Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Bước vào Đổi mới (*)

Năm 1988, tôi được bố trí làm vụ phó Vụ Công nghiệp - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đến cuối tháng 10-1990 nhận quyết định lên vụ trưởng

Đại hội 6 của Đảng mở đường cho thời kỳ Đổi mới, trong đó một nội dung quan trọng là đổi mới công tác kế hoạch hóa. Từ năm 1987, đổi mới công tác kế hoạch trong Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (KHNN) được triển khai mạnh mẽ.

Bài học Nhật Bản

Tháng 3-1988, anh Đậu Ngọc Xuân lên làm Chủ nhiệm Ủy ban KHNN thay anh Võ Văn Kiệt làm quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT). Công tác đổi mới tổ chức được tiếp tục. Các đơn vị trong Ủy ban KHNN được sắp xếp lại. Ba vụ Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ và Cơ khí Luyện kim hợp nhất thành Vụ Công nghiệp.

Tôi được bố trí làm Vụ phó Vụ Công nghiệp, phụ trách xây dựng cơ bản. Địa bàn làm việc càng được mở rộng hơn, tôi có điều kiện nắm rõ hiện trạng nền công nghiệp cả nước.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Bước vào Đổi mới (*) - Ảnh 1.

Tháng 9-1989, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Phan Văn Khải sang Nhật Bản, ông Võ Hồng Phúc tham gia đoàn cùng đi

Với chính sách đổi mới, năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành. Ngay sau đó, Luật Công ty được triển khai xây dựng. Các công ty Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu vào Việt Nam tìm hiểu chính sách phát triển kinh tế của ta và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp Nhật Bản.

Người nước ngoài vào Việt Nam rất muốn gặp các cơ quan nhà nước quản lý kinh tế như Ủy ban KHNN. Hồi đó, nhiều người ngại tiếp xúc công ty từ các nước tư bản, sợ bị bên an ninh theo dõi. Riêng tôi, ai muốn gặp đều được. Tôi bảo mọi người theo dõi thì cứ theo dõi, mình có làm gì khuất tất đâu mà ngại. Lúc ấy, thông tin không như bây giờ, rất hạn chế. Tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài là một kênh thông tin tốt.

Tháng 4-1989, anh Phan Văn Khải ra thay anh Đậu Ngọc Xuân làm Chủ nhiệm Ủy ban KHNN, anh Đỗ Quốc Sam làm phó chủ nhiệm thứ nhất trực tiếp phụ trách Vụ Công nghiệp, anh Đậu Ngọc Xuân sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư. Anh Xuân bảo tôi sang bên đó, sẽ đưa lên vụ trưởng. Tôi xin không sang, nói là thích công việc ở Ủy ban KHNN hơn.

Tháng 9-1989, anh Khải đi Nhật, tôi được đi cùng. Tôi được hiểu thêm Nhật Bản và mong muốn của giới chức nước này thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam; được tận mắt nhìn thấy sự đổi thay kỳ diệu của một đất nước thua trận bị tàn phá sau chiến tranh. Đó là một bài học lớn cho anh Khải cũng như cả đoàn - chúng tôi vẫn gọi là "bài học Nhật Bản".

Chuyến đi cũng tạo dựng cho tôi mối quan hệ với các bạn Nhật Bản, cả doanh nhân, chính khách và giới công chức; tạo cho tôi tư duy mới về sự phát triển và con đường phát triển. Sau chuyến đi đó, các công ty Nhật sang Việt Nam đều tìm gặp tôi.

Kỳ tích Hàn Quốc

Giữa tháng 9-1990, Trường Đại học Yonsei, thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mời một đoàn chuyên gia kinh tế Việt Nam sang khảo sát kinh tế Hàn Quốc và xúc tiến đầu tư. Anh Phan Văn Khải quyết định cho các thành viên trong nhóm chuẩn bị báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000 đi, tôi cũng được tham gia.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Bước vào Đổi mới (*) - Ảnh 2.

