Đằng sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh
Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-5 cho biết ông kỳ vọng sẽ có các cuộc đàm phán thực chất giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại vào cuối tuần này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự đoán rằng mức thuế của Washington đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, hiện ở mức 145%, có thể sẽ được hạ xuống.
Phát biểu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong cuộc đối đầu về thuế quan và thương mại thời gian qua. Sau hơn 2 tháng không có tiến triển nào hướng tới sự hòa giải, hai bên trong tuần này thông báo sẽ cử các quan chức cấp cao tới TP Geneva - Thụy Sĩ để đàm phán vào cuối tuần.
Đây được xem là bước đi đầu tiên hướng tới việc tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại đang gây xáo trộn nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã đáp trả mức thuế trên bằng cách áp thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bên cạnh một số biện pháp khác.
Đại diện cho phía Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Trong khi đó, dẫn đầu đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong.
Trước thềm cuộc gặp, ông Bessent cho biết hai bên sẽ tổ chức các cuộc họp trong hai ngày 10 và 11-5 nhằm tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Bộ trưởng này cũng bày tỏ sự lạc quan rằng cuộc gặp dù khó có thể mang lại đột phá nhưng ít nhất sẽ giúp "giảm căng thẳng".
Ông Donald Trump hồi tháng 4 công bố đòn thuế đối ứng rồi tạm dừng áp dụng thuế quan này đối với phần lớn nền kinh tế nhằm làm dịu cuộc chiến thương mại. Đội ngũ của Tổng thống Mỹ đang làm việc với nhiều quốc gia khác để xúc tiến các thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận đầu tiên đã được ông Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer công bố hôm 8-5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về thỏa thuận thương mại với Anh tại Nhà Trắng hôm 8-5.Ảnh: AP
Theo thỏa thuận, Mỹ vẫn giữ mức thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Anh. Các nhà sản xuất thép và ngành công nghiệp nhôm của Anh sẽ có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không bị áp thuế, thay vì mức thuế 25% mà Mỹ đã áp đặt vào tháng 2.
Ngoài ra, Mỹ sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Anh từ 27,5% xuống còn 10% nhưng chỉ áp dụng cho tối đa 100.000 chiếc. Ở chiều ngược lại, Anh đồng ý giảm thuế nhập khẩu từ 5,1% xuống còn 1,8% và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ.
Theo AP, thỏa thuận này phần nào giúp củng cố lập luận của Tổng thống Donald Trump rằng các mức thuế cao mà ông áp đặt có thể dẫn đến thỏa thuận giúp mở cửa các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của các nhà kinh tế khá dè dặt khi họ lưu ý rằng Anh không phải là một đối tác thương mại đủ lớn để tạo ra tác động đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, theo đài CNBC, giới phân tích lưu ý rằng thỏa thuận trên cho thấy mức thuế cơ bản 10% của Mỹ có khả năng sẽ được duy trì đối với các đối tác thương mại khác, hầu như không có ngoại lệ, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự linh hoạt hơn dự kiến đối với các mức thuế theo ngành.
Chuyên gia Abiel Reinhart của Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) nhận định Mỹ nhiều khả năng vẫn duy trì mức thuế ít nhất 10% đối với phần lớn hàng hóa từ hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Reinhart, các nhượng bộ mà Anh giành được cho ngành ô tô, thép, nhôm cho thấy Mỹ có thể sẵn sàng ký kết thỏa thuận tùy chỉnh - dù phạm vi hẹp hơn - với các nền kinh tế khác.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể mất nhiều thời gian hơn đáng kể để hoàn tất so với thỏa thuận với Anh. Ông Lutnick cũng nói thêm rằng Ấn Độ đang "nỗ lực rất nhiều" và nước này "chắc chắn" là một trong những ứng viên tiếp theo có thể đạt được thỏa thuận.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8-5 đề xuất các biện pháp nhằm vào lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá lên tới 95 tỉ euro nếu các cuộc đàm phán với Washington không đạt được kết quả nhằm dỡ bỏ loạt thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Tiến trình tham vấn công khai về các biện pháp trên diễn ra từ nay đến ngày 10-6 để các nước thành viên và doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) phản hồi. Sau đó, EC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế trả đũa.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, khẳng định EU cam kết tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán với Mỹ nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị cho mọi khả năng. Theo đài CNBC, EU đang tìm kiếm thỏa thuận để tránh mức thuế 20% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ EU vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump cũng áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả xe nhập khẩu, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hãng ô tô châu Âu, cùng với mức thuế 25% đối với thép và nhôm.