Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Những ngày "nhập môn" (*)

Tôi đã được gặp và làm việc cùng một số vị là “đàn anh, đàn chị” trong làng kế hoạch. Họ đã giúp tôi nhiều trong thời gian đầu “nhập môn”. Đáng nhớ nhất là vợ chồng anh Phan Văn Khải - chị Nguyễn Thị Sáu.

Tháng 1-1969, tôi đến nhận việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (KHNN). Người tôi gặp đầu tiên là ông Lài, Trưởng phòng Cán bộ - Vụ Tổ chức cán bộ, một người nói giọng Nghệ đặc sệt, rất hiền từ.

"Giờ phải đi nhiều"

Sau khi tôi xuất trình giấy tờ và quyết định phân công công tác, ông Lài hỏi thêm về hoàn cảnh gia đình, tình hình học hành. Nghe tôi trả lời xong, với giọng từ tốn và đầy thiện cảm, ông nhận xét: "Anh người Hà Tĩnh mà lại không còn giọng Hà Tĩnh mấy, chắc là ra học ngoài này lâu". Rồi ông hẹn tôi sáng hôm sau đến gặp thủ trưởng để nhận việc cụ thể.

Sáng hôm sau, tôi đến gặp ông Lài và một người nữa, được giới thiệu là anh Hùng, Phó phòng Luyện kim và Khai khoáng - Vụ Công nghiệp nặng. Hai người đưa tôi lên gặp ông H.T - Ủy viên Ủy ban KHNN, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng.

Với dáng vẻ rất bệ vệ, giọng Huế chậm rãi, quan cách, ông H.T bảo anh Hùng: "Phân công cậu ấy theo dõi địa chất. Trước mắt cho xuống Tổng cục Địa chất nắm tình hình công tác kế hoạch ở Vụ Kế hoạch và công việc ở Vụ Kỹ thuật; sau đó về phòng lưu trữ đọc và viết tóm tắt lại các báo cáo thăm dò khoáng sản cho tôi".

Hôm sau, tôi xuống Tổng cục Địa chất làm các việc đã được hướng dẫn. Hằng tuần, tôi lại về báo cáo các việc đã làm với anh Hùng.

Dấu ấn Võ Hoàng Phúc: Những ngày nhập môn (*) - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tại lễ ra mắt cuốn sách "Chuyện của chúng tôi" - ghi chép lại nhiều chuyện ông đã trải quá

Tháng 4-1969, trong một lần về Ủy ban KHNN báo cáo công việc, tôi nghe các cán bộ lớn tuổi nói Vụ Công nghiệp nặng sắp có thủ trưởng mới, theo đề nghị của bộ trưởng - phó chủ nhiệm. Ủy viên Ủy ban KHNN, Vụ trưởng H.T sẽ chuyển sang cơ quan khác.

Đúng như lời đồn, tháng 5-1969, ông Phạm Hào, một cục trưởng của Bộ Công nghiệp nặng, được bổ nhiệm làm Ủy viên Ủy ban KHNN kiêm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng. Ông Hào về, lần lượt gọi tất cả cán bộ lên để nghe báo cáo các công việc đang làm và cho ý kiến chỉ đạo về công việc cần làm.

Đầu tháng 6-1969, đến lượt tôi được gọi lên. Sau khi chăm chú nghe tôi báo cáo, với thái độ cởi mở và chân thành, ông Hào nhận xét: "5 tháng anh làm việc ở Tổng cục Địa chất như vậy là đủ rồi, giờ phải đi nhiều. Điều rất quan trọng tôi muốn nói với anh: Địa chất khoáng sản là bí mật quốc gia, trước giờ chỉ mời chuyên gia Liên Xô sang giúp làm công tác địa chất, không mời chuyên gia nước khác".

Ông Hào nhắc tôi cố gắng đi nhiều để biết thực tế. Ông hỏi tôi thời sinh viên đã đi những đâu. Tôi kể lại những nơi mình đã đến, cả chuyện đi bộ trong đêm từ nơi sơ tán qua đèo Bố Củng tới Đồng Đăng để về Hà Nội ăn Tết. Ông bảo: "Chưa thấm vào đâu! Hồi kháng chiến chống Pháp, tớ còn đi bộ từ Bắc Cạn về Cao Bằng, qua các đèo Giàng, Gió, Cao Bắc. Đèo Bố Củng thấm gì! Nhưng cậu cũng là loại giỏi đấy, dám đi bộ một mình trong đêm trên đường rừng. Nhưng không phải chỉ đi. Đi thì phải xem xét kỹ, có đánh giá, nhận xét nơi đã qua, nơi đã đến, thế mới là đi!".

Từ "anh - tôi", ông Hào chuyển sang "cậu - tớ". Sau này, tôi thấy ông hay xưng "cậu - tớ" với cán bộ khi nói chuyện thân tình - khác hẳn tính cách ông H.T.

