Đại ngàn nối liền biển xanh: Cơ hội rộng mở
Đắk Lắk giờ đây không chỉ là thủ phủ cà phê mà còn là điểm đến hấp dẫn với biển và núi rừng
Đắk Lắk và Phú Yên đã chính thức về chung "một nhà", với những kỳ vọng lớn lao nhưng đầy cơ sở về sự phát triển thịnh vượng, cùng cả nước vươn mình đi lên.
Người dân đặt nhiều kỳ vọng
Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng đầu tiên sáp nhập (1-7), tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đông đảo người dân tới thực hiện các thủ tục hành chính. Trung tâm đã bố trí cán bộ tiếp đón, hướng dẫn người dân bốc số thứ tự và thực hiện các thủ tục. Ông Nguyễn Văn Xuân (ngụ phường Buôn Ma Thuột) cho biết đang đi làm thủ tục để đăng ký kinh doanh hộ gia đình. Ông được cán bộ hướng dẫn chi tiết nên rất hài lòng. Ông Xuân chia sẻ lúc đầu nghe thông tin tỉnh Phú Yên sẽ sáp nhập vào Đắk Lắk, ông Xuân có chút trăn trở bởi 2 địa phương có những đặc thù riêng về kinh tế, văn hóa, chưa kể giao thông kết nối chưa thuận lợi. Tuy nhiên, càng suy nghĩ, ông càng nhận thấy việc sáp nhập 2 tỉnh là một quyết sách đúng đắn, giúp mở rộng không gian phát triển, khai thác tốt hơn tiềm năng của từng vùng để phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc lộ 29 - con đường huyết mạch nối Phú Yên - Đắk Lắk (cũ) không còn phù hợp trong tình hình hiện nay
"Tôi hy vọng chính quyền mới sẽ chú trọng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương. Dẫu biết còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi tin sự thay đổi này sẽ là một bước ngoặt tích cực, giúp đời sống nhân dân ngày càng ấm no" - ông Xuân kỳ vọng.
Theo chị Nguyễn Thị Ngàn (ngụ phường Tuy Hòa), Đắk Lắk (cũ) có tài nguyên đất đai màu mỡ, phát triển mạnh về nông nghiệp với những vườn cà phê, sầu riêng bạt ngàn. Phú Yên (cũ) có lợi thế về đường bờ biển dài, ngành du lịch biển phát triển. Sự kết nối "rừng" - "biển" sẽ tạo ra chuỗi giá trị cho nông sản, phát triển du lịch, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, hình thành vùng kinh tế liên kết bền vững. "Tôi mong muốn nhân dân 2 tỉnh trước đây sẽ đoàn kết, giao lưu văn hóa, cùng nhau xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, phát triển cùng cả nước" - chị Ngàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đề nghị đội ngũ cán bộ xã, phường mới phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động thích ứng với yêu cầu mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn so với trước đây.
Cực tăng trưởng mới
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung khẳng định việc sáp nhập 2 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên thành một đơn vị cấp tỉnh không chỉ là giải pháp tổ chức lại đơn vị hành chính mà còn có tính đột phá, nhằm tái cấu trúc phát triển theo hướng tích hợp, đồng bộ và hiệu quả.
Sự hợp nhất này sẽ mở ra không gian mới để phát huy tối đa lợi thế, bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương, thúc đẩy liên kết kinh tế, liên kết vùng, tạo không gian, điều kiện và tiềm lực phát triển mới của địa phương và của đất nước như Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh.
Ông nhận định Đắk Lắk xưa với vị trí chiến lược là trung tâm vùng Tây Nguyên, có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, đặc biệt là văn hóa đa sắc tộc. Nay, với việc hợp nhất cùng Phú Yên - một tỉnh có bờ biển dài, tài nguyên biển phong phú, tiềm năng du lịch biển đảo vượt trội, bề dày văn hóa và các lễ hội dân gian đặc sắc tạo nên một thể thống nhất mới, với những lợi thế tổng hợp to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đây, Đắk Lắk không chỉ là thủ phủ cà phê mà còn là điểm đến của biển và núi rừng, với những tuyến hành lang kinh tế nối liền Tây Nguyên đại ngàn với duyên hải miền Trung.
"Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng: Tỉnh Đắk Lắk mới sẽ vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Là trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch và logistics. Là hình mẫu sinh động về sự phát triển hài hòa, bền vững và mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của vùng và của cả nước" - ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung đề nghị tỉnh Đắk Lắk khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, không để gián đoạn điều hành, với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, giữ gìn hình ảnh, tác phong của người cán bộ "từ phục vụ hành chính sang phục vụ nhân dân".
Đề xuất làm đường cao tốc gần 30.000 tỉ đồng
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) và Phú Yên (cũ) đã đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk. Đây là trục đường chiến lược kết nối Đông - Tây, kết nối "rừng" với "biển", kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung. Dự kiến tuyến cao tốc này dài khoảng 122 km (điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông và điểm cuối giao với Quốc lộ 14). Quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư hơn 29.600 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2029.
