Đà Nẵng quyết dời ga đường sắt

Thành phố Đà Nẵng muốn thực hiện di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô trong khi chờ quy hoạch nhằm tái thiết đô thị, giải quyết ùn tắc

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố được Bộ Chính trị ra nghị quyết từ năm 2003. Trước mắt, thành phố tính toán phương án di dời trong giai đoạn quá độ khi chưa thể thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.

Nguồn lực đầu tư khó khăn

Theo UBND TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt và các công trình trọng điểm là một trong những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực đầu tư cho ngành đường sắt còn khó khăn cùng với việc Chính phủ ưu tiên đang tập trung đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay nội dung di dời ga đường sắt Đà Nẵng không được đề cập trong định hướng phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Vì vậy, dự án di dời ga của Đà Nẵng có thể chỉ được Chính phủ nghiên cứu sau giai đoạn 2030, phải sau 2045 khi đầu tư xong đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tuyến đường sắt qua khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, trông nhếch nhác

Tuyến đường sắt qua khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, trông nhếch nhác

Ông Nam cho biết gần đây, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất các phương án di dời trong giai đoạn chưa thể thực hiện theo quy hoạch. Động thái này nhằm từng bước cụ thể hóa việc triển khai dự án, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và góp phần chỉnh trang khu vực trung tâm cũng như bảo đảm an toàn giao thông trong khi ngành đường sắt chưa đủ nguồn lực để thực hiện việc di dời ga Đà Nẵng theo quy hoạch.

Ga Đà Nẵng hiện tại nằm ở khu vực đường Hải Phòng, quận Thanh Khê. Ga này vừa vận chuyển hành khách và hàng hóa; là ga khu đoạn các tác nghiệp kỹ thuật, lập và giải thể tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tổng diện tích do ngành đường sắt đang quản lý tại khu vực này là hơn 11,386 ha.

Ga đường sắt Đà Nẵng đi qua đoạn đường Lê Độ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng thường xuyên gây kẹt xe, ùn tắc giờ cao điểm

Ga đường sắt Đà Nẵng đi qua đoạn đường Lê Độ, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng thường xuyên gây kẹt xe, ùn tắc giờ cao điểm

Trong khi Thanh Khê là quận trung tâm, có mật độ dân số cao nhất nên khu vực ga đường sắt hiện hữu có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái thiết, chỉnh trang đô thị. Tuyến đường sắt đi sâu vào trung tâm như hiện nay và cắt ngang nhiều tuyến đường đô thị đã phát sinh bất cập, thường xuyên gây ra ùn tắc và tai nạn trong nội đô.

Hai phương án

Sở GTVT TP Đà Nẵng đã tính toán hai phương án trong giai đoạn chưa triển khai di dời tuyến đường sắt và ga Đà Nẵng theo quy hoạch. Mỗi phương án đều có 2 giai đoạn. Trong đó, phương án 1 là di dời toàn bộ ga hàng hóa, hành khách và các công trình phụ trợ về khu vực ga Kim Liên. Ở phương án này, giai đoạn 1 do TP Đà Nẵng và Bộ GTVT thực hiện là giai đoạn quá độ khi chưa di dời ga theo quy hoạch đã được duyệt. Thành phố sẽ cải tạo và nâng cấp ga Kim Liên hiện tại thành ga khu đoạn - ga hỗn hợp vận chuyển cả khách và hàng, với quy mô đáp ứng nhu cầu vận chuyển đến năm 2030 với lượng hàng hóa là 350.000 tấn/năm và lượng hành khách là 1.500.000/năm. Con số này lớn hơn lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển bằng đường sắt qua khu vực TP Đà Nẵng tại thời điểm cao nhất trong giai đoạn 2010-2022. Tổng diện tích yêu cầu khu ga Kim Liên khoảng 10,56 ha, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 3,75 ha. Số hộ cần giải tỏa khoảng 210 hộ. Tổng mức đầu tư dự án cho giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỉ đồng.

Giai đoạn 2 do Bộ GTVT thực hiện là giai đoạn hoàn thiện theo đúng quy hoạch đến năm 2050, di dời ga hàng khách ra xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Phương án 2 là di dời phần ga hàng, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên, phần ga khách ra vị trí mới thuận lợi dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có. Sở GTVT dự kiến phương án 1 sẽ đầu tư theo hình thức PPP, phương án 2 triển khai toàn bộ dự án từ nguồn vốn vay ODA.

Theo ông Lê Quang Nam, việc di dời toàn bộ ga đường sắt Đà Nẵng về ga Kim Liên có nhiều ưu điểm, vừa phù hợp quy hoạch định hướng chuyển đổi công năng ga Kim Liên vừa phát huy hiệu quả vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Bên cạnh đó, việc di dời này sẽ giải quyết triệt để ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thị. Sau di dời, toàn bộ quỹ đất khu vực ga cũ cùng hành lang được thành phố dùng để tái thiết đô thị, phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án.

Hiện Ban Cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng đã báo cáo Thường trực Thành ủy xin ý kiến thống nhất chủ trương trên đồng thời giao UBND thành phố làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT để thống nhất phương án đầu tư phù hợp trong 2 phương án nói trên. 

Thu lợi hơn 5.000 tỉ

Đối với diện tích đất khu vực ga Đà Nẵng hiện tại, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị quy hoạch chỉnh trang để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể, định hướng khu vực này thành đầu mối giao thông kết hợp dịch vụ, thương mại. Diện tích đất thương mại dịch vụ dự kiến sau quy hoạch chiếm khoảng 65% diện tích ga hiện tại, có giá trị thương mại khoảng hơn 5.300 tỉ đồng. Đối với quỹ đất dọc theo hành lang tuyến đường sắt, sau khi di dời kết hợp hành lang đường sắt hiện có và quỹ đất chạy dọc 2 bên đường sắt để xây dựng hệ thống đường sắt nhẹ LRT đi chung với đường bộ trên mặt đất để kết nối giao thông từ khu ga Đà Nẵng mới về trung tâm thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.

Đà Nẵng quyết dời ga đường sắt

- Ảnh 3.