Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Tầm nhìn xa, khát vọng lớn

Sức mạnh làm nên dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong kỷ nguyên vươn mình hội nhập và phát triển có đóng góp quan trọng của triết lý sống

Ngày 7-5, các hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) 2025 tiếp tục diễn ra ở TP HCM.

Đoàn kết và bao dung

Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, Hội thảo khoa học để làm rõ chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ năm nay "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 học giả từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Tầm nhìn xa, khát vọng lớn - Ảnh 1.

Hội thảo quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 .Ảnh: ĐĂNG HUY

Giới thiệu về chủ đề chính của hội thảo, cũng chính là chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2025, Hòa thượng, GS-TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV), cho biết đây là sự tôn vinh những đóng góp vĩ đại của Đức Phật đối với lịch sử nhân loại, đồng thời trân trọng thành quả 80 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 50 năm thống nhất đất nước. 

Chủ đề này phản ánh tầm nhìn của LHQ và khát vọng của Chính phủ Việt Nam trong việc kiến tạo hòa bình và phát triển bền vững dưới ánh sáng giáo pháp của Đức Phật.

Thượng tọa, TS Thích Giác Duyên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, cho rằng tuệ giác Phật giáo với các giá trị cốt lõi như từ bi, đoàn kết, bao dung và trí tuệ đóng vai trò then chốt trong xây dựng xã hội hòa bình và phát triển bền vững. 

Khi tinh thần đoàn kết, bao dung được thực hành sâu rộng, con người sẽ sống trong yêu thương và thấu hiểu, từ đó đạt được hòa bình nội tâm - giảm lo âu, phiền muộn cũng như nuôi dưỡng trí tuệ, lòng từ bi.

Hòa thượng, TS Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chung quan điểm giá trị của đoàn kết, bao dung, từ bi, và tôn trọng nhân phẩm con người có thể giúp xây dựng xã hội không có xung đột và bất công, đồng thời bảo vệ và phát triển môi trường sống để phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại. 

Khi những điều này được thực hiện, Phật giáo không chỉ giúp giải quyết những vấn đề hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một tương lai tươi sáng, hòa bình và bền vững.

Sức mạnh trong kỷ nguyên mới

Theo PGS-TS Vũ Công Thương (Trường Đại học Sài Gòn), với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, tư tưởng nhân văn của Phật giáo góp phần thức tỉnh lương tri, làm phần xấu ở mỗi người bớt dần, phần tốt phát triển, lan tỏa.

"Để duy trì hạnh phúc và hòa bình lâu dài, mỗi người cần thực hành theo lời Phật dạy. Áp dụng tinh thần giáo pháp Phật giáo trong cộng đồng sẽ tạo ra sự hòa hợp, hạnh phúc và góp phần duy trì hòa bình, phát triển bền vững cho nhân loại" - PGS-TS Vũ Công Thương nêu quan điểm.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Tầm nhìn xa, khát vọng lớn - Ảnh 2.

Đại biểu trình bày tham luận. Ảnh: LÊ VĨNH


Thượng tọa, TS Thích Phước Đạt, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, chia sẻ rằng từ bi kết hợp với trí tuệ, tình thương đi đôi với lẽ phải chính là nền tảng của triết lý sống của người Phật tử Việt Nam qua các thời đại. 

Phật tử Việt Nam, hay rộng hơn người dân Việt, tùy theo những nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra đã thể hiện triết lý sống và hành động của mình. Đồng thời, đạt những kỳ tích hào hùng và vinh quang trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Đó cũng chính là sức mạnh làm nên dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong kỷ nguyên vươn mình hội nhập và phát triển.

PGS-TS Bùi Thị Tỉnh (Học viện Chính trị Công an Nhân dân) nêu quan điểm đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ, là ánh sáng soi đường quần chúng, Phật tử giác ngộ, giải thoát. Khơi dậy lòng từ bi, thực hành tu tập bát chính đạo là con đường chân chính để xây dựng thế giới hòa bình. 

