"Cú đấm" vào hang ổ tội phạm mạng
Hoạt động của ứng dụng Telegram tại Việt Nam đã bị tạm dừng, nhiều người dùng chuyển sang các nền tảng khác như Viber, WhatsApp...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện MobiFone cho biết nhà mạng này đã chặn ứng dụng Telegram từ ngày 26-5, chỉ ít ngày sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng. Tương tự, một nhà mạng khác cũng khẳng định đã triển khai giải pháp chặn nền tảng nhắn tin này ngay khi được cơ quan quản lý yêu cầu.
Mạnh tay ngăn chặn
Telegram có nhiều ưu điểm để người dùng - nhất là dân công nghệ, người kinh doanh - lựa chọn bởi tính bảo mật, sự tiện lợi. Nền tảng này còn được sử dụng như một hình thức nhận mã OTP (mật khẩu dùng một lần) miễn phí và tiện lợi. Tuy vậy, đây cũng là không gian thuận lợi cho các ổ, nhóm tội phạm lợi dụng để hoạt động, nhất là tội phạm mạng, tội phạm ma túy, phản động...
Ngày 10-5, Công an TP Hà Nội cho biết đã tiếp nhận trình báo của một nam thanh niên về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,5 tỉ đồng liên quan "gái gọi" trên nền tảng Telegram. Nhiều vụ việc khác như phát tán hình ảnh khiêu dâm, cờ bạc trá hình, kêu gọi đầu tư... cũng được người dùng phản ánh trong thời gian gần đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, nền tảng Telegram trước khi bị chặn đã hoạt động sôi động với hàng ngàn hội nhóm trao đổi thông tin độc hại, thu hút lượng người tham gia rất lớn. Chẳng hạn, một nhóm hack camera gia đình có tới hơn 84.200 thành viên, một nhóm khác chuyên hack tài khoản ngân hàng thì có gần 10.000 thành viên... Báo cáo công bố hồi tháng 9-2024 của hãng bảo mật Kaspersky cũng chỉ rõ tội phạm mạng thường sử dụng Telegram để thực hiện các giao dịch ngầm.
Nhiều người bày tỏ đồng tình với quyết định "mạnh tay" của cơ quan quản lý để tránh tối đa nguy cơ gây thiệt hại cả về tài sản lẫn uy tín, danh dự cho người dùng, nhất là khi công nghệ deepfake (mạo danh) bằng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển. Một số người dùng quyết định quay về với những nền tảng nhắn tin đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam như Messenger, Zalo, Viber... để duy trì kết nối cá nhân, công việc.
"Những người làm trong lĩnh vực công nghệ như chúng tôi khá ưa chuộng Telegram nhưng sự an toàn của cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Sau khi Telegram bị ngắt kết nối, chúng tôi đã chuyển hoạt động sang WhatsApp, Viber..." - anh Lê Tuấn, nhân viên công nghệ thông tin (quận 1, TP HCM), cho biết.
Tuy nhiên, sau khi bị chặn nhắn tin trên Telegram, trên các diễn đàn công nghệ hay mạng xã hội X, không ít tài khoản người dùng "bày" cách cho cộng đồng "vượt rào" để tiếp tục truy cập ứng dụng này, chẳng hạn cài đặt proxy hoặc sử dụng VPN (mạng riêng ảo).

Người dùng tại Việt Nam thời điểm này không còn nhắn tin được trên nền tảng Telegram. Ảnh: LÊ TỈNH
Không dừng lại ở Telegram
Các chuyên gia đánh giá việc tạm dừng hoạt động của Telegram ở Việt Nam là bước đi cứng rắn và cần thiết để làm sạch môi trường mạng.
ThS Phạm Mạnh Cường, nhà sáng lập Công ty TNHH Wischain, cho rằng việc ngăn chặn Telegram tuy có ảnh hưởng đến không ít người dùng song đây sẽ là tiền đề để xử lý tội phạm ẩn nấp dưới dạng hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội nói chung, bao gồm Facebook, Threads, TikTok, Zalo... "Có tình trạng người dùng tìm cách cài đặt proxy hay dùng VPN để truy cập ứng dụng bị chặn nhưng không đáng kể. Dù sao thì việc ngăn chặn Telegram - nơi được xem là hang ổ tội phạm - đã thể hiện sự cứng rắn của cơ quan chức năng đối với nền tảng để xảy ra hành vi phạm pháp luật" - ông Cường nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cảnh báo nguy cơ đối tượng xấu chuyển sang các nền tảng mạng xã hội khác, nhất là WhatsApp, Viber. Do đó, người dùng cần cẩn thận trước những thủ đoạn lừa đảo, giả danh, kêu gọi đầu tư với lợi nhuận "không tưởng" hay gửi link mã độc để tránh "tiền mất tật mang".
Theo giám đốc một công ty công nghệ tại TP HCM, hoạt động lừa đảo có thể nở rộ ngay lúc người dùng hoang mang khi không thể truy cập và sử dụng Telegram. Chiêu trò có thể là gửi link, kêu gọi cài ứng dụng "truy cập nhanh Telegram", rồi dẫn người dùng tới trang giả mạo và thực hiện hành vi thu thập dữ liệu, hack tài khoản ngân hàng... "Người dùng không nên bấm vào link lạ, không cài app không rõ nguồn gốc, không cài proxy khi không hiểu rõ" - giám đốc này khuyến nghị.
Cũng theo giám đốc công ty công nghệ nói trên, việc ngăn chặn Telegram như một "cú đấm" vào hang ổ tội phạm, là lời cảnh báo với các nền tảng khác trong việc quản lý, xử lý các hành vi lừa đảo. Qua đó, môi trường mạng xã hội sẽ trở nên lành mạnh và người dùng được bảo vệ tốt hơn.

Một người dùng trên mạng xã hội X chỉ cách để “vượt rào” truy cập Telegram. (Ảnh chụp màn hình)
Theo dữ liệu của Surfshark và Netblocks, hơn 30 quốc gia - gồm Anh, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Pháp... - đã áp dụng lệnh cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn với Telegram do lo ngại về thông tin sai lệch, vi phạm bản quyền, các hoạt động tội phạm...