"Danh sách tử thần" trong hệ thống ngân hàng Mỹ

(NLĐO) – Khủng hoảng ngân hàng Mỹ vẫn chưa dứt khi ít nhất 186 ngân hàng được cho là đối mặt những rủi ro tương tự vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley gần đây.

Hôm 1-5, ngân hàng First Republic đóng cửa, trở thành vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, sau Washington Mutual. Ngân hàng này sụp đổ năm 2008, thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính. 

Trang tin Bloomberg hồi tuần trước cho biết ngân hàng PacWest Bancorp cân nhắc việc bán lại. Không chỉ PacWest Bancorp, ngân hàng Western Alliance Bancorp cũng đang trong làn sóng bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng khu vực trên phố Wall trong những ngày gần đây. Trong khi đó, ngân hàng First Horizon đang chao đảo và phải hủy kế hoạch sáp nhập 13 tỉ USD với ngân hàng TD Bank (Canada).

Kể từ tháng 3, sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley (SVB) và First Signature, một nghiên cứu về sự mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ cho thấy 186 ngân hàng có nguy cơ sụp đổ, ngay cả khi chỉ 50% khách hàng không có bảo hiểm quyết định rút tiền gửi.

Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ mất một phần khoản tiền gửi của họ nếu ngân hàng sụp đổ. Vì vậy, họ càng có lý do để rút tiền.

Danh sách tử thần trong hệ thống ngân hàng Mỹ - Ảnh 1.

First Republic Bank là ngân hàng thứ ba tại Mỹ sụp đổ từ tháng 3. Ảnh: Reuters

Tại sao các ngân hàng khu vực Mỹ sụp đổ?

Các ngân hàng khu vực Mỹ sụp đổ được cho là do ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, động thái này làm mất giá các tài sản ngân hàng như trái phiếu chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Hầu hết trái phiếu trả lãi suất cố định và chúng sẽ trở nên hấp dẫn khi lãi suất giảm, thúc đẩy nhu cầu cũng như giá trái phiếu. Ngược lại, nếu lãi suất tăng, các nhà đầu tư sẽ không còn ưa chuộng mức lãi suất cố định thấp hơn của trái phiếu, từ đó làm giảm giá trái phiếu.

Nhiều ngân hàng tăng nắm giữ trái phiếu trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi tiền gửi dồi dào nhưng nhu cầu cho vay và lợi suất thấp. Đối với nhiều ngân hàng, những khoản lỗ do việc tăng lãi suất đột ngột của FED mới nằm trên giấy tờ. Thế nhưng, những ngân hàng khác có thể đối mặt với thiệt hại nếu phải bán chứng khoán vì gặp khó khăn về thanh khoản hoặc vì nhiều lý do khác.

Danh sách tử thần trong hệ thống ngân hàng Mỹ - Ảnh 3.

Các ngân hàng Mỹ đang đương đầu với nguy cơ suy thoái kinh tế và môi trường lãi suất cao sau 10 lần nâng lãi suất liên tiếp của FED kể từ tháng 3-2022. Ảnh: Reuters

Một nghiên cứu mới được đăng trên Mạng lưới nghiên cứu Khoa học Xã hội nhận định: "Giá trị các tài sản ngân hàng sụt giảm gần đây, từ đó khiến hệ thống ngân hàng Mỹ mong manh hơn trước nguy cơ khách hàng không được bảo hiểm đổ xô đi rút tiền. Vì vậy, tính toán của chúng tôi cho thấy các ngân hàng này chắc chắn đối mặt nguy cơ nếu chính quyền không can thiệp hoặc tái cấp vốn".

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc rút tiền ồ ạt của khách hàng gửi tiền không bảo hiểm cũng có thể gây nguy cơ cho cả người gửi tiền được bảo hiểm (khoản tiền dưới 250.000 USD), với số tiền gửi có bảo hiểm lên tới 300 tỉ USD gặp nguy cơ. Tờ USA Today trích nghiên cứu cho rằng khả năng này chỉ xảy ra khi chính phủ không can thiệp.

Trong trường hợp của SVB (trụ sở tại TP Santa Clara, bang California), ngân hàng này nắm giữ phần lớn tài sản là trái phiếu chính phủ Mỹ. Giá trị thị trường của trái phiếu giảm khi lãi suất bắt đầu tăng.

Thời điểm đó, nhiều khách hàng của SVB, chủ yếu là công ty khởi nghiệp công nghệ, cũng gặp khó khăn tài chính, buộc họ phải rút tiền gửi. Ngoài ra, tỉ lệ tiền gửi không bảo hiểm của ngân hàng này cũng ở mức cao. Những yếu tố này góp phần thúc đẩy người gửi tiền không bảo hiểm rút tiền khỏi đó.

Danh sách tử thần trong hệ thống ngân hàng Mỹ - Ảnh 4.

Bên ngoài trụ sở Silicon Valley Bank ở TP Santa Clara, bang California, Mỹ, ngày 13-3. Ảnh: AP

Nỗi lo lan rộng

Tỉ phú Bill Ackman cho rằng hiện có nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính Mỹ. Trong chia sẻ gần đây trên Twitter, ông Ackman cho rằng các ngân hàng khu vực nói chung đang gặp vấn đề. Ông Ackman viết: "Niềm tin vào một định chế tài chính phải mất nhiều thập kỷ mới gây dựng được, nhưng có thể bị phá hủy chỉ trong vài ngày. Khi một quân bài domino đổ xuống, ngân hàng yếu nhất tiếp theo bắt đầu chao đảo".

Ông Ackman và nhiều chuyên gia đề xuất một giải pháp cho vấn đề là chính phủ Mỹ nâng giới hạn bảo hiểm tiền gửi từ mức 250.000 USD hiện nay. Mức trần này chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng tiền mà nhiều doanh nghiệp phải có trong tài khoản để phục vụ cho hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, sự thay đổi như vậy đòi hỏi phải có sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội. Ở thời điểm hiện tại, thị trường không kỳ vọng điều đó.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đang đương đầu với nguy cơ suy thoái kinh tế và môi trường lãi suất cao sau 10 lần nâng lãi suất liên tiếp của FED từ tháng 3-2022. Theo đài CNN, trở ngại tâm lý khổng lồ có thể được giải tỏa nếu Quốc hội Mỹ giải quyết được cuộc khủng hoảng trần nợ công.

Danh sách tử thần trong hệ thống ngân hàng Mỹ - Ảnh 6.

Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) đang lên kế hoạch tăng cường kiểm tra lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ảnh: Reuters

Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết đang xem xét nhiều cách khác nhau để cải cách hệ thống bảo hiểm tiền gửi ngân hàng. FDIC đã đưa ra 3 đề xuất khả dĩ: tăng giới hạn bảo hiểm lên mức cao hơn, loại bỏ hoàn toàn giới hạn hoặc chỉ tăng giới hạn bảo hiểm cho các tài khoản kinh doanh, vốn đang được sử dụng để trả lương cho người lao động.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) cũng đang lên kế hoạch tăng cường kiểm tra lĩnh vực dịch vụ tài chính. Theo tờ Financial Times, PCAOB hồi tháng trước cho biết đợt kiểm tra tới sẽ tập trung vào việc liệu các ngân hàng có cần công khai rủi ro thanh khoản cũng như các sự kiện sau khi kiểm toán hay không. Ngoài ra, họ cũng sẽ đánh giá liệu các kiểm toán viên có đủ chuyên môn để giám sát các tổ chức tài chính phức tạp hay không.