Cuộc chạm trán bất ngờ ở vùng biển sâu
(NLĐO) - Nhóm nghiên cứu quốc tế gần đây lần đầu tiên chụp được một con mực khổng lồ ở vùng biển sâu trong lúc điều khiển tàu ngầm từ xa.
Giới khoa học lần đầu xác định sự tồn tại của mực khổng lồ cách đây khoảng 100 năm khi tìm thấy mẫu vật trong dạ dày của một con cá nhà táng. Gần đây, lần đầu tiên, các chuyên gia ghi hình được một con mực khổng lồ còn sống trong môi trường đại dương tự nhiên, National Geographic đưa tin.
Hôm 9-3, tàu nghiên cứu Falkor thuộc Viện Đại dương Schmidt có trụ sở tại Mỹ khám phá vùng nước lạnh gần quần đảo South Sandwich ở phía Nam Đại Tây Dương. Họ đang triển khai tàu ngầm điều khiển từ xa xuống độ sâu gần 600 m thì một con mực khổng lồ đột nhiên bơi qua camera của tàu ngầm.

Một con mực khổng lồ vô tình lọt vào camera của tàu ngầm điều khiển từ xa. Ảnh: Schmidt Ocean Institute
Sau khi xác minh thông tin, nhóm đã đưa ra kết luận đáng kinh ngạc. "Đây là lần đầu tiên có cảnh quay về loài mực khổng lồ ở vùng biển sâu" - bà Kat Bolstad, chuyên gia về mực tại Đại học Công nghệ Auckland, cho biết.
Con mực trong ảnh là dài khoảng 30 cm, nên chuyên gia dự đoán đây là "con mực tuổi teen". Loài trưởng thành hoàn toàn có thể dài tới 7 m, gần bằng kích thước của một chiếc xe cứu hỏa nhỏ. Con non gần như hoàn toàn trong suốt. Dần dần lớn lên, mực chuyển sang đỏ sẫm hoặc tím đục.
Mực khổng lồ là loài bí ẩn nhất trong số 60 loài mực ống thủy tinh đã được biết tới.
Nhà sinh vật học biển James Erik Hamilton lần đầu phát hiện mực khổng lồ vào năm 1925. Tới năm 1981, thủy thủ đoàn của tàu đánh cá Eureka thuộc Liên Xô vô tình giăng lưới trúng một con dài gần 5 m, nhưng con vật chết ngay sau đó.
Năm 2003, một con mực ống khổng lồ dài 6 m trôi nổi ngoài khơi bờ biển phía Nam New Zealand. Một con khác dài tới 9 m lại mắc lưới của tàu đánh cá khác ở biển Ross, gần Nam Cực vào năm 2007.
"Đây là loài động vật không xương sống nặng nhất trên hành tinh" - bà Bolstad nói.