Chuyện đâu của sông

(NLĐO) - Đặc thù công việc và bản tính thích rong ruổi, tôi có cơ hội xê dịch qua nhiều dòng sông lớn, nhỏ. Mỗi dòng sông như mỹ nhân nhưng mang nhiều bí ẩn khó giải mã, khám phá!

Sông đẹp, sông quyến rũ tùy vào cách cảm từng người. Sông nặng tình ân nghĩa tùy mối quan hệ, tương tác giữa người và sông.

Thuở học trò, tôi mê những vần thơ của thi sĩ Tế Hanh: "Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng…".

Mê bài thơ, một phần vì ngôn ngữ giàu cảm xúc, chất nhạc, nhưng quan trọng do thi sĩ người gốc Quảng Ngãi quê tôi. Dòng chảy của Trà Khúc (tạm gọi là dòng sông mẹ của Quảng Ngãi) không qua địa phận xã Bình Dương, huyện Bình Sơn của thi sĩ tài danh. Nhưng trong cách nghĩ của tôi và của một số bạn bè, con sông trong nỗi nhớ đầy màu sắc kỷ niệm của thi sĩ gắn liền mật thiết với sông Trà Khúc! 

Chuyện đâu của sông - Ảnh 1.

Sông Trà Khúc - Ảnh: Tử Trực

Có lần, trong tư thế kẻ tha hương đi xa về thăm quê, thay vì về nhà ngủ, tôi quyết định lưu lại một khách sạn nằm cạnh sông Trà Khúc để tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật của sông từ sớm mai khi ánh bình minh chưa kịp ló dạng cho đến khi những ánh đèn đường hai bên bờ sông lịm tắt khi ngày kết thúc. Cảm giác rất an bình và thư thái đến lạ. Ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi lúc ấy: đời sống nội tâm và nhan sắc của sông phụ thuộc nhiều vào bản năng sinh tồn của con người.

Tôi đem câu hỏi tại sao không đưa hình thức khám phá sông Trà Khúc vào phục vụ du khách, anh bạn chủ một doanh nghiệp du lịch địa phương mỉm cười ý nhị! Tôi lý giải, nếu chúng ta giới thiệu dòng sông mẹ của một điểm đến cho bạn bè phương xa sẽ mang lại hai kết quả: chuyển tải được những thông tin và tạo dựng trải nghiệm thú vị cho du khách. 


Chuyện đâu của sông - Ảnh 2.

Nghề cào don trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) - Ảnh: Tử Trực

Theo cách nghĩ của tôi, ký ức sông, kỷ niệm thơ ấu cũng như khúc quanh của đời người ít nhiều liên quan đến một (hay nhiều) dòng sông. Khi chúng ta giới thiệu vẻ đẹp và nỗi thăng trầm dòng sông quê đến với khách phương xa, cũng là khi chúng ta giúp họ khơi gợi những cảm xúc sống động trong tâm khảm của họ.

Du lịch nước ta, hành trình khám phá chợ nổi, đi vào kênh rạch tham quan nhà vườn tại miền tây, hay nhìn ngắm đôi bờ sông Hương nghe ca Huế về đêm… đã được khai thác trong hàng chục năm qua với một kiểu như nhau, thiếu sự sáng tạo ắt dễ dẫn đến đơn điệu.

Không đâu xa, sông Sài Gòn cũng thế. Gần 30 năm trước, khi bước chân vào ngành du lịch, tôi cũng đã từng biết có những ý tưởng, đọc những dự án khai thác hình thức du lịch sông khá lý tưởng, nhưng xem ra thực tế ít có chuyển biến lớn để tạo ra sự khác biệt và mang dấu ấn thương hiệu! 

Chuyện đâu của sông - Ảnh 3.

Sông Sài Gòn - Ảnh: Bình An

Từng theo canô tuyến đường sông Sài Gòn qua các ngã, đi thẳng đến Siêm Riệp (Campuchia), băng qua Mê Kông, Biển Hồ, và tất cả chuyến đi mang lại cho tôi xúc cảm tình yêu sông nước, đời sống văn hóa bản địa ven hai bên bờ. Mỗi lần băng qua sông Sài Gòn, tôi từng mơ đến ngày không xa dòng chảy này khơi thông chào đón du khách bằng một câu chuyện dòng sông huyền thoại gần gũi, tâm linh nhưng quyến rũ đời thường. Một dòng sông chở ký ức thành phố chưa tròn 400 năm, nhưng sẽ có sức hút nếu chúng ta tạo ra đời sống riêng sinh động nhưng sâu lắng cho sông.

***

Các nước tiên tiến làm rất tốt công tác quảng bá, chào bán sản phẩm liên quan sông. Họ tạo nên "nhân thân dòng sông" thông qua việc tạo huyền thoại, tâm linh, câu chuyện lịch sử, hoặc có khi dùng "chiêu" huyền bí loài thủy quái bí ẩn nào đó thỉnh thoảng ẩn hiện tạo sự tò mò. 

