Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Nhớ mãi những ân tình (*)
Tôi luôn nhớ họ, những người từ Ngân hàng Thế giới, những người đã cùng chúng tôi thực hiện nhiều chương trình hợp tác phát triển ở Việt Nam thời gian dài, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, vất vả
Năm 2000, chúng tôi và Ngân hàng Thế giới (WB) có một sự bất đồng trong việc xây dựng chiến lược hợp tác phát triển của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010.
Tìm tiếng nói chung
WB muốn xác định nội dung chính hợp tác phát triển giai đoạn này là xóa đói giảm nghèo (XĐGN), từ đó xác định tên của chiến lược là Giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2010. Chúng tôi thì để xuất nội dung là tăng trưởng và XĐGN, từ đó xác định tên chiến lược là Tăng trưởng và XĐGN 2001 - 2010.
Cuối cùng, WB chấp thuận đề nghị của chúng tôi: Xác định chiến lược hợp tác phát triển trong thời gian tới là Tăng trưởng và XĐGN.
Từ năm 1997, ông Andrew Steer sang làm đại diện WB tại Việt Nam thay ông Babson. Thời gian này, ngoài việc tổ chức Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) thường niên, WB còn đề xuất tổ chức Hội nghị CG giữa kỳ nhằm tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ và những nhà tài trợ quốc tế, thúc đẩy thực hiện các dự án ODA. Hội nghị giữa kỳ thường được tổ chức tại các địa phương để tạo điều kiện cho nhà tài trợ quốc tế hiểu rõ tình hình Việt Nam nhiều hơn.

Các đại biểu quốc tế tham gia Hội nghị CG giữa kỳ năm 2008 - Ảnh: TTXVN
Năm 2002, Klaus Rohland sang thay Andrew Steer. Ông Klaus là một người hiền từ, chân thành, thận trọng và dễ hợp tác, rất lắng nghe ý kiến mọi người. Khi ông sang Việt Nam cũng là lúc tôi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị CG thường niên năm 2002, hai chúng tôi là đồng chủ tịch - đều là người lần đầu tiên điều hành hội nghị.
Các nhà tài trợ bày tỏ sự quan tâm và lo lắng với sự điều hành của 2 đồng chủ tịch mới toanh, e ngại sẽ ảnh hưởng tới thành công của hội nghị. Song, chúng tôi đã phối hợp rất ăn ý; nói ngắn gọn, vừa đủ và dành nhiều thời gian cho hội nghị thảo luận. Hội nghị rất thành công, xóa đi sự lo lắng của mọi người.
Kết thúc hội nghị này, tôi bàn với ông Klaus tổ chức Hội nghị CG giữa kỳ 2003 ở Sapa. Tôi giới thiệu với ông, mình là Đại biểu Quốc hội ở Lào Cai. Tôi muốn sau hội nghị, đại biểu có thể đi khảo sát các vùng nghèo; muốn nhà tài trợ có dịp tiếp xúc vùng dân tộc ít người ở Tây Bắc.
Nội dung chính của Hội nghị CG giữa kỳ 2003 là vấn đề XĐGN và sự phát triển của vùng núi. Một Hội nghị CG giữa kỳ tuyệt vời, chân thành và tình cảm, gắn kết nhà tài trợ với đại diện các cơ quan Chính phủ.
Sau hội nghị ở Sapa, sự hợp tác giữa chúng tôi với WB ngày càng chặt chẽ. Trong mọi vấn đề, chương trình và dự án, chúng tôi đều tìm được tiếng nói chung. Sau Sapa, chúng tôi cùng phối hợp tổ chức Hội nghị CG giữa kỳ tại Vinh (tháng 6-2004), Cần Thơ (6-2005), Nha Trang (6-2006). Sau mỗi lần đi, ông Klaus cùng các nhà tài trợ như gắn bó với chúng tôi và các vùng miền của chúng ta nhiều hơn.
Trong Hội nghị CG thường niên 2006, Klaus thông báo năm 2007 hết nhiệm kỳ. Trong lời phát biểu chia tay, ông rất xúc động và luyến tiếc khi phải rời Việt Nam. Thay mặt các cơ quan Chính phủ nói lời từ biệt, tôi đã mượn một câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên gửi tới Klaus tình cảm của chúng tôi với ông, cũng để nói lên tình cảm của ông với đất nước này: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời báo chí tại một Hội nghị CG - Ảnh: TTXVN
Thắt chặt quan hệ
Sau khi Klaus Rohland rời Việt Nam, Ajay Chibber sang thay. Tại Hội nghị CG giữa kỳ ở Hạ Long tháng 6-2007, ông Chibber chưa qua kịp, Phó Chủ tịch WB James Adams đã sang Việt Nam và cùng tôi chủ trì.
Hội nghị diễn ra rất tốt đẹp. Qua tiếp xúc, tôi thấy ông James là một người cởi mở, chân thành và rất dễ hợp tác. Sau hội nghị này, chúng tôi trở nên thân thiết, không còn là quan hệ xã giao giữa một bộ trưởng Việt Nam với một phó chủ tịch WB.
Năm 2007, khủng khoảng tài chính từ Mỹ lan ra các nước. WB muốn cùng chính phủ các nước trong khu vực phối hợp chính sách nhằm hạn chế tác động của khủng khoảng tài chính và ông James sang Đông Nam Á nhiều hơn. Cuối năm 2007, ông lại sang Việt Nam, cùng tôi đồng chủ trì Hội nghị CG thường niên.
Đầu năm 2008, tình hình lạm phát diễn biến xấu hơn. Tháng 4-2008, Chính phủ ban hành nghị quyết đưa ra 8 nhóm giải pháp chống lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Chuẩn bị Hội nghị CG giữa kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phản đối mạnh mẽ các nhóm giải pháp của Chính phủ ta, cho rằng chưa "đủ liều" để chống lạm phát.
Chúng tôi làm việc cùng ông James và các nhà tài trợ lớn nhằm đạt sự đồng thuận giữa Chính phủ với họ và IMF. Vấn đề là sự nhượng bộ của IMF. Tôi và ông James thỏa thuận sẽ cùng nhau lên Lào Cai, trên tàu sẽ thảo luận và thuyết phục IMF. Ông James đã đóng góp tích cực cho sự đồng thuận này. Hội nghị CG giữa kỳ ở Sapa thành công, tất cả nhà tài trợ đều ủng hộ các nhóm giải pháp chống lạm phát của Chính phủ.
Sau Sapa, các Hội nghị CG giữa kỳ tiếp theo tổ chức ở Buôn Ma Thuột (tháng 6-2009) và Rạch Giá (6-2010). Đó là những dịp để thắt chặt mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với cộng đồng tài trợ quốc tế.
Sau khi ông Ajay Chibber kết thúc nhiệm kỳ, bà Victoria Kwakwa sang làm đại diện WB từ năm 2009. Bà Victoria đến từ Ghana, là một phụ nữ năng động, thẳng thắn, thân thiện, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ.
Ngay sau khi sang Việt Nam, bà Victoria đã nhanh chóng phối hợp với chúng tôi thực hiện các chương trình và dự án của WB. Tôi đã cùng bà đồng chủ trì 2 Hội nghị CG thường niên và 3 Hội nghị CG giữa kỳ. Một vị đồng chủ tịch sắc sảo, quyết đoán và dễ hợp tác. Tất cả các Hội nghị CG do chúng tôi đồng chủ trì đều thành công tốt đẹp. Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cùng chúng tôi luôn có sự đồng thuận cao.
Sự thành công của các Hội nghị CG trong những năm làm việc cuối của tôi không thể thiếu vai trò một người: Cố vấn trưởng về kinh tế Martin Rama. Ông không giữ chức vụ quản lý trong WB nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, làm cơ sở cho những cuộc thảo luận ở các Hội nghị CG, tạo nên sự thành công của hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời phỏng vấn bên lề một kỳ họp Quốc hội - Ảnh: TTXVN
Tháng 9-2010, WB mời tôi sang làm việc để thảo luận về chiến lược phát triển 10 năm 2011 - 2020, đồng thời trao đổi về chương trình tài trợ thời gian tới. Có lẽ WB biết năm sau tôi nghỉ hưu nên họ tiếp đón rất trọng thị. Tôi đã làm việc với Chủ tịch WB Robert Zoellick, người rất ủng hộ các chương trình hỗ trợ Việt Nam và đã đến nước ta nhiều lần. Tôi đã gặp lại ông James Adams, làm việc với nhiều phó chủ tịch WB phụ trách các lĩnh vực. Buổi tối thường là các bữa ăn thân mật với các lãnh đạo WB...
Chia tay cảm động, nghĩa tình
Bà Victoria Kwakwa biết tôi quê ở Hà Tĩnh và tháng 8-2011 sẽ nghỉ hưu. Hội nghị CG giữa kỳ 2011, bà đề nghị tổ chức ở Hà Tĩnh để nói lời chia tay tôi tại đây.
Ngày 9-6-2011 diễn ra Hội nghị CG giữa kỳ. Tối đó, một bữa tiệc chia tay thật cảm động, nghĩa tình diễn ra; nhiều người đã hát, đã nói. Các nhà tài trợ tặng tôi món quà kỷ niệm: Chiếc đĩa sơn mài ghi tên James Adams, Victoria Kwakwa và tất cả nhà tài trợ cho Việt Nam, cùng dòng chữ: "We are so lucky to have had the hounour to work with you".

Ông Võ Hồng Phúc tại buổi ra mắt cuốn sách ghi chép lại những chuyện trong đời mình
(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt