"Đại gia" mua gom hàng trăm tấn vàng lúc "nước sôi lửa bỏng"

(NLĐO) - Sự tăng trưởng đột biến nhu cầu mua gom vàng trong quý III/2022 được dẫn dắt bởi người tiêu dùng thành thị của một quốc gia châu Á. Kim loại quý tiếp tục biến động mạnh sau cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào rạng sáng nay, 3-11 (giờ Việt Nam).

Báo cáo "Xu hướng nhu cầu vàng" hôm 1-11 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy tiêu thụ vàng không bao gồm thị trường phi tập trung (OTC) trong quý III/2022 đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tiêu thụ vàng trang sức trong quý này đạt 523 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, bất chấp kinh tế toàn cầu xấu đi. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhu cầu vàng tăng 18% so với cùng kỳ, trở lại mức giao dịch trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bất ngờ Ấn Độ, bí ẩn Trung Quốc

Đại gia mua gom hàng trăm tấn vàng lúc nước sôi lửa bỏng - Ảnh 1.

Vàng trang sức đang nóng tại nhiều thị trường châu Á. Ảnh: Reuters

Những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) buộc các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) giảm lượng nắm giữ vàng thông qua việc bán xả loại tài sản không mang lại lợi suất này. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương và nhà đầu tư nhỏ lẻ gia tăng mua vàng như một kênh lưu trữ giá trị trong bối cảnh lạm phát toàn cầu leo thang.

Theo báo cáo của WGC, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào 399 tấn vàng trong quý III/2022, tương đương trị giá khoảng 20 tỉ USD, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 3 quý đầu năm nay, các ngân hàng trung ương mua tổng cộng 673 tấn vàng - mức mua gom trong 9 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 1967.

Đó là ngân hàng trung ương và nhà đầu tư của những quốc gia nào?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ nằm trong số những ngân hàng trung ương đã mua gom vàng số lượng lớn. Ngoài ra, còn có một số tổ chức khác mua vào nhưng không công bố. WGC cho rằng không phải quốc gia nào cũng báo cáo thường xuyên về các giao dịch vàng của họ, bao gồm cả những bên mua lớn như Trung Quốc và Nga.

Bất ngờ hơn, mức tăng trưởng 28% nhu cầu vàng trong quý III/2022 so với cùng kỳ năm ngoái phần lớn được dẫn dắt bởi người tiêu dùng Ấn Độ. Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi nhu cầu vàng trang sức toàn cầu khi đã tiêu thụ 146 tấn vàng trang sức trong quý vừa qua, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng nhu cầu vàng của Ấn Độ trong quý III/2022 ở mức 191,7 tấn, tăng 14% so với thời điểm này năm ngoái, theo ông Somasundaram P.R - Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ của WGC. Điều này phản ánh sức mua cao hơn kỳ vọng và sự quan tâm mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với kim loại quý, từ đó góp phần thúc đẩy nhu cầu vàng tăng trở lại mức trước dịch COVID-19.

Đại gia mua gom hàng trăm tấn vàng lúc nước sôi lửa bỏng - Ảnh 2.

Nhiều khách hàng mua sắm trang sức vàng ở Mumbai - Ấn Độ hôm 22-10. Ảnh: Reuters

Theo tờ Business Insider, nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc tăng 5% so với cùng kỳ nhờ niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện và giá vàng trong nước giảm. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ của nền kinh tế thứ 2 thế giới xem vàng là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh giá đồng nội tệ giảm mạnh và cổ phiếu lao dốc.

Khu vực Trung Đông cũng chứng kiến mức tăng trưởng tiêu thụ vàng ấn tượng trong quý III vừa qua. Nhu cầu vàng trang sức của Ả Rập Saudi tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái và mức tăng của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là 30%. Tiêu thụ vàng trang sức ở Thổ Nhĩ Kỳ quý vừa rồi tăng hơn 19% lên mức 11 tấn, trở thành quý có nhu cầu vàng cao nhất kể từ quý IV/2017.

Nhạy cảm trước động thái của FED

Trong khi vàng được mua gom để tích lũy tăng mạnh thì nhu cầu đầu tư kim loại quý trong quý III chỉ đạt 124 tấn, thấp hơn 47% so với cùng kỳ năm ngoái do tâm lý của một số phân khúc nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tăng mạnh tác động lên giá vàng.

Tổng nhu cầu bán lẻ vàng trong quý III lên đến 351 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, khi nhiều nhà đầu tư mua vào vàng thỏi và vàng xu. Tại Thổ Nhỹ Kỳ, lượng mua tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái do người dân tăng mua vàng để ứng phó với lạm phát đang ở mức hơn 83%. Tại Đức, tỉ lệ mua vàng tăng 25% so với mức 42 tấn vàng cùng kỳ năm ngoái.

Bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC, nhận định bất chấp môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn, sự gia tăng nhu cầu vàng trong năm nay cho thấy vị thế của vàng là một loại tài sản trú ẩn an toàn. Điều đó cũng được chứng minh qua việc kim loại quý này là nơi lưu trữ có giá trị tốt hơn hầu hết các loại tài sản trong năm 2022.

"Trong tương lai, chúng tôi dự đoán hoạt động mua và đầu tư bán lẻ của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mạnh mẽ, bù đắp cho nguy cơ sụt giảm đầu tư của OTC và ETF nếu giá đồng USD còn tiếp tục tăng" - bà Louise Street nhìn nhận và kỳ vọng nhu cầu vàng trang sức tiếp tục tăng mạnh ở một số khu vực như Ấn Độ, Đông Nam Á.

Đại gia mua gom hàng trăm tấn vàng lúc nước sôi lửa bỏng - Ảnh 3.

Nhân viên bán hàng trưng bày đồ trang sức bằng vàng ở một cửa hàng tại TP Mumbai - Ấn Độ hôm 22-10. Ảnh: Reuters

Trở lại với động thái bán mạnh một lượng lớn vàng thỏi của các quỹ ETF, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân bởi giá vàng trên thế giới chịu nhiều áp lực từ việc FED tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo báo cáo của WGC, các quỹ ETF đã bán ra số lượng lớn khoảng 227 tấn vàng trong quý III năm nay. Nhu cầu vàng trên thị trường phi tập trung suy yếu cùng tâm lý tiêu cực trên thị trường hợp đồng tương lai đã cản trở và kéo giá vàng giảm 8% trong quý vừa qua.

WGC tiếp tục dự báo tổng lượng đầu tư vàng trong năm nay sẽ giảm bởi nhu cầu từ ETF và OTC đều thấp dù các giao dịch bán lẻ tăng mạnh.

Giá vàng được giao dịch quanh mức 1.650 USD/ounce trong phiên ngày 2-11 và tiếp tục biến động ngay sau cuộc họp về lãi suất của FED vào rạng sáng nay, 3-11 (giờ Việt Nam).

Chiến dịch tăng lãi suất của FED là nỗ lực nhằm "hãm phanh" nền kinh tế, qua đó kéo lạm phát xuống từ vùng cao nhất 4 thập kỷ. Nỗ lực này đồng thời đẩy tỉ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong năm nay, gây áp lực mất giá mạnh lên vàng.

Tuy nhiên, gần đây, áp lực đối với vàng có dấu hiệu dịu bớt khi có những đánh giá cho rằng FED có thể giảm tốc tăng lãi suất từ tháng 12 năm nay.