Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Gặp ông Lý Quang Diệu (*)
Cuộc gặp nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về một người tuyệt vời, thông minh, bản lĩnh, cương trực, quyết đoán, có sức cuốn hút, có tầm nhìn chiến lược
Cuối tháng 10-1993, anh Đỗ Quốc Sam, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (KHNN), bảo tôi - khi đó là phó chủ nhiệm: "Anh Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cử anh sang Singapore gặp ông Lý Quang Diệu để thông báo về tình hình kinh tế Việt Nam, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ông ấy vào giữa tháng 11-1993".
"Việc rất tế nhị"
Anh Sam cho rằng "đây là việc rất tế nhị". Tôi biết ý anh muốn nói đến việc trong lãnh đạo cao cấp của ta lúc đó còn một số ý kiến đánh giá khác nhau về vai trò, quan hệ của nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu - lúc ấy là Bộ trưởng Cao cấp Singapore - với Việt Nam.
"Phải chuẩn bị thật cẩn thận. Về tài liệu thì có thể dùng báo cáo của Chính phủ chuẩn bị trình bày ở Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) ở Pari – Pháp cuối năm nay. Anh chọn người theo ghi chép thật đầy đủ, chi tiết; khi về còn gửi báo cáo kèm bản ghi chép đi mấy nơi" - anh Sam dặn dò.

Ông Lý Quang Diệu trong một chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương - Ảnh: TTXVN
Ngày 21-10-1993, chúng tôi sang Singapore. Cùng đi có anh Hồ Quang Minh, Vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại - Ủy ban KHNN; anh Vũ Đăng Dũng, Vụ phó Vụ Đông Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao… Anh Minh làm nhiệm vụ thư ký ghi chép, anh Dũng phiên dịch.
Tối 21-10-1993, chúng tôi đến Singapore. Chúng tôi chuyển bản báo cáo của Chính phủ sẽ trình bày ở Hội nghị CG để ông Lý xem trước. Lễ tân thông báo cuộc gặp ông Lý sẽ bắt đầu vào chiều 22 tại Điện Istana. Tôi xem kỹ lại bản báo cáo của Chính phủ một lần nữa để chủ động trao đổi với ông.
Chiều 22-10-1993, chúng tôi đến gặp ông Lý, đoàn có thêm Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Mạnh Hùng. Đúng 15 giờ, ông Lý vào phòng theo lối cửa bên. Sau khi bắt tay chúng tôi, ông vừa đi nhanh tới chỗ ngồi vừa hỏi tôi: "Ông ở Ủy ban KHNN?". "Vâng, tôi là phó chủ nhiệm" - tôi đáp.
"Ai là chủ nhiệm?". "Ông Đỗ Quốc Sam". "Ông Sam học gì, ở đâu?". "Ông ấy học kỹ sư xây dựng tại Trung Quốc, làm luận án tiến sĩ tại Nga". "Ông Võ Văn Kiệt cũng từng là chủ nhiệm Ủy ban KHNN?". "Vâng, ông Võ Văn Kiệt là chủ nhiệm từ năm 1982-1988"…
"Ủy ban KHNN làm những công việc gì?" – ông Lý tiếp tục. Đến đây thì tôi trả lời hơi dài. Tôi nói về nhiệm vụ hiện tại của Ủy ban KHNN là hoạch định chính sách và xây dựng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội...
Ông Lý chăm chú nghe rồi thắc mắc: "Ông Thủ tướng có nghe các ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban KHNN không?". Tôi khẳng định: "Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất tôn trọng và lắng nghe ý kiến của ông Đỗ Quốc Sam".
Ông Lý cầm tập báo cáo của chúng tôi, nhận xét: "Tôi đã đọc. Tài liệu chuẩn bị rất tốt. Ai đã giúp các ông chuẩn bị tài liệu này?". Tôi biết chắc các quan chức Singapore đã báo cáo với ông nên trả lời: "Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB). Nó được thực hiện trong một dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)". Ông Lý đánh giá: "Họ là những chuyên gia giỏi".
4 triết lý xây dựng đất nước
Nhân lúc ông Lý Quang Diệu nói đến bản báo cáo, tôi giới thiệu với ông về Hội nghị CG lần đầu tiên tổ chức tại Pháp vào tháng 11-1993. Tôi nói về mục đích hội nghị, khách mời và các đối tác của Việt Nam.
Ông Lý lắng nghe rất chăm chú. Khi tôi nói về đối tác đầu tư, ông ngắt lời: "Hiện ai là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam? Và thứ tự tiếp theo?". Tôi kể từ nhà đầu tư số 1 đến số 8 theo thứ tự vốn cam kết. Ông lắc đầu, lại hỏi tôi nhận xét về các nhà đầu tư… Buổi làm việc chuyển sang hình thức như thảo luận, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng nhà đầu tư.
Ông Lý cho rằng Việt Nam chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Cuối cùng, ông nói: "Khi nào các nhà đầu tư từ Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản giữ vị trí hàng đầu ở Việt Nam thì các ông mới thành công. Muốn thế, các ông phải có môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch; phải có chính quyền mạnh và trong sạch, không tham nhũng, gồm những người giỏi, trong sạch và được trả lương cao nhất".
Ông Lý nói say sưa về đội ngũ công chức và chính khách giỏi, trong sạch, về vấn đề đào tạo và chế độ lương. Đặc biệt, cần sử dụng lớp người trẻ tuổi tài năng, song phải có cơ chế giám sát chặt chẽ. Rồi ông kết thúc: "Thôi, ta dừng tại đây. Hẹn gặp ông ở Hà Nội". Tôi và ông cùng đứng dậy bắt tay nhau…
Buổi làm việc diễn ra khoảng hơn 1 giờ. Cuộc gặp ông Lý để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về một con người tuyệt vời, thông minh, bản lĩnh, cương trực, quyết đoán, có sức cuốn hút, có tầm nhìn chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời phỏng vấn tại một Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Hôm sau, chúng tôi về Hà Nội, làm báo cáo kèm thêm bản ghi chép rất đầy đủ gửi Văn phòng Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ. Mọi người xem và khen nội dung cuộc gặp tốt. Công việc êm xuôi!
Ngày 17-11-1993, ông Lý Quang Diệu sang thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông. Tôi được cử đi tháp tùng ông từ TP HCM.
Sau 2 ngày làm việc với TP HCM và Bình Dương, ông Lý ra Hà Nội. Tại đây, ông làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ nhiệm Ủy ban KHNN, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác - đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Xây dựng và dự vài cuộc họp với các chuyên gia. Tất cả các buổi làm việc đó tôi đều dự, trừ buổi làm việc riêng của ông Lý Quang Diệu với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong các cuộc trao đổi, nhiều người tập trung hỏi ông Lý về thành công của Singapore. Ông nêu ra nhiều yếu tố giúp Singapore vươn lên nhưng nhấn mạnh 4 triết lý xây dựng đất nước của mình: Xây dựng một nhà nước mạnh mẽ; hòa hợp quốc gia đa sắc tộc; phát triển hài hòa với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển và nền kinh tế thị trường thoát ly khỏi hệ tư tưởng.
Ông Lý tiếp tục diễn giải về việc xây dựng nhà nước, chính quyền mạnh. Ông nhấn mạnh muốn vậy thì cần phải có nguồn nhân lực giỏi cho chính quyền; có đội ngũ công chức và chính khách giỏi, trong sạch, không tham nhũng. Họ phải được trả lương cao, đồng thời phải được giám sát chặt chẽ...
Nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam
Từ năm 1993, ông Lý Quang Diệu đã qua lại Việt Nam nhiều lần, nhiệt tình hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, cho quan hệ hai nước. Từ KCN Việt Nam - Singapore đầu tiên ở Bình Dương, nay nhiều nơi đã có KCN như vậy. Nhiều dự án của các nhà đầu tư Singapore được triển khai; nhiều chương trình đào tạo cho Việt Nam được thực hiện ở Singapore…
Sau đó, các chuyến thăm, làm việc của ông Lý tại Việt Nam thưa dần. Chuyến đi cuối cùng của ông là năm 2009.
(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt