Cử tri Singapore, Úc lên tiếng trong tổng tuyển cử

Hơn 2,6 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 tại Singapore.

Kênh Channel News Asia dẫn thông tin từ Cơ quan Bầu cử Singapore cho biết tổng cộng có 206 ứng cử viên, bao gồm thành viên của 11 đảng và 2 ứng cử viên độc lập đã ra tranh cử để giành 92 ghế tại quốc hội Singapore.

Theo AP, cuộc tổng tuyển cử được coi là phép thử quan trọng đầu tiên về sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Singapore Lawrence Wong - người nhậm chức vào năm ngoái. Các nhà quan sát cũng theo dõi chặt chẽ việc liệu phe đối lập có thể đạt được thêm lợi thế trước Đảng Hành động nhân dân (PAP) hay không, sau khi PAP đã cầm quyền 66 năm.

PAP được coi là ngọn hải đăng dẫn dắt sự ổn định và thịnh vượng tại đảo quốc sư tử nhưng chi phí sinh hoạt tăng cao - với chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, nhà ở ngày càng đắt đỏ, tình trạng quá tải… - đã khiến một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ, không hài lòng.

Tỉ lệ phiếu bầu phổ thông mà PAP giành được trong cuộc bầu cử năm 2020 là 61%, gần với mức thấp kỷ lục và giảm so với mức gần 70% của năm 2015. Mặc dù PAP vẫn giữ được 83/93 ghế trong quốc hội song phe đối lập giành được 10 ghế - con số kỷ lục với họ. 

Chuyên gia chính trị Đông Nam Á Bridget Welsh bình luận với AP rằng cuộc bầu cử còn có thể phản ánh sự đón nhận những tiếng nói khác biệt và cách thế hệ trẻ nhìn nhận PAP, dưới sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo trẻ hơn. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng sự hiện diện mạnh mẽ hơn của họ trong quốc hội sẽ cho phép một hệ thống chính trị cân bằng hơn và trách nhiệm giải trình lớn hơn. Nhưng thử thách chính của họ là sự thiếu hụt nguồn lực và sự ủng hộ rời rạc.

Cử tri Singapore, Úc lên tiếng trong tổng tuyển cử- Ảnh 1.

Cử tri Singapore bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 3-5 Ảnh: AP

Cử tri Singapore, Úc lên tiếng trong tổng tuyển cử- Ảnh 2.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (giữa) cùng con trai Nathan bỏ phiếu tại TP Sydney ngày 3-5. Ảnh: AAP

Chi phí sinh hoạt tăng cao cũng là vấn đề nổi cộm khi khoảng 18 triệu cử tri Úc tham gia cuộc tổng tuyển cử cùng ngày 3-5 nhằm đưa ra lựa chọn cho 150 ghế tại Hạ viện Úc và 40 ghế tại Thượng viện Úc, thay thế các thượng nghị sĩ đã kết thúc nhiệm kỳ. Ngoài chi phí sinh hoạt, các chủ đề được quan tâm nhiều là khủng hoảng nhà ở, y tế, giáo dục, chính sách nhập cư, biến đổi khí hậu, vấn đề năng lượng...

Đặc biệt, theo đài Al Jazeera, Úc đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng. Giá nhà ở đất nước này được đánh giá thuộc hàng cao nhất hành tinh, khiến người dân không thể sở hữu nhà ở và hiệu ứng lan tỏa cũng tác động đến thị trường cho thuê. Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, xếp thứ 2 trong số 94 trung tâm đô thị có giá nhà cao nhất thế giới.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ đêm cùng ngày, ông Anthony Albanese đã giành được nhiệm kỳ thủ tướng Úc thứ hai, khi Đảng Lao động của ông tuyên bố chiến thắng. Vẫn chưa rõ Đảng Lao động có thể tự đứng ra thành lập chính phủ hay phải tìm kiếm thỏa thuận liên minh với các nghị sĩ độc lập, song hiện đảng trung tả này là đảng duy nhất có khả năng lập chính phủ mới.

Với chiến thắng này, ông Albanese trở thành thủ tướng Úc đầu tiên giành chiến thắng 2 kỳ bầu cử liên tiếp kể từ thời ông John Howard năm 2004.