Đại biểu Nguyễn Thị Lệ: TP HCM mong muốn cơ chế tài chính - ngân sách phù hợp
(NLĐO)- TP HCM mong muốn có cơ chế tài chính - ngân sách phù hợp để chủ động hơn trong đầu tư phát triển, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Ngày 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng về tổng thể, dự thảo luật cần thể hiện rõ tinh thần phân cấp, phân quyền thực chất, đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại Quốc hội ngày 26-5. Ảnh: Phạm Thắng
Từ thực tiễn sau gần 10 năm thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước 2015, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho biết nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như TP HCM, đang gặp khó khăn trong cân đối ngân sách, triển khai đầu tư công, cũng như chủ động trong điều hành tài chính - ngân sách.
Một trong những nguyên nhân được bà Nguyễn Thị Lệ chỉ ra là do khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa tạo đủ không gian cho địa phương tự quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn năng động.
Với bất cập đó, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị dự thảo Luật cần thể chế rõ hơn tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Kết luận 93-KL/TW của Bộ Chính trị: "Trung ương giữ vai trò chủ đạo, nhưng địa phương phải được chủ động, sáng tạo, có quyền phân bổ nguồn lực phù hợp thực tiễn". Đồng thời, cần mở rộng quyền của HĐND trong quyết định tỉ lệ điều tiết nội địa, phân cấp nhiệm vụ chi, và sử dụng kết dư ngân sách.
Về quy định bội chi và hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo hiện quy định trần nợ vay địa phương theo tỉ lệ % thu được hưởng theo phân cấp (80% hoặc 120%).
Cách tính này theo bà Nguyễn Thị Lệ là chưa phản ánh đúng năng lực thực tế, không phù hợp với các địa phương có quy mô kinh tế lớn, có năng lực huy động vốn cao như TP HCM.
"TP HCM là địa phương có năng lực tài chính, uy tín tín dụng và khả năng huy động vốn cao, hoàn toàn có thể vay lại từ ODA, phát hành trái phiếu chính quyền để đầu tư các công trình trọng điểm"- đại biểu nhấn mạnh và đề xuất ngoài tiêu chí thu phân cấp, cần bổ sung tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính – tín dụng.
Về Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề xuất cần làm rõ thẩm quyền thành lập và quản lý của địa phương. Quy định này sẽ là cơ sở để địa phương huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh các quỹ do Trung ương thành lập, cần cho phép địa phương được lập một số quỹ tài chính ngoài ngân sách (theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch) để đáp ứng các nhu cầu đặc thù, như Quỹ phát triển chuyển đổi số, Quỹ đầu tư hạ tầng đô thị, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo…
Với vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đóng góp khoảng 25 - 27% ngân sách quốc gia mỗi năm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho biết TP HCM luôn mong muốn có cơ chế tài chính – ngân sách phù hợp để chủ động hơn trong đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng kiến nghị dự thảo luật cần có các quy định để tăng cường thực quyền cho HĐND địa phương trong quyết định ngân sách.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, HĐND hiện nay chủ yếu được "phê chuẩn" những nội dung đã được trình sẵn, ít có quyền quyết định cơ cấu chi, điều chỉnh nguồn, bố trí vốn các công trình ngoài kế hoạch.
Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung các quy định để HĐND cấp tỉnh: Có quyền quyết định tỉ lệ phân chia nội bộ giữa các cấp ngân sách; Có quyền quyết định chuyển nguồn, sử dụng kết dư, phân bổ vốn cho chương trình đột phá, các tình huống phát sinh chưa có trong kế hoạch; Có quyền phê duyệt các dự án trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương; Quyền quyết định đầu tư các dự án ngoài kế hoạch trung hạn nếu có nguồn hợp pháp.