Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Đi và trải nghiệm (*)

Chúng tôi sang Mexico ngay sau ngày 30-4-1975. Bạn giành cho đoàn sự tiếp đón nồng hậu vì Tổng thống Luis Echeverria và Đảng PRI rất khâm phục chiến thắng của Việt Nam

Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, công tác địa chất lại càng được chú trọng, đặc biệt là việc tìm kiếm thăm dò khoáng sản kim loại nhằm chuẩn bị cho thời kỳ phát triển sau hòa bình; chuẩn bị cho những chương trình, dự án hợp tác với các nước trong khối Liên Xô - Đông Âu và các nước XHCN khác.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Đi và trải nghiệm (*) - Ảnh 1.

Sau ngày 30-4-1975, Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí, cử người đi đào tạo ngắn hạn và học tập kinh nghiệm ở các nước có ngành dầu khí phát triển

Chuyến đi nước ngoài đầu tiên

Đầu tháng 8-1973, tôi tham gia đoàn khảo sát về công nghiệp khai thác và luyện quặng đồng ở Bulgaria. Đó là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi.

Sau đó, theo dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục đi khảo sát ở Chile. Đây là các nước quan hệ mật thiết với Việt Nam, có ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng đồng phát triển nhất lúc đó.

Chile thuở ấy đang dưới thời Tổng thống Salvador Allende, rất ủng hộ và thân thiết với Việt Nam. Từ Bulgaria trở về Liên Xô, đang chờ máy bay sang Chile thì chúng tôi được tin Đại sứ quán tại Moscow báo rằng tình hình nước này rất lộn xộn.

Chúng tôi phải chờ, theo dõi thêm rồi mới quyết định có đi hay không. Cuối cùng thì nổ ra cuộc đảo chính của tướng Pinochet ngày 11-9-1973, chúng tôi trở về Hà Nội.

Những năm 1973-1974, tôi đi nhiều đến các đoàn địa chất ở vùng núi Việt Bắc. Khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, tôi đang ở Đoàn Địa chất 49 trên Táp Ná, Thông Nông - Cao Bằng.

Tốc hành vào Sài Gòn

Ngày 30-4-1975, quân ta vào Sài Gòn. Chính phủ họp, quyết định các bộ - ngành cử ngay đoàn vào tiếp quản các bộ - ngành tương quan ở Sài Gòn. Mỗi đoàn đều có người của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tham gia. Tổng cục Địa chất được giao tiếp quản Tổng cuộc Dầu mỏ - Khoáng sản. Tôi được phân công đi theo đoàn của Tổng cục Địa chất.

Đoàn Tổng cục Địa chất do Tổng Cục phó Lê Văn Đức làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có anh Trần Đức Lương, Cục phó Cục Bản đồ; anh Nguyễn Thiện Giao, Cục Địa vật lý; anh Nguyễn Ngọc Sớm, Liên đoàn 36; anh Nguyễn Xuân An, Văn phòng Tổng cục Địa chất; thư ký của anh Đức và tôi.

Sáng sớm 2-5-1975, chúng tôi lên đường tốc hành, ngày đi đêm nghỉ. Từ Hà Nội vào cầu Hiền Lương đường xấu đi chậm, sang bờ Nam đường tốt đi nhanh. Dọc đường phía Bắc rợp trời cờ đỏ sao vàng, phía Nam cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng.

Chiều tối 3-5-1975, chúng tôi đến nhà anh Trần Đức Lương ở Đức Phổ - Quảng Ngãi, được chứng kiến ngày đoàn tụ sau hơn 20 năm của gia đình anh. Bà con, họ hàng kéo đến vui như hội. Tối đó, chúng tôi ăn toàn hải sản của Quảng Ngãi.

Chiều 5-5-1975, chúng tôi đến Sài Gòn. Đoàn dừng lại ở vườn hoa trước Dinh Độc lập, chờ người của Ủy ban Quân quản đưa về chỗ nghỉ.

Tối đó, chúng tôi về nghỉ tại nhà một quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn vừa đi di tản. Sáng hôm sau, chúng tôi chuyển qua khách sạn Continental, rồi chuyển đến đường Kỳ Đồng.

Những ngày sau, chúng tôi làm việc ở Tổng cuộc Dầu mỏ - Khoáng sản ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cạnh Sở thú. Chúng tôi tiếp thu tài liệu, nghe báo cáo tình hình địa chất khoáng sản miền Nam. Đặc biệt hữu ích là các tài liệu của Mobil và Pecten đã làm ở thềm lục địa phía Nam. Họ đã khoan được 6 giếng, trong đó 2 giếng gặp dầu.

Cuối tháng 5-1975, chúng tôi bắt đầu đi khảo sát thực địa, xem than bùn ở U Minh, molipden ở núi Sam - Châu Đốc, bauxite ở Bảo Lộc…

Luyến tiếc rời Mexico

Sau khi tiếp thu những tài liệu địa chất và kết quả 6 giếng khoan mà Mobil, Pecten đã thực hiện, Chính phủ đánh giá triển vọng dầu khí ở thềm lục địa phía Nam là rất lớn. Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí, cử người đi đào tạo ngắn hạn và học tập kinh nghiệm ở các nước có ngành dầu khí phát triển, xúc tiến đàm phán hợp đồng thăm dò khai thác với các công ty dầu khí phương Tây.

Thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, Tổng thống Luis Echeverria mời một đoàn cán bộ kỹ thuật dầu khí nước ta sang học tập kinh nghiệm quản lý khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa ở Mexico. Mọi việc do Pemex - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Mexico lo liệu. Đoàn có 10 người, do anh Nguyễn Giao làm trưởng đoàn.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Đi và trải nghiệm (*) - Ảnh 2.

Ông Võ Hồng Phúc trong chuyến đi Mexico tháng 10-1975, khi mới về làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước

Ngày 22-10-1975 chúng tôi lên đường sang Moscow, đến nghỉ tại nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Hơn 1 tuần sau mới có máy bay sang Habana - Cuba. Ngày 30-10-1975, chúng tôi đến Habana, lại chờ đến ngày 1-11 mới có máy bay sang Mexico. Đến Mexico City buổi chiều, chúng tôi về khách sạn Stella Maris và ở đó cho tới lúc quay lại Việt Nam, ngày 22-12-1975.

Ngày 2-11-1075, chúng tôi đến Đại sứ quán Việt Nam, nghe giới thiệu về tình hình của nước bạn. Sau đó, chúng tôi đến trụ sở Pemex thống nhất chương trình làm việc. Tối hôm sau, Tổng thống Luis Echeverria tiếp cả đoàn với một sự nồng nhiệt hiếm có.

Từ ngày 3-11-1975, chúng tôi liên tục làm việc tại Pemex, nghe tập đoàn giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển, nói về các bài học kinh nghiệm. Từ cuối tháng 11 đến tháng 12-1975, chúng tôi làm việc tại các cơ sở của Pemex. Bạn giành cho đoàn 2 máy bay phản lực loại 8 chỗ. Những ngày nghỉ, chúng tôi đến các điểm du lịch, cơ sở sản xuất, thăm quê tổng thống Mexico và quê vợ ông... - một sự tiếp đón ít có.

Mexico lúc đó đang ở đỉnh cao phát triển. Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) cầm quyền liên tục từ năm 1929 đã đưa đất nước phát triển không ngừng, đặc biệt giai đoạn 1940-1975 tạo nên "huyền thoại Mexico" khiến thế giới nể phục. Lúc chúng tôi sang, uy tín PRI rất cao. Từ thành phố đến nông thôn, mọi người chỉ biết đến PRI. Các đảng đối lập chỉ trang trí cho chế độ đa đảng. Lực lượng đối lập chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể ở quốc hội. Mexico lúc ấy hy vọng đưa nước này thành hình mẫu cho sự phát triển ở Mỹ Latinh - một mục tiêu đáng trân trọng.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Đi và trải nghiệm (*) - Ảnh 3.

Phía Mexico giành cho đoàn Việt Nam sự tiếp đón nồng hậu

Khi chúng tôi gần về nước, Tổng thống Luis Echeverria lại mời cơm cả đoàn. Tổng thống Mexico chỉ được làm một nhiệm kỳ 6 năm. Theo quy định của PRI, tổng thống đương nhiệm giới thiệu người kế nhiệm trước kỳ bầu cử 1 năm, cuối năm 1976 bầu tổng thống mới. Tổng thống đương nhiệm vừa công bố người kế nhiệm, khả năng trúng cử lúc đó là 100%. Người này cùng tiếp để chia tay đoàn chúng tôi.

Chúng tôi sang Mexico ngay sau ngày 30-4-1975. Bạn giành cho đoàn sự tiếp đón nồng hậu vì Tổng thống Luis Echeverria và PRI rất khâm phục chiến thắng của Việt Nam. Sau gần 2 tháng học tập kinh nghiệm, chúng tôi rời Mexico với một tình cảm luyến tiếc.

"Anh cũng học văn?"

Tại Sài Gòn chiều 5-5-1975, tôi gặp một đám đông thanh niên đang thu dọn vật dụng, quần áo của lính chế độ cũ bỏ lại. Anh Trần Đức Lương và tôi xuống xe hỏi chuyện, mới biết họ ở Hội Sinh viên Giải phóng - ĐH Văn khoa Sài Gòn.

Tôi hỏi về chương trình học, họ nói văn thơ trong nước thì học văn học thế kỷ XVII, XVIII, XIX; học văn thơ tiền chiến của Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Thâm Tâm… Máu văn chương nổi lên, tôi đọc luôn mấy bài "Tống biệt hành", "Tiếng thu", "Đây thôn Vĩ Dạ", "Màu tím hoa sim"…

Nhiều người hỏi: "Anh cũng học văn?". Tôi bảo mình là kỹ sư mỏ, họ không tin. Anh Lương phải xác nhận, họ mới hết ngờ vực. Họ khen "các anh ngoài Bắc học rộng quá", đâu biết rằng đó là những bài thơ chúng tôi chuyền tay nhau đọc vụng trộm từ thời lớp 10. Cái gì vụng trộm thì lại nhớ lâu!

(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt