Đa cấp trá hình sẽ hết đất sống?

Số lượng doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp giảm nhưng hoạt động biến tướng, trá hình đa cấp diễn ra tinh vi, phức tạp hơn

Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định mới thay thế các nghị định hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hiện nay, số doanh nghiệp (DN) có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 19 DN.

Nhiều biến tướng khó kiểm soát

Mặc dù vậy, vấn nạn đa cấp trá hình lừa đảo lại diễn ra nhức nhối. Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Sỹ Anh Tuyên - Chủ tịch HĐQT Công ty nước GMT, để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với thủ đoạn "thổi" vốn lên 42.000 tỉ đồng, hoạt động đa cấp biến tướng để lừa đảo.

Công an tỉnh Lạng Sơn cũng vừa phối hợp các đơn vị liên quan bắt tạm giam nhóm lừa đảo hơn 9.000 người với hàng ngàn tỉ đồng theo mô hình đa cấp.

TS - luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định mặc dù đã có những quy định về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, nhưng trước những biến tướng của hoạt động này, các quy định vẫn chưa hoàn toàn theo kịp và ngăn chặn được những biến tướng xảy ra trong thực tiễn.

Những biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp thường thấy như, trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, với các thủ đoạn như đưa ra hình thức quảng cáo tiếp thị vừa tặng quà và rao bán các sản phẩm thông dụng như thiết bị, đồ dùng nội trợ… hứa hẹn uy tín chất lượng. Sau đó tiếp tục sử dụng những nạn nhân đầu tiên để lôi kéo những nạn nhân khác với những cam kết sẽ trả phúc lợi và thù lao hoa hồng cao.

Đáng lo ngại, trong lĩnh vực tiền ảo, mạng internet, dựa trên hoạt động các chương trình, ứng dụng ảo hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử, tài sản điện tử không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo giới thiệu hướng dẫn làm giàu trên các hội nhóm Facebook, Zalo, Telegram… để thu hút, lôi kéo người chơi trên danh nghĩa là đầu tư, thông qua đó lừa các nạn nhân nạp tiền vào các ứng dụng, trang web, nền tảng theo mô hình mạng lưới đa cấp với cam kết trả tiền lãi và trả thưởng môi giới "hậu lĩnh" cho người tham gia.

 - Ảnh 2.

Một buổi sinh hoạt của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Với mô hình tháp ảo, người đứng đầu hệ thống nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng và bóc lột các thành viên khác ở đáy tháp để huy động tiền. Theo luật sư Đặng Văn Cường, những thủ đoạn này thường chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, khi thu được một số tiền lớn hay người tham gia không còn khả năng tài chính, không lôi kéo thêm được người mới tham gia… thì các đối tượng sẽ đánh sập các nền tảng, ứng dụng, hội nhóm để chiếm đoạt tài sản từ các nhà đầu tư.

Nghiêm trọng hơn, các đối tượng kinh doanh đa cấp "không chính đáng", biến việc kinh doanh đa cấp thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng để buôn bán hàng giả, hàng nhái... Những hành vi này đang trực tiếp gây nguy hại cho xã hội.

Tăng tiền ký quỹ

Tại dự thảo nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất làm rõ việc xác định khái niệm kinh doanh theo phương thức đa cấp theo hệ thống người tham gia của DN bán hàng đa cấp hay xác định theo hệ thống tuyến dưới của người tham gia bán hàng đa cấp; bổ sung trách nhiệm gắn với đào tạo kiến thức cho người tham gia đa cấp.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất tăng năng lực tài chính của DN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, bằng cách tăng mức ký quỹ từ 10 tỉ đồng lên mức 20 hoặc 50 tỉ đồng, với lý do để giải quyết quyền lợi cho hàng trăm, hàng ngàn người tham gia có thiệt hại lên đến nhiều tỉ đồng trong các vụ việc bị xử lý hình sự như: Liên Kết Việt, Nhượng quyền thương mại Thăng Long trước đây thì số tiền ký quỹ theo quy định hiện nay (5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỉ đồng) là quá thấp, không đủ chi trả.

Ông Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, cho rằng bán hàng đa cấp có mạng lưới phủ rộng khắp, vì vậy việc đưa ra các quy định để minh bạch thị trường, tăng tiền ký quỹ sẽ giúp bảo vệ người tham gia, người tiêu dùng. Nếu những ai quyết tâm tham gia thị trường bán hàng đa cấp thì phải tuân thủ đúng, chứ không phải "lùa gà", rồi sau một thời gian ngắn lại bỏ trốn.

Cùng với đó, quy định rõ giữa bán hàng đa cấp so với mô hình bán hàng 1 cấp, tránh tình trạng không có giấy phép nhưng vẫn núp bóng đa cấp để hoạt động. "Tôi mong rằng núp bóng đa cấp sẽ hết đất sống. Ai đã lựa chọn bán hàng đa cấp thì đây phải là nghề, hóa giải định kiến với bán hàng đa cấp là lừa đảo" - ông Mạch nói.

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, pháp luật cần có những quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc đăng ký kinh doanh đối với các DN kinh doanh mô hình đa cấp; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng và hiểu biết của DN, cá nhân kinh doanh đa cấp về hàng hóa được kinh doanh và không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Quy định tại Nghị 40/2018/NĐ-CP hạn chế những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp (khoản 2 điều 4) như thuốc, trang thiết bị y tế; hóa chất, sản phẩm nội dung thông tin số… Tuy nhiên, trên thực tế, việc kinh doanh đa cấp hiện nay vô vàn những sản phẩm hàng hóa, trong đó có cả những hàng hóa không được kinh doanh đa cấp, những hàng hóa cấm….

Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng thường xuyên núp bóng dưới hoạt động hội thảo "trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm"… Do đó, luật sư Cường khuyến nghị để tránh tình trạng biến tướng xảy ra thì cần kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo, cần làm minh bạch, rõ ràng về mục đích hướng đến của các hội thảo được DN, cá nhân kinh doanh đa cấp tổ chức là gì? 

Tính đến tháng 7 -2024, số người tham gia bán hàng đa cấp của cả nước là 732.997 người - số lượng thấp nhất từ năm 2018 đến nay và giảm 5% so với năm 2023, giảm 41% so với năm 2018.

Ngăn chặn lừa đảo mua lại DN đa cấp

Bộ Công Thương cho biết đang giải quyết trường hợp cá nhân trước đây làm việc cho DN bán hàng đa cấp có nhiều tai tiếng về lừa đảo mua lại DN bán hàng đa cấp đang hoạt động và đang thực hiện thủ tục để sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau để đối phó, ngăn chặn nhưng gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, cơ quan này đề xuất bổ sung quy định đối với việc mua lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để ngăn chặn tình trạng mua bán giấy phép.