Mốt học ngoại ngữ trong giới chuyên viên tin học Ấn Độ
Parler Francais, sprechen sie Deutsch, hablar Espanol (nói tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha – viết theo chữ của các thứ tiếng này) là tiêu chuẩn của một chuyên viên tin học hiện đại ở Ấn Độ.
Giới chuyên viên tin học nước này đã trở bộ khá nhanh khi làn sóng thất nghiệp ập vào khiến họ bị “rớt giá”. Từ xưa đến nay, chuyên viên tin học Ấn Độ - đa số là lập trình viên- vốn được đánh giá rất cao vì ngoài tay nghề chuyên môn vững vàng, họ còn rất thông thạo tiếng Anh. Thế nhưng cho đến thời điểm này, tiếng Anh không còn là công cụ đắc lực cho họ tìm việc nữa. Để tồn tại, họ phải trang bị thêm cho mình một ngoại ngữ khác, mà phổ biến nhất là tiếng Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Cách đây 2 năm, khi Đức công bố chính sách trải thảm đỏ đón chuyên viên tin học nước ngoài đến làm việc, hầu hết các chuyên viên người Ấn Độ đều từ chối. Ngoài lý do được săn đón sang Mỹ làm việc với lương bổng hấp dẫn, họ còn ngại phải học thêm tiếng Đức nếu muốn sang đó làm việc. Thế nhưng, do làn sóng sa thải của các công ty tin học Mỹ gia tăng nhanh, nhiều chuyên viên Ấn Độ phải quay về nước. Nhưng ngay tại Ấn Độ họ cũng khó lòng tìm được việc làm tốt vì các công ty trong nước cũng bị ảnh hưởng do mất thị trường. Do thị trường Mỹ chiếm tới 60% doanh số xuất khẩu phần mềm nên năm nay, tỉ lệ tăng trưởng của các công ty tin học Ấn Độ giảm đến 30%.
Để tồn tại, họ đã chuyển hướng tìm cách mở rộng sang châu Âu, xem đây là thị trường chiến lược hàng đầu. Và giới chuyên viên tin học nước này lại đổ xô đi học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Đức và Pháp. Nhiều công ty tổ chức lớp cho nhân viên của mình. Ông Sirtaj Siddiqui, Giám đốc Công ty Max Muller Bhavan - chuyên dạy ngoại ngữ chuyên ngành tin học, cho biết 98% khóa đào tạo ngoại ngữ của họ được tổ chức tại các công ty phần mềm. Ngoài ngoại ngữ, các công ty lớn như Wipro, Satyam, Infosys... còn tổ chức những khóa đào tạo riêng cho nhân viên về văn hóa, cách ứng xử, các kiến thức cần thiết về sinh hoạt xã hội ở các nước châu Âu.
Các công ty tin học Ấn Độ tỏ ra khá lạc quan với sự chuyển hướng này. Theo dự báo của Hiệp hội Quốc gia các Công ty Phần mềm và Dịch vụ tin học (NASSCOM), doanh số từ thị trường châu Âu sẽ tăng nhanh vì hiện nay doanh số xuất sang châu Âu đã đạt 24%.