Chip bán dẫn: Nguy cơ từ cuộc chiến chip Mỹ - Trung

(NLĐO) - Trung Quốc và Mỹ đang lún sâu vào cuộc chiến chip; Mỹ liên tục hạn chế hoạt động sản xuất chip của Trung Quốc nhưng nỗ lực này dường như không mấy hiệu quả.

Theo hãng tin Reuters, chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp nhằm tiếp sức cho ngành công nghiệp bán dẫn nước này. Quỹ được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới đang nỗ lực tự chủ trong cuộc đua bán dẫn.

Tham vọng của Trung Quốc

Mục tiêu huy động 300 tỉ nhân dân tệ (khoảng 41 tỉ USD) khiến quy mô của quỹ mới vượt xa các quỹ trước đó được thành lập vào năm 2014, 2019 với giá trị lần lượt 138,7 tỉ nhân dân tệ (19 tỉ USD) và 200 tỉ nhân dân tệ (27 tỉ USD).

Lĩnh vực đầu tư chính của quỹ là thiết bị sản xuất chip. Nhu cầu này đang trở nên cấp thiết sau khi Mỹ áp đặt loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu máy móc và công nghệ làm chip. Một trong những lý do được Mỹ đưa ra là Trung Quốc có thể dùng chip tiên tiến để tăng cường khả năng quân sự.

Chip bán dẫn: Nguy cơ từ cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp nhằm tiếp sức cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Ảnh Reuters

Trung Quốc tiêu thụ khoảng 25% tổng số chip được sản xuất trên toàn cầu nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc chỉ sản xuất được khoảng 8%.

Đáng chú ý, Trung Quốc chi cho nhập khẩu chất bán dẫn ngang với chi tiêu nhập khẩu dầu.

Các nhà sản xuất chip Trung Quốc phụ thuộc vào thiết bị sản xuất nhập khẩu từ Mỹ và Hà Lan. Điều đó khiến Trung Quốc dễ bị thiệt hại trước loạt hạn chế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt từ tháng 10 năm ngoái.

Trước đó, vào tháng 8-2022, Mỹ cũng thông qua gói tài trợ trị giá 52 tỉ USD nhằm yêu cầu các công ty chip hạn chế mở rộng hoạt động với Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post hồi tháng 8, Công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) dự kiến cung cấp thiết bị sản xuất chip 28 nanomet đầu tiên vào cuối năm nay. Đây sẽ là bước đột phá trong nỗ lực của Bắc Kinh hướng tới tự cung cấp công nghệ.

Theo tờ Japan Times, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8, mẫu điện thoại thông minh Mate 60 Pro của hãng Huawei được tung ra thị trường.

Ông Chris Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường ĐH Tufts (Mỹ), cho hay phần lớn các thành phần trong Mate 60 Pro dường như được thiết kế và sản xuất trong nước, một kỳ tích nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc trong việc tạo ra một chuỗi cung ứng độc lập và nguồn lực phi thường bất chấp các hạn chế từ Mỹ.

Chip bán dẫn: Nguy cơ từ cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Phần lớn các thành phần trong điện thoại Mate 60 Pro dường như được thiết kế và sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Thách thức của Mỹ

Mỹ có lợi thế lớn so với Trung Quốc khi hai siêu cường cạnh tranh để giành vị trí thống trị về trí tuệ nhân tạo (AI), bởi những con chip tiên tiến nhất dùng để huấn luyện AI được thiết kế ở Mỹ và được chế tạo bằng các công cụ từ các nước đồng minh.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng tăng cường nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận những con chip tiên tiến và khiến các công ty AI của Trung Quốc bị tụt hậu.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu được Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn và Công ty Oxford Economics công bố hôm 25-7, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ sẽ cần tổng cộng 238.000 kỹ thuật viên, nhà khoa học máy tính và kỹ sư vào năm 2030.

Nếu không có hành động giải quyết sự thiếu hụt nguồn lực, Mỹ không thể phát huy hết tiềm năng về tăng trưởng năng lực, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và dẫn đầu đổi mới công nghệ.

