ÁM ẢNH ĐĂNG KIỂM CUỐI NĂM (*): Làm gắt chứ đừng làm khó!

Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm "cho qua" những xe mắc các khiếm khuyết, hư hỏng không ảnh hưởng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Sau khi công an mở rộng điều tra tiêu cực liên quan đến các trung tâm đăng kiểm, không chỉ người trong ngành căng thẳng, lo lắng mà người dân, doanh nghiệp vận tải cũng đứng ngồi không yên.

Rất mệt nhưng phải đợi!

Khoảng 18 giờ ngày 30-12-2022, dù đã hết giờ làm việc nhưng anh Đặng Thành Tâm Phúc vẫn đưa ôtô đến chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới 50-05V (đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP HCM) để kiểm định.

"Nếu không đưa xe đến giờ này thì ngày mai sẽ chậm chân hơn người khác. Hôm qua đã là ngày cuối xe tôi hết hạn đăng kiểm, trong khi trung tâm cho biết mỗi ngày chỉ nhận khoảng 200 xe nên đến vào sáng hôm sau vẫn có thể đăng kiểm được. Nhưng đông quá, tôi lo không đến lượt mình được xét xe, đợi thao thức cả đêm nên rất mệt" - anh Phúc nói.

Ngồi đợi trước Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-02S (đường Tống Văn Trân, quận 11, TP HCM), anh Nguyễn Trung Hiếu (tài xế chở hàng) cho biết anh đã đi 2 lần nhưng chưa đăng kiểm được xe. Ngày 30-12-2022, chờ từ 3 giờ sáng đến gần 15 giờ cùng ngày, xe anh mới được kiểm định. "Xe hết hạn đăng kiểm, tôi không thể đi chở hàng vì chạy lụi bị phạt ít nhất là 3 triệu đồng và tước bằng lái xe" - anh Hiếu than thở.

ÁM ẢNH ĐĂNG KIỂM CUỐI NĂM (*): Làm gắt chứ đừng làm khó! - Ảnh 1.

Ôtô xếp hàng kín trước Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 50-01S (quận Bình Tân, TP HCM) Ảnh: GIANG NAM

Cũng trong chiều tối 30-12-2022, ông Thái Huân (56 tuổi) ngồi vật vờ chờ ở Trung tâm Đăng kiểm 50-03S (Quốc lộ 13, TP Thủ Đức).

Ông Huân kể từ rạng sáng cùng ngày đã đưa xe đến Trung tâm Đăng kiểm 50-03S để kiểm tra nhưng bên trong bãi đã có hàng chục xe đang đậu. "Mấy hôm nay tôi lái xe tới một số trung tâm đăng kiểm ở TP HCM để kiểm định xe nhưng nơi nào cũng đông đúc. Ngày mai đã là ngày cuối cùng còn hạn đăng kiểm nên tôi cố gắng bám trụ, rất mệt nhưng phải đợi" - ông Huân uể oải nói.

"Vạch lá tìm sâu?"

Dù hoạt động đăng kiểm xe cơ giới ở tỉnh Thanh Hóa không có cảnh quá tải, ùn tắc nhưng tình trạng "vạch lá tìm sâu" cũng khiến chủ xe khốn khổ.

Anh N.V.H (ngụ huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vừa đưa xe xuống Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 36.01S (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) để đăng kiểm chiếc xe tải đã hết hạn. Anh cho biết đã tới trạm 4 lần nhưng vẫn chưa thể đăng kiểm xong do chưa đáp ứng được các thông số theo quy chuẩn.

Lần thứ 5, sau một hồi kiểm tra, chiếc xe của anh vẫn chưa đạt yêu cầu do thành thùng cao hơn quy chuẩn nên đành phải đánh xe về. "Việc đăng kiểm hiện nay rất nghiêm ngặt, dù đi lại vất vả, công việc ngưng trệ nhưng tôi cũng đồng tình. Tuy nhiên, nếu làm nghiêm phải xuyên suốt chứ được vài hôm đâu lại vào đó thì chỉ khổ chúng tôi" - anh N.V.H bày tỏ.

Ông Phạm Bảng - chủ một doanh nghiệp vận tải ở quận Bình Tân, TP HCM - cho biết công ty ông có 3 chiếc xe tải chuyên chở hàng cho khách. Thời gian qua, ông đi đăng kiểm nhưng không qua được "cửa ải" với các lý do: thùng xe móp nhẹ, dán chống chói ở kính lái, đèn không nguyên bản.

Ông Bảng cho rằng đăng kiểm vốn là những vấn đề liên quan tới kỹ thuật, mang tính chính xác để bảo đảm phương tiện vận hành an toàn. Tất cả quy trình đó đều thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật về đăng kiểm. Tuy nhiên, theo ông Bảng, nhiều lý do từ chối đăng kiểm hiện nay không thấy ghi rõ căn cứ theo quy định, văn bản nào của Cục Đăng kiểm.