Thời kỳ mới "nhập môn" thật là vui. Thời gian này, tôi được gặp và làm việc cùng một số vị là "đàn anh, đàn chị" trong làng kế hoạch. Họ đã giúp tôi nhiều trong thời gian đầu "nhập môn". Đáng nhớ nhất là vợ chồng anh Phan Văn Khải - chị Nguyễn Thị Sáu.

Hồi đó, tôi thân với chị Sáu hơn anh Khải vì tôi là phó bí thư Đoàn Thanh niên, chị là Thường vụ Đảng ủy cơ quan phụ trách dân vận, tức phụ trách cả công tác Đoàn. Chính chị đã thúc ép việc kết nạp tôi vào Đảng. Lúc ấy, chị Sáu là trưởng phòng ở Vụ Văn hóa Xã hội, anh Khải là trưởng phòng ở Vụ Tổng hợp. Song, chị lại là Thường vụ Đảng ủy cơ quan nên mọi người thường nói: "Chị Sáu có vai vế hơn anh Khải". Chính tên Sáu Khải của anh Phan Văn Khải là tên chị ghép vào tên anh.

Bài học nhớ đời

Theo yêu cầu của Vụ trưởng Phạm Hào, trong thời kỳ tập sự, tôi đã đi đến tất cả cơ sở của Tổng cục Địa chất để hiểu rõ tình hình địa chất khoáng sản của đất nước và hiểu rõ công việc của những người làm địa chất. Chính việc này đã giúp tôi nên người và hiểu biết thêm tình hình ở các địa phương.

Tôi đã có mặt ở nhiều nơi mà Tổng cục Địa chất có cơ sở, đi bằng mọi phương tiện. Tôi thường nói vui với bạn bè đó là các lộ trình địa chất - như anh em địa chất thường gọi các chuyến đi thực địa của họ. Song, lộ trình của tôi là lộ trình của lính văn phòng, nhàn hạ hơn nhiều!

Dấu ấn Võ Hoàng Phúc: Những ngày nhập môn (*) - Ảnh 2.

Sau khi nghỉ hưu, ông Võ Hồng Phúc có thời gian đến thăm lại những nơi ông từng đi qua

Chuyến đi để lại cho tôi kỷ niệm sâu sắc nhất là lên Đoàn Địa chất 5 (Đoàn 5) đang làm nhiệm vụ thăm dò đồng ở Sinh Quyền - Lào Cai vào tháng 7-1969. Tôi đi tàu hỏa đến ga Lào Cai vào khoảng 15 giờ. Xuống tàu, tôi đi xe đạp lên Đoàn 5 ở bên bờ suối Ngòi Phát, cách khoảng 27 km, dự tính hơn 17 giờ sẽ tới nơi.

Đến Quang Kim thì trời mưa to, đường trơn, xe dính bùn nên đi chậm. Đến bên suối Bản Vược trời đã xẩm tối, thấy nhiều người vẫn qua được, tôi cũng lội sang. Tôi đi xe Phượng hoàng nữ, không có chỗ vác lên vai mà kéo rê qua suối. Ra giữa dòng, nước chảy xiết kéo cả xe và người trôi đi. Tôi cố vật lộn với dòng nước. Đang tính bỏ xe và hành lý thoát thân thì may sao, một thanh niên trạc tuổi tôi từ trên bờ lao xuống kéo xe và tôi lên.

Lên bờ hỏi chuyện, té ra anh cũng là cán bộ địa chất. Biết tôi vào Đoàn 5, anh nói không đi được giờ này. Từ đây vào đó còn khoảng 8 km, lại phải qua một đèo nhỏ. Trời mưa to, đường có thể sạt lở, đêm tối đi nguy hiểm. Anh gửi tôi cho người bạn chủ hiệu sách ngay chợ Bản Vược, bảo nghỉ lại, còn anh theo xe tải về Lào Cai. Chủ hiệu sách là một cô gái dưới xuôi lên, ngoài 20 tuổi. Cô cho tôi ăn, hong khô hành lý, săn sóc như người thân.

Sáng hôm sau, tôi vào Đoàn 5. Anh Thống, Đoàn trưởng Đoàn 5, tiếp tôi nhiệt tình. Anh là người Bình Định, tính tình cởi mở chân thành, tuổi ngoài 40 nhưng tóc bạc trắng. Tôi kể lại chuyện bị nước cuốn ở Bản Vược. Anh dặn tôi đi đường núi phải rất cẩn thận, trời mưa nên lũ lên nhanh, nhiều lúc chạy không kịp. Tôi được một bài học nhớ đời!

Ủy ban quyền lực

Hồi đó, Ủy ban KHNN rất nhiều quyền lực, bộ máy lãnh đạo rất mạnh. Dưới Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban KHNN là các phó chủ nhiệm, trong đó có 2 bộ trưởng. Dưới các bộ trưởng - phó chủ nhiệm là các Ủy viên Ủy ban kiêm vụ trưởng những vụ quan trọng. Ủy viên Ủy ban KHNN cấp ngang thứ trưởng nhưng nhiều quyền lực hơn thứ trưởng một số bộ khác.

(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt