Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Những ngày sôi động (*)

Tháng 11-1990, tôi làm vụ trưởng Vụ Công nghiệp, đến tháng 12-1992 được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đây là quãng thời gian công việc của ủy ban rất sôi động

Cuối năm 1990, hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ, Liên Xô rạn nứt dần để rồi đến tháng 8-1991 thì tan rã. Những sự kiện đó đã làm không ít người lo lắng, thậm chí hoảng sợ. Chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam - như trước đây ta thường nói - không còn nữa.

Chào đón "những cỗ xe tăng"

Song, như người Việt Nam vẫn nói "Trong cái rủi có cái may", thực tế đó là vận may mới, vận may lớn cho ta. Vận may cho sự thay đổi, cho sự nghiệp đổi mới thực sự nền kinh tế. Nay ta phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, tự mình phải bước đi, không còn dựa dẫm, phụ thuộc. Một con đường phát triển mới!

Chúng tôi, dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (KHNN) Phan Văn Khải, đã có một tư duy mới trong việc tham gia chuẩn bị các báo cáo về kinh tế trình Đại hội Đảng lần thứ 7. Một thể chế kinh tế mới đang dần hình thành. Lớp cán bộ trẻ chúng tôi hồ hởi bước vào một thời kỳ mới. Một con đường phát triển mới đang mở!

Tháng 6-1991, Đại hội 7 thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH" và "Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000". Tháng 12-1991, Quốc hội thông qua kế hoạch 5 năm 1991-1995.

Chiến lược 10 năm 1991-2000 đã mở ra con đường phát triển mới với hai hướng đột phá cho nền kinh tế: Chấp nhận sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư bản tư nhân không bị hạn chế về quy mô phát triển; đồng thời mở rộng quan hệ kinh tế với tất cả các nước và các tổ chức quốc tế.

Nhận biết xu thế đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế của Việt Nam, chính phủ cũng như những công ty tư nhân của các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế từ cuối năm 1990 đã liên tục cử các đoàn đến nước ta khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác. Với vị trí là vụ trưởng Vụ Công nghiệp, tôi đã tham gia hầu hết các buổi làm việc đó.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Những ngày sôi động (*) - Ảnh 1.

Tháng 5-1990, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Watanabe Michio thăm Việt Nam - chuyến đi mở đường cho thời kỳ mới của quan hệ Nhật - Việt. Ông Võ Hồng Phúc được cử vào TP HCM đón và tham gia các hoạt động của ông Watanabe tại đây

Sôi động nhất thời gian này là hoạt động của các tập đoàn lớn và các cơ quan của Chính phủ Nhật Bản. Tháng 12-1991, Chính phủ Nhật cử đoàn chuyên gia liên bộ sang trao đổi khả năng nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Tháng 3-1992, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản sang đàm phán chính thức về khoản vay bắc cầu 45 tỉ yên. Cuối năm 1992, khoản vay bắc cầu được chính thức ký kết. Chính phủ Nhật chính thức tuyên bố nối lại viện trợ cho Việt Nam. Ủy ban KHNN được giao nhiệm vụ làm việc với phía Nhật để thỏa thuận danh mục các dự án được tài trợ trong năm 1993.

Cùng với chính phủ, chủ tịch các tập đoàn lớn của Nhật lần lượt vào Việt Nam. Họ đều được tiếp đón trọng thị và thu xếp làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Tôi đã tham gia tất cả các buổi làm việc này.

Trong buổi làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban KHNN Phan Văn Khải, ông Morohashi, Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi, ví von: "Mitsubishi và các tập đoàn lớn của Nhật như những cỗ xe tăng, dù khởi động chậm nhưng khi đã chuyển động là tiến tới vững chắc". Và, họ đã làm đúng như vậy!

Đừng vì chữ nghĩa, hãy vì nội dung!

Cùng với Nhật Bản, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng lần lượt đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đi đầu là Daewoo, với việc cam kết đầu tư các dự án lớn về khách sạn, điện tử và khu công nghiệp. Những nhà đầu tư từ các nước châu Á khác và Tây Âu, Úc… cũng rất chú trọng thị trường mới mở đầy tiềm năng này.

Tôi nhớ nhất là lần sang Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong vào tháng 5-1991. Sau buổi làm việc, anh Phan Văn Khải mời cơm tối cả đoàn ở Nhà khách Chính phủ. Đến 21 giờ, đoàn ra sân bay Nội Bài đi Hồng Kông. Anh Khải giao tôi đón và tiễn đoàn.