Đẩy thế khó cho người dân

Ngoài nỗi khổ chờ đợi mệt mỏi vì ùn tắc ở các trạm đăng kiểm tại TP HCM, nhiều người dân, doanh nghiệp còn chịu cảnh mất thu nhập vì xe không thể hoạt động nếu chưa được đăng kiểm, thậm chí đối mặt mức phạt nặng của CSGT.

Công ty ông Phạm Bảng đã ký hợp đồng vận chuyển hàng Tết ra miền Trung cho một doanh nghiệp hàng tiêu dùng. Việc 3 chiếc xe tải của ông vẫn chưa đăng kiểm được khiến thời gian giao hàng có thể sẽ bị chậm trễ, khả năng bồi thường hợp đồng rất cao.

"Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán Quý Mão sắp đến, nhu cầu về vận tải rất lớn mà đăng kiểm làm gắt kiểu này đang gây khó khăn và thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải. Những thiệt hại về các hợp đồng vận tải đã ký ai chịu trách nhiệm?" - ông Bảng bức xúc.

Theo ông Hắc Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty CP 24H Logistics, chỉ cần quá hạn đăng kiểm một ngày đến dưới một tháng, mức phạt tổng cộng sẽ từ 6 đến 15 triệu đồng tùy theo là xe của cá nhân hay doanh nghiệp; chưa kể tài xế còn bị tước bằng lái từ 1-3 tháng. CSGT phát hiện xe trễ hạn đăng kiểm là phạt, không có châm chước, dù người dân bị trễ hạn đăng kiểm xe là do các trung tâm đang quá tải. Điều này đẩy thế khó cho các chủ phương tiện, gây khó khăn cho tài xế.

"Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, tôi ủng hộ việc làm sạch ngành đăng kiểm, loại bỏ tiêu cực. Tuy nhiên bên cạnh đó, ngành đăng kiểm cần nghiên cứu, bổ sung để thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới, tránh gây khó dễ cho người dân khi đi đăng kiểm" - ông Hoàng bày tỏ.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc các cơ quan chức năng vào cuộc, siết chặt lại công tác đăng kiểm là đáng hoan nghênh và cần ủng hộ. Khi siết chặt lại sẽ có một số chủ phương tiện bị ảnh hưởng mà cụ thể là tình trạng xuất hiện tâm lý sợ sai của các nhân viên đăng kiểm khi không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện mắc lỗi không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

"Đối với các lỗi nhỏ không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông, các đơn vị đăng kiểm nên cấp giấy chứng nhận kiểm định cho phương tiện. Bởi bản chất đăng kiểm là kiểm định phương tiện có bảo đảm an toàn vận hành và tránh gây ô nhiễm môi trường, chứ không phải kiểm định cả các lỗi nhỏ khi so các hạng mục với nguyên bản xuất xưởng như hiện nay một số trạm đang thực hiện" - ông Liên nêu ý kiến.

Bị "hành" vô lý, gọi đường dây nóng

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết trong quá trình siết chặt quản lý hoạt động các trung tâm đăng kiểm, qua nắm bắt tình hình, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy xuất hiện tình trạng một số trung tâm đăng kiểm có phần cứng nhắc khi những hư hỏng nhỏ, không ảnh hưởng tới an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe vẫn đánh giá không đạt và từ chối kiểm định.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp thực hiện kiểm định xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể đến các đơn vị đăng kiểm về những khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn được cấp giấy chứng nhận, yêu cầu dán thông báo công khai ở các trung tâm đăng kiểm, để các chủ xe nắm được.

"Chủ phương tiện có những hạng mục nằm trong danh sách công bố vẫn bị làm khó không được cấp kiểm định có thể phản ánh đến số đường dây nóng 0243.768.4706 của Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam" - ông An thông tin.

Làm sao lành mạnh hóa hoạt động đăng kiểm?

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho biết sau khi Nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới với điểm nhấn là xã hội hóa hoạt động đăng kiểm đã tạo ra một cuộc chạy đua thành lập trung tâm đăng kiểm trên khắp cả nước. Thế nhưng, mặt trái của việc này lập tức bộc lộ khi có quá nhiều trung tâm đăng kiểm trên cùng địa bàn mà không tính toán đến tổng lượng phương tiện đã dẫn đến nhiều đơn vị cố tình cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật để giữ chân khách hàng.

Điều khiến các chuyên gia lo ngại chính là việc hầu hết những lỗi vi phạm được lặp lại với tần suất khá cao trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Điều này chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nhận định trong thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng nhiều cách để ngăn chặn sai phạm, tiêu cực của các trung tâm đăng kiểm, trong đó có việc đầu tư công nghệ để tăng tính tự động hóa trong hoạt động kiểm định.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng công nghệ hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay thế hoàn toàn con người. Muốn ngăn chặn tiêu cực, sai phạm trong công tác đăng kiểm do con người gây ra phải quy trách nhiệm tới từng cá nhân, đơn vị. "Để công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu để phát hiện nhiều trạm đăng kiểm sai phạm, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực đăng kiểm" - ông Thanh thẳng thắn.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-1