Chất bán dẫn là thành phần thiết yếu cho các thiết bị điện tử, không chỉ quan trọng đối với công nghệ quốc phòng mà còn vô số ứng dụng khác trên toàn nền kinh tế Mỹ. Từ truyền thông đến an ninh, chất bán dẫn giúp các công nghệ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện quốc phòng.

Chip bán dẫn: Nguy cơ từ cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 4.

Gian hàng thiết bị điện tử tại hội chợ thương mại chất bán dẫn ở Thượng Hải hồi tháng 6-2023. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về chất bán dẫn bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và leo thang nhanh chóng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Chính quyền ông Biden đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với chip dành cho AI nhằm ngăn chặn Trung Quốc có được công nghệ sử dụng cho mục đích quân sự.

Từ tháng 10-2022, Mỹ cũng áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc đối với các công ty như Lam Research và Applied Materials với lý do an ninh quốc gia. Đồng thời, Mỹ thúc giục các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu như Nhật Bản và Hà Lan có động thái tương tự.

Theo đài CNBC, bất chấp Mỹ tìm cách cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cho Trung Quốc thì cường quốc thứ hai thế giới lại tăng cường khả năng tự cung tự cấp và loại bỏ công nghệ Mỹ.

Chip bán dẫn: Nguy cơ từ cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 6.

Trụ sở và nhà máy của Công ty bán dẫn lớn nhất Hà Lan ASML tại Veldhoven - Hà Lan. Ảnh: Bloomberg

"Trả đũa" liên hoàn

Hôm 21-5, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) kết luận Micron, hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ, gây ra rủi ro an ninh đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc.

CAC ra lệnh các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm của Micron.

Nhiều nhà phân tích xem quyết định trên là biện pháp trả đũa Mỹ và Micron trở thành mục tiêu đầu tiên vì công nghệ của hãng này dễ bị thay thế bằng chip nhớ từ hai đối thủ Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix.

Mỹ trước đó cũng đã kêu gọi Hàn Quốc thúc giục các nhà sản xuất chip nước này không lấp đầy bất kỳ khoảng trống thị trường nào ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh hạn chế mua chip nhớ của Micron.

Theo South China Morning Post, thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD của Micron vào năm 2022.

Ông Paul Triolo, chuyên gia về công nghệ Trung Quốc tại Công ty tư vấn Albright Stonebridge, nhận định lệnh cấm mua sản phẩm của Micron cho thấy Bắc Kinh không chấp nhận ngồi im trước các các hành động hạn chế thương mại về công nghệ chip của Mỹ.

Theo Reuters, Micron dự báo lệnh cấm nhập khẩu chip của Trung Quốc sẽ tác động đến một nửa doanh thu trong thời gian tới của công ty.

Chip bán dẫn: Nguy cơ từ cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 7.

Logo Micron trên các văn phòng thuộc Tập đoàn Micron Technology ở chi nhánh Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hôm 1-8, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đối với một số sản phẩm gallium và germanium cũng đã có hiệu lực với lý do "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".

Gallium và germanium được sử dụng trong sản xuất chip, điện tử và các sản phẩm năng lượng mặt trời, do đó đây cũng được xem là động thái "phản đòn" của Bắc Kinh trong cuộc chiến công nghệ với phương Tây.

Hành động "ăn miếng trả miếng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới buộc các bên thiệt hại trực tiếp phải lên tiếng.

Các công ty bán dẫn lớn nhất của Mỹ gồm Intel, Qualcomm và Nvidia đang nỗ lực ngăn chặn các hạn chế bán chip và thiết bị sản xuất chất bán dẫn mới của chính quyền Mỹ sang Trung Quốc. Giám đốc điều hành những công ty này cảnh báo vị trí dẫn đầu ngành công nghệ chip của Mỹ có nguy cơ bị tổn hại. Trung Quốc là thị trường thương mại lớn nhất thế giới về chất bán dẫn.

Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 doanh thu toàn cầu của Nvidia và 1/4 doanh thu của Intel. Đối với Qualcomm, khoảng 60% doanh thu đến từ việc cung cấp linh kiện cho Trung Quốc.