Trong đó, con người đối đãi với nhau và với chúng sinh bởi vô lượng yêu thương, vị tha. Đây chính là phương thức xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa tôn giáo với chính trị, đặc biệt trong bài học phát huy nguồn lực tinh thần. Giá trị từ bi, nhân sinh quan Phật giáo giúp cho chính quyền ổn định, xã hội hài hòa, hoan hỷ, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Trọng tâm của những nỗ lực chung

Hòa thượng, TS Jinwol Lee, thành viên ICDV, nhấn mạnh để xây dựng một nền văn hóa hòa bình và yêu thương, con người cần học cách thấu hiểu và đối xử tốt với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Điều này không chỉ đến từ nỗ lực của cá nhân mà còn đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống để tạo ra những xã hội công bằng và hòa nhập hơn. 

"Bằng cách thúc đẩy các chính sách và hoạt động ưu tiên phúc lợi của mọi người, chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà lòng từ bi là trọng tâm của những nỗ lực chung" - Hòa thượng, TS Jinwol Lee trình bày.

Theo kế hoạch mới nhất, thời gian chiêm bái Xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm, huyện Bình Chánh diễn ra đến 10 giờ sáng 8-5. Tiếp đó, Xá lợi được thỉnh rước đến núi Bà Đen (Tây Ninh) trước khi tôn trí tại chùa Quán Sứ, chùa Tam Chúc ở phía Bắc rồi trở về Ấn Độ.

Theo Ni sư, TS Thích Nữ Hằng Liên, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, nuôi dưỡng tâm bình an không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân mà còn góp phần tạo dựng một thế giới hòa bình. Hòa bình bắt đầu từ mỗi trái tim tỉnh thức và yêu thương với nội tâm an lạc. 

Khi mỗi người trong xã hội sống với sự thanh thản trong tâm hồn, rộng lượng và dung thứ, họ sẽ không chỉ giúp bản thân mình đạt được sự an vui mà còn góp phần vào việc xây dựng một thế giới nơi con người sống trong sự tôn trọng và hòa hợp lẫn nhau.

GS-TS Nguyễn Hùng Hậu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chung quan điểm bao dung là nền tảng cho hòa bình lâu dài và phát triển bền vững, đồng thời là con đường giác ngộ trong Phật giáo. Theo ông, bao dung với muôn loài là hướng đến giác ngộ và khi các nhà lãnh đạo thực hành bao dung, thế giới sẽ tiến gần đến hòa bình bền vững. 

Mắt xích vững chắc

Hòa thượng, TS Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ rằng tinh thần đoàn kết trong Phật giáo không chỉ là sự kết nối giữa cá nhân với cá nhân, mà còn là sự gắn kết giữa con người trong một cộng đồng lớn hơn - cộng đồng nhân loại. Khi cá nhân thực sự hiểu và thực hành giá trị này sẽ trở thành mắt xích vững chắc trong chuỗi dài của những nỗ lực vì đoàn kết, hòa hợp và sự thịnh vượng toàn cầu.

Cảm nhận rõ hơn một Việt Nam hiền hòa, sâu sắc và sáng tạo

Tại TP Thủ Đức tối 7-5, hơn 3.000 đại biểu và khách mời quốc tế tham dự chương trình giao lưu âm nhạc nghệ thuật Phật giáo quốc tế.

Đêm nhạc có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSND Mỹ Hằng, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Đức Tuấn, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc. Cùng với đó là nhiều đoàn nghệ thuật đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan...

Với chủ đề tôn vinh giá trị tinh thần, tình yêu thương và hòa bình, các tiết mục được dàn dựng công phu, kết hợp hài hòa giữa nhạc giao hưởng, âm nhạc dân tộc và phong cách đương đại cùng hiệu ứng sân khấu hiện đại và mỹ thuật đặc sắc. Chương trình đã mang đến không gian nghệ thuật giàu chiều sâu, dẫn dắt khán giả bước vào thế giới Phật pháp qua ngôn ngữ âm nhạc.

Sự kiện được đánh giá là hội tụ văn hóa Phật giáo đa quốc gia, mang đến trải nghiệm nghệ thuật phong phú và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết các cộng đồng Phật tử trên thế giới.

Ban tổ chức nhấn mạnh chương trình là cơ hội để bạn bè quốc tế cảm nhận rõ hơn một Việt Nam hiền hòa, sâu sắc và sáng tạo - nơi đạo và đời hòa quyện, nơi từng giai điệu được cất lên đều mang theo thông điệp của sự tỉnh thức và yêu thương.

Kim Ngân