Chip bán dẫn: Cuộc đua… sặc mùi tiền và quyền

(NLĐO) - Mỹ cần một diễn đàn "nặng ký" về chip bán dẫn để phối hợp chính sách về an ninh chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp trợ vốn… và đó là tiền đề cho "Liên minh Chip 4" ra đời.

Ủy ban Châu Âu (EC) hồi tháng trước đã quyết định dành ra 15 tỉ euro để tài trợ cho các dự án bán dẫn cả công lẫn tư đến năm 2030, với mục tiêu bắt kịp Mỹ và châu Á, qua đó khởi động một cuộc cách mạng công nghiệp xanh.

Các ông lớn "chinh phạt"

Kể từ khi công bố kế hoạch trợ cấp mảng chip hồi năm ngoái đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thu hút được hơn 100 tỉ euro vốn đầu tư cả công và tư, theo Reuters.

Trong khi đó, Mỹ thông qua đạo luật CHIPS từ năm ngoái để cung cấp hơn 52 tỉ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước thông qua các biện pháp trợ giá, trợ cấp. Các nền kinh tế mạnh về công nghệ khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tung ra những biện pháp khuyến khích như giảm thuế để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Được sự mở đường này, các hãng chip lớn không ngừng lên kế hoạch mở thêm nhà máy ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Theo thống kê của Reuters, đại gia Intel của Mỹ sẽ đầu tư 100 tỉ USD để xây khu phức hợp sản xuất chip có tiềm năng lớn nhất thế giới ở bang Ohio – Mỹ song song với khởi công hai nhà máy mới ở bang Arizona vào cuối năm 2021.

Chip bán dẫn: Cuộc đua… sặc mùi tiền và quyền - Ảnh 1.

Hai xí nghiệp mới của Intel đang được xây dựng ở hạt Licking, bang Ohio - Mỹ. Ảnh: Intel

Intel còn rót hơn 30 tỉ euro (gần 32,8 tỉ USD) để phát triển hai nhà máy ở TP Magdeburg - Đức (đổi lại được nhận 10 tỉ euro trợ cấp của chính phủ Đức) và đang đàm phán lập nhà máy ở Ý, Ba Lan…

Trong khi đó, Micron Technology (Mỹ) dự định đầu tư tới 100 tỉ USD trong 20 năm tới để xây một khu phức hợp chip máy tính ở New York – Mỹ, cộng với 15 tỉ USD xây nhà máy ở bang Idaho – Mỹ và 603 triệu USD lập cơ sở đóng gói ở Tây An – Trung Quốc.

Không kém cạnh, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bỏ vốn 40 tỉ USD để đầu tư nhà máy ở bang Arizona - Mỹ, dự kiến hoạt động vào năm 2024.

Theo tạp chí Nikkei, TSMC hồi tháng trước cũng hé lộ thỏa thuận xây dựng nhà máy đầu tiên ở châu Âu và nơi được "chọn mặt gửi vàng" là TP Dresden - Đức, với mong muốn đẩy mạnh mảng bán dẫn cho xe cộ. Cụ thể, TSMC sẽ chi 3,49 tỉ euro để sở hữu 70% nhà máy liên doanh với hai tên tuổi khác của Đức là Infineon Technologies, Robert Bosch và công ty NXP Semiconductors của Hà Lan.

Liên minh Chip 4

Tập đoàn Samsung Electronics cũng có danh sách dài những nhà máy đầu tư mới, bao gồm nhà máy 17 tỉ USD ở Taylor, bang Texas – Mỹ để chế tạo chip cho điện thoại di động, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo…

Tuy nhiên, cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho kế hoạch của Samsung, và cả hãng chip lớn khác của Hàn Quốc là SK Hynix, bị xáo trộn, theo trang Japan Times.

Chip bán dẫn: Cuộc đua… sặc mùi tiền và quyền - Ảnh 2.

Galaxy Studio của Samsung tại quận Omotesando, thủ đô Tokyo - Nhật Bản. Ảnh: Nikkei

Luật CHIPS của Mỹ quy định những công ty nhận trợ cấp để xây dựng cơ sở sản xuất chip ở nước này phải hạn chế đầu tư ở Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa nếu muốn phát triển nhà máy ở Texas, Samsung phải buông hoạt động ở Trung Quốc – các cơ sở sản xuất bán dẫn của Samsung ở TP Tây An chiếm khoảng 40% hoạt động sản xuất bộ nhớ NAND flash của hãng.

Những lắt léo này khiến Samsung phải có điều chỉnh. Theo kế hoạch công bố hồi tháng 5 năm nay, Samsung sẽ xây một cơ sở phát triển ở Yokohama – Nhật Bản, với kinh phí 30 tỉ yen (222 triệu USD), bên cạnh một trung tâm hiện có là Viện Samsung R&D Nhật Bản (R&D: nghiên cứu và phát triển). Theo tạp chí Nikkei, cơ sở mới có thể bắt đầu vận hành vào năm 2025, tập trung vào khâu lắp ráp – kiểm định.

Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản còn bắt tay với EU. Trong chuyến đi đến Tokyo vào tháng 7 vừa qua, Ủy viên EU về thị trường nội khối Thierry Breton đã công bố ý định thắt chặt hợp tác giữa EU và Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn, cùng nhau bảo đảm chuỗi cung ứng cũng như trao đổi nhà nghiên cứu và kỹ sư.

Địa chính trị hiện là yếu tố chen chân đáng kể vào cuộc cạnh tranh khốc liệt vào ngành bán dẫn. Vào tháng 3-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất thành lập một liên minh công nghệ mang tên "Liên minh Chip 4", quy tụ 4 nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Chip bán dẫn: Cuộc đua… sặc mùi tiền và quyền - Ảnh 3.

Yếu tố địa chính trị đang xen vào từng con chip. Ảnh: Business Korea

Hiện Mỹ nắm giữ hầu hết cơ sở thiết kế bán dẫn trên thế giới, còn Đài Loan được xem là tâm điểm sản xuất chất bán dẫn, với hơn 60% lượng chip thế giới là sản phẩm của hai gã khổng lồ TSMC và United Microelectronics Corp (UMC). 

Hàn Quốc là nhà của "đại gia" Samsung, sở hữu cả năng lực thiết kế lẫn chế tạo. Với Nhật Bản, họ thống trị mảng sản xuất các thiết bị quan trọng và vật liệu (như chất cản quang) cho chế tạo bán dẫn.

Sự trỗi dậy của Nhật Bản

Mỹ cần một diễn đàn "nặng ký" như trên để bàn bạc và phối hợp chính sách về an ninh chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực, R&D và các giải pháp trợ vốn. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đều thấy rõ đây là chiến lược của Washington nhằm tăng khả năng tiếp cận các chip quan trọng trong khi cản đường Trung Quốc làm như vậy. 

Cùng mục đích củng cố chuỗi cung ứng trên cơ sở thúc đẩy các hạn chế nhằm vào Trung Quốc, Mỹ còn đưa vấn đề bán dẫn vào một số liên minh quan trọng khác như nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) và AUKUS (bao gồm Mỹ, Anh, Úc)…

Các liên minh chip mang một phần động lực chính trị như vậy đã trở thành đề tài mổ xẻ của nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS - Anh). Họ đồng tình rằng tận dụng thế mạnh của mỗi đối tác là cách phát triển tốt nhất, chẳng hạn như kết nối các trung tâm sản xuất mới nổi ở Anh (tập trung vào thiết kế) và Ấn Độ (tăng năng lực sản xuất).

Chip bán dẫn: Cuộc đua… sặc mùi tiền và quyền - Ảnh 4.

Một phòng sạch (không bụi) tại nhà máy bán dẫn của công ty Nhật Bản Kioxia Holdings Corp ở tỉnh Iwate. Ảnh: Kioxia Holdings Corp

Về vai trò của Nhật Bản trong "Liên minh Chip 4", ông Ota Yasu, nhà bình luận kỳ cựu của Nikkei, cho rằng nước này nên cân bằng giữa lợi ích quốc gia và hợp tác quốc tế để nắm giữ vai trò nổi bật tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhật Bản từng thống trị thị trường chip nhớ thế giới trong những năm 1980, theo Nikkei, nhưng nay đã bị các hãng chip hàng đầu bỏ xa. Lấy ví dụ, các công ty Nhật Bản hiện không sản xuất được các chất bán dẫn hiện đại nhất, như loại có kích cỡ 5 nanomét hoặc nhỏ hơn. Bù lại, Nhật Bản vẫn chưa có đối thủ trong vai trò cung cấp thiết bị chế tạo và vật liệu cần thiết để sản xuất chip.

Ý thức được cả những thách thức và thuận lợi của mình, Nhật Bản đang từng bước hồi sinh ngành công nghiệp chip trong nước bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua hàng loạt biện pháp trợ giá và khuyến khích có tổng giá trị ước tính hơn 10 tỉ yen. 

Nikkei cho biết Samsung, TSMC và Micron Technology là những nhà đầu tư lớn đã nhận được hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản theo phương châm đôi bên cùng có lợi.

Đại kình địch của Samsung là TSMC dự định xây nhà máy chip thứ hai ở Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 8 tỉ USD, đặt tại tỉnh Kumamoto và chuyên sản xuất chip 5 và 10 nanomét. Trước đó, từ năm 2021, TSMC đã có một cơ sở R&D ở Tsukuba, Đông Bắc Tokyo.

Chip bán dẫn: Cuộc đua… sặc mùi tiền và quyền - Ảnh 6.

Một tấm bán dẫn của IBM. Ảnh: IBM

Củng cố sân nhà

Bên cạnh thu hút nguồn lực bên ngoài, Nhật Bản hồi tháng 6 qua đã chấp thuận mua lại hãng chế tạo thiết bị hàng đầu JSR Corp thông qua một quỹ đầu tư do chính phủ hậu thuẫn. Giá trị thương vụ ước khoảng 904 tỉ yen (6,3 tỉ USD).

"Với thỏa thuận này, chính phủ Nhật Bản sẽ đảm bảo vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh dễ xảy ra gián đoạn" - ông Sourabh Banik, chuyên gia phân tích quốc phòng của GlobalData, nhận định.

Tương tự, để nâng cao nội lực, Hàn Quốc dự tính xây dựng một trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới gần thủ đô Seoul. Là chủ lực của kế hoạch này, Samsung hồi tháng 3 thông báo sẽ đầu tư khoảng 300 ngàn tỉ won (230 tỉ USD) trong vòng 20 năm tới để tăng cường năng lực sản xuất của hãng ngay trong nước.