn thiện các thực thể quản lý, thanh sát an toàn...

Theo PGS-TS Vương Hữu Tấn, chuyên gia về năng lượng nguyên tử, nếu không có luật về năng lượng nguyên tử thì sẽ không thể làm được điện hạt nhân. Ông chỉ rõ IAEA đã có một bộ luật nguyên tử mẫu để các nước nghiên cứu, xây dựng hệ thống chi tiết về an toàn và an ninh hạt nhân. Do đó, các quốc gia khi xây dựng luật bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc, từ nguyên tắc đó ban hành quy định bảo đảm không mâu thuẫn với nguyên tắc.

Phân tích cụ thể, PGS-TS Vương Hữu Tấn dẫn chứng với việc lựa chọn địa điểm, Nhật Bản không quy định trong luật về tiêu chí loại trừ nơi có nguy cơ động đất lớn, thay vào đó là yêu cầu thiết kế nhà máy chống được động đất lớn. Trong khi đó, Nga ưu tiên lựa chọn địa điểm có chi phí phù hợp để xây dựng.

"Chúng ta cần vừa học tập kinh nghiệm quốc tế vừa cân nhắc tình hình thực tế để xây dựng điều kiện cụ thể nhằm giảm chi phí đầu tư về mức thấp nhất, xây dựng và bảo đảm an toàn tuyệt đối" - ông Tấn gợi ý.

Cũng theo ông Tấn, nên có một cơ quan quản lý an toàn, còn gọi là cơ quan pháp quyền, hoạt động độc lập với cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thúc đẩy, ứng dụng năng lượng nguyên tử để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi". Thực tế, đã có Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ KH-CN nhưng phải có cơ chế hoạt động độc lập, không bị can thiệp hành chính.

"Thách thức lớn nhất là bảo đảm an toàn cho người dân. Do đó, phải nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và xây dựng văn hóa an toàn khi vận hành nhà máy điện hạt nhân" - ông Tấn nêu rõ.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc hội cho rằng ngoài việc phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, đối với dự án đặc thù như điện hạt nhân, cần tiếp tục nghiên cứu các quy định của IAEA về các điều kiện đặc thù để sửa đổi các quy định một cách phù hợp, khả thi. Chẳng hạn, vấn đề cấp phép, thiết kế cơ sở dự án được quy định tại Luật Xây dựng; còn điều kiện cấp phép, vận hành nhà máy điện được quy định tại Luật Điện lực. 

Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

Hàn Quốc là một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ điện hạt nhân lớn của thế giới. Ông Hong Sun, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nguồn điện này.

Theo ông Hong Sun, thách thức khi phát triển điện hạt nhân là hoàn thiện cơ chế, chính sách bởi đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối khi triển khai. Trong đó, hai yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực và hệ thống pháp lý phải được thúc đẩy song hành.

Cơ chế đặc biệt cho điện hạt nhân- Ảnh 2.