Các dòng sông phương Tây như Amazon (Brazil, Peru, Bolivia, Colombia, Ecuador, Venezuela), Nile (Ai Cập), Seine (Pháp), Thames (Anh), Volga (Nga), Danube (chảy qua Áo, Slovakia, Serbia, Hungary)… cho đến những dòng sông Phương Đông như sông Hằng (Ấn Độ), Dương Tử (Trung Quốc), Mê Kông (Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) và những con sông khác luôn là những điểm đến hấp dẫn trong các tour, tuyến. Sông có quyền năng và mang lại những giá trị cho cộng đồng!

Chuyện đâu của sông - Ảnh 4.

Sông Dương Tử - Trung Quốc - Ảnh minh hoạ

Khoảng năm 2000, lần đầu tôi tham gia tour đường sông nước ngoài, tại Singapore. Đảo quốc này tưởng chừng bốn bề biển cả, nhưng chính họ có sản phẩm khám phá sông (hoặc có khi gọi là kênh) vào buổi tối khá thú vị. 

Mỗi thuyền chứa khoảng 10-40 khách. Thời gian khách ngồi trên thuyền nhìn ngắm toàn cảnh vịnh Marina khoảng một giờ nhưng đáng đồng tiền bát gạo! Thuyền chạy êm ru không gây tiếng ồn, tùy theo quốc tịch khách sẽ có bài thuyết minh riêng diễn cảm. Trong phần mở đầu của bài thuyết minh, du khách thích thú khi nghe câu chuyện dòng sông đầy sống động, từ khởi đầu khu tập trung trai tứ chiếng gái giang hồ với những tiệm hút, nhà thổ cho đến ngày hôm nay lột xác với hàng trăm cao ốc chọc trời, sự hài hòa giữa kiến trúc cổ kính và hiện đại. "Con sông quý vị đang khám phá là trái tim của đảo quốc chúng tôi…". Họ chính thức thi vị hóa, thậm chí tâm linh hóa một dòng sông.

Du khách Việt đi Thái Lan, nhưng còn ít người biết Bangkok có sản phẩm khám phá sông Chaopraya độc đáo. Dòng sông này được xem như mạch máu của dân tộc Thái, linh thiêng hơn cả sông Mê Kông. Lý do, người Thái thích sống gần sông và dòng chảy Chaopraya gắn liền với lịch sử, văn hóa Thái, nhất là đời sống tâm linh (Phật giáo tiểu thừa) và xã hội (hoàng gia). Những thuyền nhà hàng sức chứa từ hàng trăm thậm chí hàng ngàn khách phục vụ du khách mỗi đêm. Tham gia, khách vừa tận hưởng không khí mát mẻ vừa khám phá huyền ảo Bangkok về đêm dọc hai bên bờ sông với 9 cây cầu do các triều đại hoàng gia Thái xây dựng, cùng các ngôi chùa vàng nổi bật dưới ánh điện, trong đó nổi bật chùa Rạng Đông (Wat Arun) - nơi được cho là lưu giữ xá lợi Phật Thích ca mâu ni.

Chuyên nghiệp và màu sắc hơn thì phải kể đến những sản phẩm vừa tạo sự hấp dẫn vừa tạo hiệu quả kinh tế cao cùng giá trị cộng thêm cho du khách mà tôi đã được có may mắn tham gia khi cùng khám phá tour sông ở các xứ Âu, Mỹ, mà trong bài viết ngắn này không thể chuyển hết thông tin.

Chúng ta có lợi thế sông nước, có nhiều sông đẹp, nổi tiếng đi vào thơ ca nhạc họa, khoác huyền sử hào hùng. Nhưng nếu xét góc độ sản phẩm du lịch định hình và khẳng định được thương hiệu sông thì đếm trên đầu ngón tay. Xét rộng hơn nữa, kinh tế sông mang tầm vĩ mô thực sự chưa thực sự chú trọng ở nhiều lĩnh vực, dù chúng ta có nguồn tài nguyên lớn.

Ở góc độ cá nhân, suy cho cùng, với một kẻ hay lang bạt như tôi, một trong những nhu cầu lớn là tìm kiếm những món ăn tinh thần và muốn được tìm lại dấu tích xưa hiện đang bị chôn chặt và lưu lạc đâu đó. 

Với tôi, Sông cũng như Mẹ, chính là một nơi quan trọng nhất có khả năng tạo các các hệ giá trị quý giá nhất trong đời sống chảy không ngừng này. Đây cũng chính lý do, mỗi lần có dịp quay trở lại cố hương những ngày tết ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, tôi hay dạo bộ nơi dòng sông nhỏ gắn đầy ắp ký ức tuổi thơ.