Đại biểu Quốc hội lo ngại "chấp nhận rủi ro" trong nghiên cứu khoa học bị lạm dụng

(NLĐO) - Đại biểu ủng hộ tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong nghiên cứu khoa học, nhưng cần phân biệt rõ giữa rủi ro hợp lý và sai phạm không thể miễn trừ.

Chiều 13-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội lo ngại "chấp nhận rủi ro" trong nghiên cứu khoa học bị lạm dụng- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga ủng hộ việc luật hóa tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học nhưng cho rằng nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng. Ảnh: Hồ Long

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu rõ, dự thảo Luật đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thể chế phát triển đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, là chìa khóa để khơi thông, tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn, tạo động lực cho sự phát triển cho đất nước trong kỷ nguyên mới.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề cập đến quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bà Nga ủng hộ việc luật hóa tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, ĐB cho rằng nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng. Vì vậy, ĐB đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (sai số mô hình, thất bại thử nghiệm...) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém...).

Cần thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập, đồng thời thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế "đầu tư rủi ro công", đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.

Ngoài ra, theo ĐB, dự thảo Luật còn thiếu bao quát trong thiết kế các tiêu chí xác định nhân tài. Các tiêu chí hiện tại như bằng sáng chế, giải thưởng, khởi nghiệp... phù hợp với khoa học tự nhiên và công nghệ, nhưng chưa phản ánh đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn. 

Do đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bổ sung tiêu chí đặc thù cho từng nhóm ngành, với khoa học xã hội và nhân văn có thể là có công trình nghiên cứu được áp dụng trong xây dựng chính sách, giáo dục hoặc có công trình nghiên cứu được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước. Bảo đảm công bằng, minh bạch và tôn vinh đúng những người có đóng góp học thuật và chính sách trong cả ba lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, và khoa học xã hội - nhân văn.

Đại biểu Quốc hội lo ngại "chấp nhận rủi ro" trong nghiên cứu khoa học bị lạm dụng- Ảnh 2.

Đại biểu Vương Quốc Thắng. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐB Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam), ngoài việc thiết kế các chính sách nhằm quản lý, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thì dự thảo Luật cần chú trọng thêm về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ các nhà khoa học một cách có chiều sâu và bền vững, bảo đảm Luật cũng chính là thông điệp truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có khát vọng, lý tưởng và đam mê trở thành nhà khoa học để xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, nghiên cứu để có các chính sách phù hợp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; cần lấy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.