Đại lễ 30-4: Cận cảnh 8 khối hướng 3 đi trong vòng tay nhân dân
(NLĐO) - Dù đi qua một quãng đường dài nhưng 8 khối của hướng 3 đều hùng dũng bước đi trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân
Hướng 3 gồm các khối Chiến sĩ Lục quân, Chiến sĩ Tăng - Thiết giáp, Chiến sĩ Đặc công, Nữ chiến sĩ Biệt động, Chiến sĩ Đặc nhiệm dù, Nam Dân quân biển, Nữ Du kích miền Nam, Nữ Dân quân miền Bắc.
Hướng 3 sau khi đi qua Hội trường Thống Nhất, di chuyển theo tuyến đường Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng. Điểm tập kết là Sân vận động Hoa Lư.
Hình ảnh Khối Chiến sĩ Lục quân:

Lục quân là một trong 7 lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Lục quân được bảo đảm vũ khí, trang bị theo hướng hiện đại, có khả năng cơ động cao, có sức đột kích và hỏa lực mạnh cùng khả năng tác chiến trong các điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, lục quân bao gồm các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Hình ảnh Khối Chiến sĩ Tăng - Thiết giáp:

Binh chủng Tăng - Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam là một binh chủng trong tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam, chịu trách nhiệm tác chiến đột kích trên bộ và đổ bộ (hải quân), được trang bị các loại xe tăng, xe bọc thép, với hỏa lực mạnh, sức cơ động cao

Ra đời ngày 5-10-1959 và trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Tăng thiết giáp được Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giáo dục, rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong cuộc tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Bộ đội Tăng thiết giáp đã tham gia đánh trận mở màn Buôn Ma Thuột, góp phần hoàn thành thắng lợi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.
Hình ảnh Khối Chiến sĩ Đặc công:

Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp quản lý và chỉ đạo

Đây là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, quân nhân được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để tập kích bất ngờ vào các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trưa ngày 30-4-1975, ông Phạm Duy Đô, đại đội trưởng đơn vị đặc công đã lên tầng hai Dinh Độc Lập, rồi ra ban công phất cờ chiến thắng
Hình ảnh Khối Nữ chiến sĩ Biệt động:

Các nữ chiến sĩ biệt động là quân nhân được tuyển chọn từ các đơn vị thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5, Quân đoàn 34, Trường sĩ quan Lục quân 2 và Học viện Lục quân. Chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp.

Để có đội hình chỉn chu và những bước chân đều tăm tắp, các nữ chiến sĩ đã dành nhiều tháng tập luyện với cường độ cao. Mệt mỏi, da sạm đi nhưng ai cũng ngập tràn niềm tự hào.

Một điều rất đặc biệt ở khối nữ chiến sĩ biệt động, là mang nhiều vũ khí trang bị hiện đại, như súng tiểu liên STV-215, mũ chống đạn tích hợp các trang thiết bị quang học điện tử (đèn pin, ống nhòm quan sát đêm, camera ảnh nhiệt…), thiết bị thông tin liên lạc, áo giáp chống đạn K56

Tổng trọng lượng vũ khí trang bị của mỗi nữ quân nhân trong khối nữ chiến sĩ biệt động đang luyện tập hiện nay là khoảng 7 - 8 kg.
Hình ảnh Khối Chiến sĩ Đặc nhiệm dù:

Khối chiến sĩ đặc nhiệm dù không chỉ là biểu tượng của sức mạnh quân sự mà còn là niềm tự hào của đất nước

Với sự huấn luyện khắt khe và tinh thần chiến đấu kiên cường, khối chiến sĩ đặc nhiệm dù luôn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất trong mọi tình huống

Khối chiến sĩ đặc nhiệm dù đã thể hiện được sự chuyên nghiệp qua những màn huấn luyện gay go và thực tế chiến đấu.
Hình ảnh Khối Nam Dân quân biển:

Dân quân tự vệ biển là một bộ phận của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, được tổ chức ở các địa phương ven biển, đảo, cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển, với chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân quân tự vệ biển vừa lao động sản xuất vừa tham gia chiến đấu chống lại các hoạt động phá hoại sản xuất, tác chiến trên biển của địch, bắn cháy một số tàu chiến của Mỹ và thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, chuyển quân, tải thương,…

Bước vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những năm gần đây, lực lượng dân quân tự vệ biển được tổ chức xây dựng và hoạt động khá hiệu quả trên các vùng biển và hải đảo, cùng các lực lượng liên quan giữ vững an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển kinh tế các địa phương ven biển.
Hình ảnh Khối Nữ Du kích miền Nam:

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh những "Cô Ba dũng sĩ" với chiếc khăn rằn thân quen, với ý chí "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" đã phát huy vai trò quan trọng trong cả ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh địch vận, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tham gia diễu binh, diễu hành, đội hình nữ du kích miền Nam tham gia hợp luyện với bộ quần áo bà ba, tay cầm súng.

Ngày nay, nữ du kích miền Nam đang đẩy mạnh phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" tích cực phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quê hương ấm no, gia đình hạnh phúc.
Hình ảnh Khối Nữ Dân quân miền Bắc:

Hình ảnh chiếc áo bà ba với khăn mỏ quạ khiến những cô gái Khối nữ dân quân miền Bắc gây ấn tượng mạnh mẽ với đồng bào miền Nam

Khối nữ dân quân miền Bắc là những quân nhân chuyên nghiệp thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn diễu binh Quân khu 4

Dù phải đối mặt với những buổi tập gian khổ, thời tiết khắc nghiệt khi di chuyển vào miền Nam, khối nữ du kích miền Bắc vẫn luôn quyết tâm "vượt nắng, thắng mưa", kiên trì luyện tập, vượt qua mọi khó khăn để có màn trình diễn xuất sắc trong ngày trọng đại của đất nước.