Dấu ấn Võ Hồng Phúc

Là thứ trưởng ở thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, 2 nhiệm kỳ bộ trưởng dưới quyền 2 Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, suốt cả sự nghiệp, ông Võ Hồng Phúc chỉ gắn bó với cơ quan duy nhất: Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Trưởng thành ở một cơ quan chuyên môn sâu về kinh tế, ông Võ Hồng Phúc không chỉ là nhà hoạch định chiến lược phát triển, nhà kỹ trị mà còn là một nhà ngoại giao.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc - Ảnh 1.

Ông Võ Hồng Phúc thuở còn là sinh viên, trước khi về làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch - Đầu tư)

Khoảng lặng

Tháng 8-2021, đại dịch COVID-19 căng thẳng ở TP HCM, Hà Nội và nhiều địa phương. Giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đường phố thủ đô vắng tanh, đêm cũng như ngày. Đêm xuống, tiếng chuông từ phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Trấn Vũ vọng về mồn một.

Đứng giữa khung cảnh vắng lặng, ngắm Hồ Tây thơ mộng giờ hiu hắt trong buổi chiều tà, trong tâm trí nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc bỗng văng vẳng 4 câu Đường thi do một người bạn cũ sáng tác từ lâu: Cổ ngư mê cựu tích/ Cù lộ hốt nhiên liêu/ Chúng nhân hà xứ khứ/ Nhượng ảnh lệ gia liên.

Cũng hôm đó, ông đọc được bản tin như cứa vào lòng: 41 người mất vì COVID-19 đã phải hỏa táng "chui". Vậy là, ông dịch luôn bài thơ trong giây lát: Cổ Ngư quên tích cũ/ Đường rộng thiếu bước chân/ Mọi người nay đâu cả? Nhận ảnh lệ ướt khăn!

Cuộc đời tưởng dài mà nhiều khi ngắn ngủi và mong manh làm sao! Nhờ khoảng lặng ấy, ông đã nhìn lại cuộc đời mình, như những thước phim sống động: Từ thuở ấu thơ êm đềm nơi quê nhà Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh với mối quan hệ gắn bó của các dòng họ khoa bảng, đến năm tháng tuổi trẻ lăn lộn song hành cùng ngành địa chất; cả những sôi động thăng trầm của đất nước thời kỳ đổi mới, mở cửa mà ông vừa là chứng nhân vừa góp phần tham gia làm nên sự thay đổi ấy.

Dấu ấn

Ông Võ Hồng Phúc về làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước từ tháng 1-1969. Điều đặc biệt là từ năm 1984, khi chỉ đang là Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, ông đã được một cấp dưới - ông Triệu Văn Tự, Trưởng phòng Điện - tiên đoán sau này sẽ "làm chủ tòa nhà 6B Hoàng Diệu" (trụ sở Ủy ban Kế hoạch nhà nước).

18 năm sau, khi chính thức trở thành "chủ tòa nhà 6B Hoàng Diệu", ông hỏi về lý do tiên đoán ngày ấy. Ông Tự trả lời: "Làm việc với nhau 15 năm, xem người xem tính mà nói". Không phải vô cớ mà ông Tự nói như vậy, bởi ai quen biết ông Võ Hồng Phúc cũng đều công nhận ông là người quyết liệt, dám nghĩ dám làm. Suốt 43 năm làm việc liên tục tại Bộ KH-ĐT, ông để lại dấu ấn lớn với ngành cũng như trên chính trường bởi những quyết định táo bạo, chấp nhận cái mới, ở cách dùng người.

Tháng 11-1990, ông được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp. Đây là thời gian sôi động nhất trong công việc của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nhằm chuẩn bị cho Đại hội VII của Đảng. Tháng 6-1991, Đại hội Đảng lần thứ VII thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH" và "Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000".  

Trước xu thế đổi mới mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế liên tục cử các đoàn vào nước ta khảo sát thị trưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác từ cuối năm 1990. Với cương vị Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, ông tham gia hầu hết các buổi làm việc đó.

Bắt đầu từ đây, suốt hơn 20 năm liên tục, ông quan hệ mật thiết với các định chế tài chính lớn của thế giới. Trong đó, đặc biệt là mối quan hệ có thể nói như người nhà giữa ông với các chính khách, tập đoàn đa quốc gia, đối tác… Nhật Bản.

Cùng với Thủ tướng Phan Văn Khải, ông là một trong số ít chính khách Việt Nam vinh dự được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc Hạng Nhất (Đại thập tự).