Khi đến Nội Bài, sân bay tối om, trời đổ mưa rất to. Hồi đó, sân bay là mấy nhà khung kho, không có phòng khách. Cả sân bay không có một chiếc ô. Xe đưa ông Kim đến chân cầu thang máy bay thuê riêng, 4 vệ sĩ và tùy tùng liền cởi áo vét kết thành tấm vải che mưa đưa chủ tịch Daewoo lên máy bay. Thời gian ấy khó khăn đủ bề nhưng hết sức sôi động.

Các tổ chức tài chính quốc tế rất chú trọng khâu nghiên cứu chính sách và lộ trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam, coi đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện các khoản vay mới. Phía ta thì một số vị lãnh đạo rất thành kiến với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng họ luôn tìm cách thay đổi thể chế kinh tế và có tác động đến thể chế chính trị của ta.

Tháng 4-1991, WB và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng với chúng tôi thảo luận đề cương 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật: "Đổi mới doanh nghiệp nhà nước", "Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa". Hai dự án này đã có đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành chính sách trong thời kỳ chuyển đổi của Việt Nam. Việc thực hiện 2 dự án này đã tạo điều kiện cho chúng tôi làm quen và có mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia kinh tế của WB, đặc biệt là ông David Dollar.

David Dollar lúc đó là cố vấn và tôi là giám đốc dự án. Chúng tôi luôn phải phối hợp chặt chẽ để thống nhất nội dung dự án và kết quả nghiên cứu cũng như những đề xuất và khuyến nghị chính sách - một việc hết sức tế nhị lúc đó. Chẳng hạn, có một thuật ngữ nhỏ nhưng chúng tôi phải thảo luận nhiều lần, David Dollar mới nhượng bộ. Đó là dùng chữ "cổ phần hóa" thay cho "tư nhân hóa".

Tôi phải theo Nghị quyết Đại hội 7 - dùng chữ "cổ phần hóa", còn "tư nhân hóa" là một điều cấm kỵ lúc đó. Tôi nói với David Dollar: "Chúng ta đều là những người thực tiễn. Đừng vì chữ nghĩa, hãy vì nội dung". Cuối cùng, David Dollar thống nhất toàn bộ nội dung, bỏ qua chữ nghĩa.

Với việc thực hiện các dự án của WB, UNDP…, công việc của Vụ Công nghiệp lúc đó rất sôi động. Anh em chúng tôi qua đó cũng trưởng thành lên nhiều.

Dấu ấn Võ Hồng Phúc: Những ngày sôi động (*) - Ảnh 2.

Tháng 9-2022, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc có dịp sang thăm lại Nhật Bản

Tháng 8-1991, lãnh đạo Ủy ban KHNN có sự thay đổi. Anh Phan Văn Khải lên Phó Thủ tướng Thường trực, anh Đỗ Quốc Sam làm chủ nhiệm. Ủy ban KHNN thiếu 4 phó chủ nhiệm và Chính phủ cho bổ sung tại chỗ 3 người.

Lãnh đạo Ủy ban KHNN chủ trương không giới thiệu định hướng mà để cho anh em tự do lựa chọn. Đa số cán bộ bỏ phiếu giới thiệu tôi và 2 người khác. Ba chúng tôi nhận quyết định bổ nhiệm cùng một ngày 25-12-1992. Đến ngày 1-1-1993, chúng tôi nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHNN, tôi được phân công phụ trách kinh tế đối ngoại.

"Dollar sang…"

Cuối năm 1992, WB cử đoàn công tác sang Việt Nam xem xét việc nối lại các khoản cho vay, ông David Dollar cũng tham gia. Tôi được giao tham gia làm việc với đoàn WB. David Dollar thường nói đùa với chúng tôi: "Dollar sang là dòng đô la từ WB sẽ đến Việt Nam!".

Do tôi sớm tiếp cận và có quan hệ tốt với các tổ chức quản lý viện trợ song phương và đa phương, với các nhà đầu tư lớn của nhiều nước nên Ủy ban KHNN thường giao nhiều việc liên quan kinh tế đối ngoại, dù tôi là vụ trưởng Vụ Công nghiệp.

(*) Tựa do Báo Người Lao Động đặt