Cùng bay cao: Suy ngẫm về tình bạn

Mặt trời bắt đầu lặn khi tôi chạy băng qua một cánh đồng lúa ở tỉnh Bến Tre. "Chạy, chạy đi!" - một cậu bé hét lên.

Cùng bay cao: Suy ngẫm về tình bạn - Ảnh 1.

Tác giả Cameron Thomas-Shah, Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ, bên các em nhỏ Việt Nam

Tôi chạy nhanh hơn, cố gắng tránh những vũng bùn lầy. Sợi dây trong tay tôi cứng lại. Cánh diều màu hồng và vàng cuồn cuộn bay lên hòa vào không trung. Tôi quay sang nhìn 3 cậu bé đang chạy cạnh mình. Chúng đứng lại, ngước mắt nhìn lên bầu trời và mỉm cười ngắm con diều đang tung bay trên cánh đồng lúa tươi tốt. Tôi trao sợi dây cho cậu bé lớn nhất. Cậu đón lấy. Con diều bay xa hơn, chìm vào nền trời xanh thẳm.

Tôi không bao giờ quên được sự nồng ấm mà tôi nhìn thấy trên gương mặt tươi cười rạng rỡ của những cậu bé ấy trên cánh đồng lúa ở xã Phú Nhuận. Chính khoảnh khắc ấy, tôi đã yêu Việt Nam, ngay từ ngày đầu tiên có mặt ở đất nước này.

Tháng 3-2010, tôi là một trong 500 du học sinh thuộc chương trình "Học kỳ trên biển" (Semester at Sea) - chương trình giáo dục mà người học sẽ tham gia một hải trình vòng quanh thế giới hơn 100 ngày. Khi tàu cập Bến Nhà Rồng, tôi vươn người và nhìn thấy hai hàng thiếu nữ Việt Nam duyên dáng trong tà áo dài, đội nón lá, trên tay cầm biển hiệu lớn "Chào mừng chương trình Học kỳ trên biển".

Cùng bay cao: Suy ngẫm về tình bạn - Ảnh 2.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Cameron Thomas-Shah thưởng thức món cà phê trứng tại Hà Nội

Giây phút đó, tôi có chút hồi hộp khi chuẩn bị đắm mình vào nền văn hóa vốn rất gần gũi và thân thương này. Hai em gái tôi, Ngọc và Yến, đều mang trong mình dòng máu của người mẹ Việt Nam đến từ TP Đà Nẵng và người bố da đen đến từ TP Detroit, tiểu bang Michigan - Mỹ. Cả hai đều xuất thân từ những tầng lớp phải trải qua một thời kỳ lịch sử phức tạp với Mỹ để có thể thành công và phát triển thịnh vượng như hôm nay. 

Tuy người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Việt chỉ chiếm khoảng 14,3% dân số song họ đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và xã hội của nước Mỹ, từ những diễn ngôn chính trị hùng hồn về quyền công dân, quyền tự quyết dân tộc cho đến những món ăn đặc sản như tôm hùm đất hay câu chuyện về các doanh nghiệp thành công trên khắp đất nước. Từ ngày đầu tiên có mặt ở đồng bằng sông Mê Kông, tôi đã biết Việt Nam sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim mình.

Tôi chọn trở thành thực tập sinh tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội lúc còn là sinh viên cao học. Tôi đã gặp rất nhiều người trẻ chăm chỉ mang hoài bão du học Mỹ. Tôi thường giúp họ thực hành tiếng Anh trong lúc thưởng thức những cây kem ốc quế Tràng Tiền ngon tuyệt cũng như giúp họ rèn luyện sự tự tin thông qua các khóa đào tạo kỹ năng mềm tại Trung tâm Hoa Kỳ.

Cùng bay cao: Suy ngẫm về tình bạn - Ảnh 3.
Cùng bay cao: Suy ngẫm về tình bạn - Ảnh 4.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Cameron Thomas-Shah

Kể từ đó, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi văn hóa với bạn bè cũng như các đồng nghiệp người Việt khi sống và làm việc tại đây. Chúng tôi đã cùng nhau đến thăm các bảo tàng, cùng uống bia hơi, cùng đi du lịch từ TP HCM đến Phú Quốc, từ Hà Nội đến Sa Pa. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều cái "đầu tiên". Như năm nay, tôi đã trải qua mùa Lễ tạ ơn đầu tiên ở Hà Nội cùng bạn bè và đồng nghiệp người Việt. Tôi đã nướng một chú gà tây thật to để chiêu đãi họ cùng nhiều món ăn ngon tuyệt. Dù đón lễ trên đất khách, tôi vẫn cảm thấy không khí ấm áp như ở nhà.

