Cô giao liên của con
(NLĐO) - Mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cám ơn ngoại và cả trăm triệu người yêu dấu gian lao đã làm nên mảnh đất này
Tháng 3 Âm lịch, rơi vào gần ngày 30-4 là dịp chạp họ nhà tôi. Ngày chạp trước kia thường được tổ chức vào tháng Chạp, cận Tết nhưng sau này, gia đình đã quyết định dời ngày cúng tổ sang tháng 3.
Thời điểm ấy, công việc mùa màng, lễ, Tết không còn chồng chéo, người trong họ cũng có thể về đông đủ hơn. Từ đó, tháng 3 Âm lịch trở thành định kỳ giỗ chung cho nhiều đời tổ tiên, cũng là dịp để những người con đi xa trở về, thắp nén hương cho cội nguồn.
Ngoại tôi đã trải qua hơn 40 năm làm dâu trong gia đình. 40 năm tảo tần, lặng lẽ với những mâm cơm chạp họ, 40 năm không quên vai trò của người giữ lửa nơi gian bếp cũ.

Tác giả và ông bà ngoại
Ngoại sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo của dải đất miền Trung. Vùng đất ấy cát nhiều hơn đất, gió nhiều hơn mưa, sáng nắng hanh hao, đêm về nghe tiếng biển vọng vào se sắt.
Cái nghèo ăn sâu đến mức trở thành lẽ thường, đến độ ngay cả người trong vùng cũng ngại ngần khi phải nhắc đến tên làng, tên xã.
Tuổi thơ của ngoại gắn liền với cây khoai mì và những đợt gom lá dương liễu về nhóm lửa. Lá dương khô bén lửa, cháy nhanh như lòng người - thuở mà nỗi lo cơm áo gối đầu với khói lửa chiến tranh.
Ngoại từng kể, trong những năm tháng giặc càn quét, vài lon gạo mua về cũng bị lục soát và đá đổ, bởi nghi ngờ "tiếp tế cho cộng sản".
Cũng chính trong một trận càn, cha của ngoại đã nằm lại nơi quê nhà. Khi kể về cái chết của cha mình, ngoại không rơi nước mắt, nhưng ánh mắt xa xăm vẫn đau đáu: "Giặc vào, ai chạy là nó bắn. Nói chạy là cộng sản…".
Những ngày thơ bé đã tạc nên hình hài một người mẹ, một người bà thôn quê hiền lành, giản dị và đầy tình thương.
Thời gian sau, ngoại tôi đi theo cách mạng, trở thành cô giao liên nhỏ nhắn dễ thương của đơn vị. Những ngày bom đạn ác liệt, ngoại vẫn giữ nụ cười hiền, cẩn thận giao thư.
Đó là quãng đời không dài, nhưng in đậm trong tâm trí của một người phụ nữ miền Trung kiên cường. Đến giờ, mỗi khi họp mặt đơn vị, dù vị trí xa, ngoại vẫn nhất quyết đi, vì "nhớ", vì "không biết năm sau còn gặp lại không…".
Hòa bình lập lại, ngoại trở về làng, làm vợ, làm mẹ, rồi làm bà. Gian nhà tranh vách đất là nơi bà dựng lại cuộc sống mới.
Ngoại hiền lành, lặng lẽ, lo toan mọi thứ bằng đôi tay gầy guộc. Mâm cơm của ngoại lúc nào cũng đơn sơ – khi thì rau hái ngoài vườn, khi là con cá biển muối mặn – nhưng đầy đủ yêu thương.
Có một điều ước mà ngoại vẫn thường nhắc đến, rất giản dị, rất thật. Ngoại nói: "Ước gì mẹ còn sống, để được ngủ với mẹ. Hồi xưa nghèo quá, không có gì. Sau này khá hơn một chút thì mẹ già, không ăn uống được bao nhiêu nữa…". Ước mơ đó chưa thành hiện thực, nhưng ngoại vẫn thấy nhẹ lòng khi kể: "May mà trước khi mẹ mất, tui cũng được ngủ với mẹ một đêm…"
Tôi vẫn còn nhớ mấy vần thơ của Xuân Quỳnh, thật giản dị và nhìn ra hình bóng ngoại mình:
"…những người đàn bà bình thường không tên tuổi,
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày,
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây,
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ…"
Mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cảm ơn ngoại và cả trăm triệu người yêu dấu gian lao đã làm nên mảnh đất này, để con biết nương tựa và yêu thương!