Dấu ấn Võ Hồng Phúc - Ảnh 2.

Ông Võ Hồng Phúc trong một chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản

Dùng người

Là tư lệnh một bộ được xem là cơ quan đầu não tham mưu cho Chính phủ các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ông Võ Hồng Phúc luôn tâm niệm lãnh đạo phải cần, kiệm, liêm, chính. Dù ông đã rời ghế bộ trưởng 10 năm nhưng đến giờ, các cán bộ Bộ KH-ĐT vẫn dành cho thủ trưởng cũ nhiều tình cảm hiếm có bởi sự liêm chính cũng như cách dùng người của ông.

Một trong những bước đột phá ở Bộ KH-ĐT dưới thời Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chính là sử dụng cán bộ trẻ sinh sau năm 1975. Trước đây, cán bộ Bộ KH-ĐT thường đứng tuổi nhưng sau đó đã chú ý tuyển dụng sinh viên mới ra trường vào làm việc. Ban Tổ chức Trung ương từng đánh giá Bộ KH-ĐT là cơ quan làm quy hoạch cán bộ tốt nhất.

Thời ông làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, nhiều người mới 30 tuổi đã được đề bạt chức vụ phó, cục phó. Một số vụ trưởng, cục trưởng được đề bạt khi chỉ ở tuổi 35- 37. Với ông, độ tuổi 30-45 là thời kỳ sung sức nhất cả về thể lực lẫn trí lực, do vậy họ cần có vị trí xứng đáng.

"Điều quan trọng là phải mạnh dạn trọng dụng và tạo môi trường phát triển cho cán bộ trẻ. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch để từ đó phát hiện được người trẻ có khả năng. Khi nào tuyển chọn một cách công khai, dân chủ thì sẽ có người tài phụng sự đất nước" - ông nhìn nhận.

Nói về kinh nghiệm cũng như những bài học trong 2 nhiệm kỳ bộ trưởng, ông cho biết chính là sự đoàn kết. Khi ông làm bộ trưởng, tất cả lãnh đạo của Bộ KH-ĐT là một tập thể gắn bó như anh em, bên nhau lúc vui buồn, chia sẻ trách nhiệm trong công việc. "Cho đến giờ, chúng tôi vẫn thân thiết bên nhau." - ông khẳng định.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc - Ảnh 3.

Ông Võ Hồng Phúc cùng vợ tại Phú Quốc tháng 11-2022. Ông nghỉ hưu từ cuối năm 2011

Ký ức

Tiếng chuông như khơi dậy miền ký ức, cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc lại nhớ về những chuyện của ngày xưa. Khi ông viết lại những câu chuyện cũ, bạn bè xa gần đọc khen hay; nhiều người thích và cùng nhau bình luận.

Ông tiết lộ: "Nhiều người đề nghị tôi tiếp tục viết, về những câu chuyện cũ. Họ nói chuyện của tôi cũng là chuyện của họ, chuyện của một thời, của một đời người. Hình ảnh người thân trong gia đình, dòng họ, làng xóm, bạn học thuở thiếu thời; rồi những người từng làm việc cùng tôi, cả trong và ngoài nước, cả đang sống hay đã mất…, tất cả lại hiện về với nhiều kỷ niệm xa gần. Họ như thôi thúc tôi phải viết, viết để đừng quên họ".

Không chỉ là ký ức một thời, những câu chuyện của ông còn là những bài học về cách sống, về tư duy và tầm nhìn chiến lược, quan hệ đối ngoại hay cách dùng người…

Báo Người Lao Động trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết của cựu Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc.

"Nói vo"

Cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có trí nhớ rất tốt. Ông cũng nổi tiếng là người hoạt khẩu, bạo ngôn. Trong các hội nghị, ông không bao giờ dùng bài phát biểu viết sẵn. Ông thích "nói vo" vì như vậy mới nói được hết suy nghĩ và mong muốn. Phát biểu ở Quốc hội, Hội nghị Trung ương, thậm chí cả Đại hội Đảng toàn quốc, ông cũng "nói vo".

Nhờ sở trường ấy, tại các phiên chất vấn ở Quốc hội, ông còn chất vấn ngược đại biểu. Điều này đã tạo nên các cuộc tranh luận sôi nổi trên nghị trường và ông thường được Thủ tướng Phan Văn Khải lựa chọn trả lời chất vấn.