Tương tự, đây cũng sẽ là cái Tết đầu tiên của tôi ở Hà Nội. Tôi rất háo hức trang trí văn phòng và nhà cửa với những cành mai vàng, đào thắm cũng như mong chờ xem thành phố sẽ đổi thay ra sao vào khoảng thời gian đặc biệt trong năm. Tôi cũng hy vọng sẽ có cơ hội thử qua một số phong tục truyền thống của ngày Tết Việt mà tôi học được từ câu chuyện về ông Công ông Táo cũng như hành trình cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng. Tôi cũng sẽ mua 3 chú cá vàng và bày một mâm ngũ quả ở nhà trong ngày Tết ông Công ông Táo năm nay. Tôi hy vọng các Táo sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng rằng tôi đã nỗ lực và chăm chỉ ra sao khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng như thúc đẩy những bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam, một mối quan hệ vô cùng quan trọng đối với tôi, không chỉ trên phương diện về công việc mà còn cả tình cảm.

Giai đoạn còn là nhân viên lãnh sự ở Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, tôi đã phê duyệt hàng trăm thị thực cho các học sinh đến Mỹ học theo các chương trình trao đổi và du học sinh. Việt Nam lúc bấy giờ mới đứng thứ 8 trên thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ, trong khi kim ngạch thương mại 2 nước chỉ xấp xỉ 30 tỉ USD. Sau một thập kỷ, Việt Nam đã lên vị trí thứ 5 về số lượng sinh viên quốc tế tại Mỹ và thương mại song phương đã tăng gấp 3 lần! Năm nay, Fulbright Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập. Hơn 1.600 sinh viên và học giả Fulbright, đa số dưới 40 tuổi, đều đóng góp trong việc thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu và hiểu biết lẫn nhau giữa 2 nước.

Trung tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội và TP HCM hiện không còn là không gian duy nhất để học tập và tổ chức các chương trình miễn phí dành cho thanh niên Việt Nam đến để kết nối và học những kỹ năng mới. Chúng tôi đã hợp tác với Học viện Ngoại giao Việt Nam thành lập Trung tâm Hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam (USVCC) cũng như thiết lập quan hệ đối tác với ĐH Cần Thơ, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Thái Nguyên để cung cấp các cơ hội như học tiếng Anh, giáo dục STEM, tinh thần kinh doanh, kiến thức truyền thông và các kỹ năng mềm để chắp cánh cho thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam.

Nếu nhìn vào tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương, có thể kể đến như thỏa thuận hợp tác của ĐH Harvard với 3 trường ĐH về y tế hàng đầu Việt Nam, bao gồm ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Huế và ĐH Y Dược TP HCM; sự có mặt của các tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình Việt Nam (Peace Corps) để hỗ trợ các sáng kiến giáo dục tiếng Anh của Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam; học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) nhằm trao quyền cho các thủ lĩnh trẻ của Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung trong những lĩnh vực cốt lõi như tinh thần công dân tích cực, kinh doanh xã hội và môi trường.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đã thông báo về việc khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ hay tuyên bố gần đây của bà về các dự án năng lượng sạch trị giá 20 triệu USD ở khu vực sông Mê Kông - nơi tôi đã chơi thả diều với 3 cậu bé hơn 10 năm trước. Rõ ràng, mối quan hệ đối tác năng động giữa 2 nước đã đạt được các mục tiêu chiến lược mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Năm 2023, Mỹ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện. Hai nước đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa. Khi Đại sứ Mỹ Marc Knapper nói rằng triển vọng cho mối quan hệ song phương giữa hai nước là vô hạn, ông ấy đã đúng. Tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó. Giống như cánh diều tung bay trên bầu trời xuân tươi đẹp, mối quan hệ giữa hai nước sẽ còn vươn cao hơn nữa.