Ông Võ Hồng Phúc tham gia đoàn chuyên gia kinh tế Việt Nam sang khảo sát kinh tế Hàn Quốc, xúc tiến đầu tư

Chúng tôi được nghe, được thấy sự phát triển kỳ diệu của Hàn Quốc - một đất nước những năm 1960 có xuất phát điểm giống chúng ta, thậm chí có mặt còn kém hơn. Chỉ hơn 20 năm, họ đã làm nên kỳ tích, đưa Hàn Quốc gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Chứng kiến sự phát triển của họ, chúng tôi càng thêm ưu tư cho đất nước mình.

Trong các buổi làm việc, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà nghiên cứu kinh tế của Hàn Quốc rất mong muốn hai nước sớm bình thường hóa quan hệ, thành lập quan hệ ngoại giao chính thức, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, trao đổi về giáo dục - đào tạo... Sau nhiều lần thảo luận, vượt qua nhiều trở ngại cả ở trong và ngoài nước, đến tháng 12-1992, hai nước mới thành lập quan hệ ngoại giao.

Năm 1990 cũng là thời điểm phải chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội 7 của Đảng. Chính phủ được giao chuẩn bị các báo cáo: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1991-1995. Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười là người trực tiếp chỉ đạo. Anh Phan Văn Khải là trưởng ban biên tập. Tôi được tham gia nhóm biên tập về công nghiệp.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Bước vào Đổi mới (*) - Ảnh 3.

Ông Võ Hồng Phúc trong chuyến công tác tại Indonesia năm 1990

Giữa tháng 10-1990, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Phó Chủ tịch Võ Nguyên Giáp làm việc với Ủy ban KHNN để nghe về chiến lược và kế hoạch 5 năm phát triển công nghiệp. Vụ trưởng Vụ Công nghiệp báo cáo. Ông Đỗ Mười hỏi về nguồn vốn cho phát triển và cơ chế huy động vốn. Vụ trưởng Vụ Công nghiệp không trả lời được, anh Khải liền chỉ định tôi.

Dựa vào kiến thức tích lũy được từ quá trình làm việc với các chuyên gia quốc tế, công ty nước ngoài, qua nhiều chuyến khảo sát ở Nhật Bàn, Hàn Quốc, Indonesia…, tôi đã trả lời rất trôi chảy về việc huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo Luật Đầu tư nước ngoài; huy động vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; huy động vốn tư nhân trong nước để phát triển doanh nghiệp khi ta ban hành Luật Công ty...

Tôi nói gọn, nói thẳng, không vòng vo rào đón, có dẫn chứng cụ thể. Thỉnh thoảng, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Phó Chủ tịch Võ Nguyên Giáp lại đưa ra các câu hỏi cắt ngang như kiểu gợi ý thảo luận, tôi vẫn trả lời suôn sẻ. Cuối buổi họp, sau khi kết luận, ông Đỗ Mười đề nghị: "Các anh về nghỉ, mời anh Văn (cụ Võ Nguyên Giáp) và anh Khải ở lại".

Tôi về phòng làm việc của mình. Khi thấy anh Khải tiễn Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐBT lên xe về, tôi đi theo sau. Khi xe đã chạy, tôi hồi hộp hỏi: "Có việc gì sơ suất hay phải làm gì thêm mà anh phải ngồi lại thế?". Anh Khải cười bảo: "Có gì đâu, hai ông già khen mày hiểu biết, có tầm nhìn, nắm chắc vấn đề, có tư duy đổi mới. Hai cụ bảo tao đưa mày lên vụ trưởng rồi đưa mày về làm cố vấn cho tao. Cụ Mười còn biết mày làm vụ phó gần 10 năm nay, từ hồi còn Vụ Dầu khí…".

Khoảng một tuần sau đó, cuối tháng 10-1990, tôi nhận quyết định lên làm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp.

Bước ngoặt

Giữa năm 1989, Đông Âu có biến động lớn. Đến cuối năm đó, toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, còn Liên Xô gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Hệ thống phối hợp kế hoạch hằng năm và 5 năm giữa hai nước như trước đây không còn nữa. Nguồn vốn và nguồn cung cấp vật tư, thiết bị của nước ta hạn chế…

Năm 1990 là một năm rất khó khăn cho Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Đó cũng là một bước ngoặt cho công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, cho sự phát triển của nước ta. Một sự thay đổi lớn về tư duy kinh tế được xác lập để hình thành đường lối phát triển kinh tế mới.

(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt