Vì sao sức cạnh tranh của ngành phần mềm Việt Nam chưa cao?

Tại hội thảo "Thương mại điện tử quốc tế và chính sách cơ sở hạ tầng thông tin" do Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 12 và 13 -11 vừa qua,

một báo cáo nghiên cứu dài 24 trang về ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam do tổ chức Axam Trade (Tiếp cận Dịch vụ Thương mại Mỹ), Viện Nghiên cứu châu Á Kenan và Văn phòng Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện đã được công bố. Báo cáo chỉ ra những thách thức mà ngành phần mềm Việt Nam đang phải đối mặt, sức cạnh tranh, vị thế và chiến lược phát triển trên thị trường toàn cầu của Việt Nam.

Sức cạnh tranh chưa cao

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) được dẫn trong báo cáo, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm còn hạn chế. Mặc dù gần đây Việt Nam đã được biết đến như một lựa chọn thay thế cho Ấn Độ để làm các hợp đồng gia công phần mềm, nhưng về lâu dài, sức cạnh tranh mạnh hơn sẽ tới từ các nước như Nga, Malaysia và Philippines.

Về môi trường chính sách do Chính phủ tạo lập, báo cáo phân tích như sau: Việt Nam có ưu thế về sự ổn định chính trị, không có xung đột quân sự (lợi thế mạnh so với Ấn Độ), có ưu đãi về thuế đối với công ty phần mềm, có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành, chi phí nhân công thấp, tăng trưởng kinh tế cao, giới trẻ rất thiết tha hòa nhập giao lưu kinh tế toàn cầu và có năng lực kỹ thuật mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam kém cạnh tranh hơn bởi những nhược điểm cơ bản: Thị trường chứng khoán non nớt, đầu tư mạo hiểm rất nhỏ, giá cước viễn thông quá đắt, các trường học không theo kịp trình độ cần thiết, thông tin không được chia sẻ và trình độ quản lý còn yếu.

Định hướng chiến lược phát triển

 Bản báo cáo chỉ ra rằng, điều cốt lõi để các công ty tự nâng cao khả năng cạnh tranh của mình là định hướng tập trung vào thị trường trong nước hay quốc tế và tập trung vào lĩnh vực dịch vụ hay sản phẩm phần mềm.

Vấn đề thứ nhất phụ thuộc vào cơ hội mà các công ty có cũng như nguồn lực mà công ty có thể tiếp cận cơ hội. Thực tế là, trong năm 2000, ngành phần mềm Việt Nam chỉ đạt được doanh thu khoảng 50 triệu USD trong tổng giá trị thị trường 230 triệu USD, trong đó các công ty trong nước chiếm khoảng 35% thị trường phần mềm.

 Cơ hội cho các công ty phần mềm Việt Nam lớn hơn ở thị trường quốc tế, nhưng vấn đề là họ có đủ nguồn lực để theo đuổi những hợp đồng như thế hay không. Tham gia vào thị trường quốc tế đòi hỏi các công ty phải có các quá trình kiểm soát chất lượng, có hồ sơ thành tích đủ để thu hút các khách hàng quốc tế cũng như cơ sở hạ tầng về tiếp thị và bán hàng để tạo danh tiếng với người mua tiềm năng. Bản báo cáo cũng nêu ra thực tế là nhiều công ty đã có cơ hội từ những quan hệ gần gũi, họ hàng Việt kiều, song rất ít công ty chuyển được những “ưu thế một lần” đó thành “ưu thế bền vững” của mình. Trong khi đó, thách thức từ phía thị trường trong nước lại là vấn đề khác: Các quá trình mua bán không “trong suốt”, thanh toán từ khách hàng thường bị chậm và thậm chí không tới, vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ làm mất khả năng hoàn vốn đầu tư.

Vấn đề thứ hai: Dịch vụ hay sản phẩm? Một công ty định hướng phát triển sản phẩm phần mềm sẽ phải tính đến việc xác định và đảm bảo nhu cầu thị trường, cung cấp các khả năng và tính năng vượt trội, xây dựng nhãn hiệu, phát triển các kênh tiếp thị và cung cấp dịch vụ hậu mãi. Những yêu cầu này nằm ngoài khả năng của hầu hết các công ty trẻ. Báo cáo cho biết: Rất ít công ty thành công khi đi theo định hướng sản phẩm, trong khi có nhiều trường hợp thành công của các công ty định hướng dịch vụ. Ngành phần mềm ở Ấn Độ đi theo mô hình dịch vụ hướng tới phát triển.

Báo cáo cho rằng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm là vị thế tốt để Việt Nam hội nhập nhanh chóng và thành công vào hệ thống kinh tế thế giới, tiếp nhận những xu hướng và động lực thị trường toàn cầu, nâng cao năng lực hội nhập ở các kỹ năng quản trị dự án, kỹ năng đảm bảo chất lượng, kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng bán hàng quốc tế. Xóa bỏ hình ảnh đất nước vi phạm bản quyền nhiều nhất thế giới cũng là một mục tiêu để Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh của mình. Phần mềm nguồn mở có thể là một hướng đi chiến lược.

 

Công nghệ phần mềm phát triển chậm, đạt 13%/năm

(NLĐ) - Trong hai ngày 12 và 13-11 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì hội thảo về thương mại điện tử quốc tế và chính sách cơ sở hạ tầng thông tin. Hội thảo sẽ hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy việc tham gia của các công ty Việt Nam vào thị trường thương mại điện tử toàn cầu và chuẩn bị cho các thảo luận về chính sách thương mại điện tử thế giới. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có 32.000 chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) có bằng đại học và cao đẳng về CNTT, tổng dung lượng kết nối 106 MB, trên 5 triệu điện thoại đạt tỉ lệ 6,25%, trên 250.000 thuê bao Internet, đạt tỉ lệ 0,22%, 1.400.000 máy tính cá nhân, đạt tỉ lệ 1,15%, chỉ có 2% doanh nghiệp có website, 8% doanh nghiệp bắt đầu sử dụng Internet. Công nghệ phần mềm phát triển chậm, đạt 13%/năm...

Tại hội thảo, các ý kiến chỉ ra hai lý do thương mại điện tử Việt Nam chậm phát triển: Hạ tầng CNTT và viễn thông còn yếu kém; hạ tầng pháp lý còn yếu và chưa đồng bộ để thực hiện thương mại điện tử.

L. Thanh