Điểm lại 7 lần "sinh nhật" của Sài Gòn
(NLĐO) - Sài Gòn có nhiều lần thay đổi tên gọi, cương giới hành chính và thể chế quản trị. Mỗi lần thay đổi mang tính bước ngoặt, có thể gọi đấy là một lần "sinh nhật của thành phố".
Sài Gòn xưa và TP HCM nay đang bước vào tuổi 325 (từ năm 1698-2023), kể từ khi người Việt điều hành và xây dựng.

Người dân TP HCM thích thú chụp ảnh trong dịp Tết Quý Mão
Giống như nhiều thành phố lâu đời khác tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, Sài Gòn có nhiều lần thay đổi tên gọi, cương giới hành chính và thể chế quản trị. Mỗi lần thay đổi mang tính bước ngoặt, có thể gọi đấy là một lần "sinh nhật của thành phố". Dùng hệ quy chiếu như trên, chúng ta thấy thành phố này đã có đến 7 lần "thắp nến" khai sinh và tái sinh, phát triển qua nhiều biến động phong phú của lịch sử.
Sinh nhật đầu tiên - khoảng thế kỷ thứ nhất: làng chài Phù Nam
Sài Gòn trước lúc người Việt quản trị không phải là vùng đất chỉ do một sắc dân khai phá. Quanh cột mốc thế kỷ thứ nhất, đất đai khu vực này thuộc vào lãnh thổ của Vương quốc Phù Nam – một vương quốc rộng lớn, trải dài khắp Đông Nam Á.
Theo các khám phá khảo cổ, trên địa bàn TP HCM ngày nay, đã hiện diện nhóm cư dân cổ xưa nhất sinh sống ở vùng cửa biển Cần Giờ và một số gò đất cao trong sâu ở rải rác ven bờ sông Sài Gòn.
Các dấu tích khảo cổ cho thấy người Sài Gòn bản địa thời đó không ở biệt lập mà di chuyển trên sông nước và giao lưu với nhiều cư dân ở các miền đất kế cận. Đó là ngư dân và thương nhân người Chăm từ vùng Bình Thuận xuống, người Đông Nam Á đa đảo từ khu vực biển Đông sang và người Hoa từ xa đến. Như vậy, tiền thân của Sài Gòn là những làng chài và phần nào đấy một cảng thị sơ khai, giống như điểm xuất phát của đô thị Singapore hay Jakarta láng giềng.
Sinh nhật thứ hai – khoảng thế kỷ thứ bảy: Cảng Thị Prei Nokor
Sang thế kỷ thứ 7, vì nhiều lý do Vương quốc Phù Nam tan rã, chuyển hóa thành nhiều vương quốc mới. Trong đó, Vương quốc Chân Lạp, ra đời ở Tây Bắc Campuchia ngày nay, tràn xuống phía Nam, chiếm lĩnh miền đất bây giờ là Nam Bộ. Từ đó, qua nhiều thế kỷ người Chân Lạp và người bản xứ, dần dần vun đắp khu vực làng chài và đất đai men theo cửa biển và sông rạch, tạo thành Cảng thị mang tên Prei Nokor (có nghĩa là cung điện trong rừng).
Cảng thị ấy bao gồm hai tụ điểm chính yếu là các giồng đất cao dọc theo sông nước mà người Việt sau đó gọi là Bến Nghé (khu vực khoảng từ đầu rạch Thị Nghè đến kênh Tàu Hũ) và Phú Lâm (khu vực quận 5 và quận 6).

Ảnh: LIFE
Tàu thuyền các nước châu Á và xa hơn từ biển vào qua lại giao thương với Vương quốc Chân Lạp – đặt thủ đô ở Udong ( gần Phnôm Pênh ngày nay) đều qua cửa ngõ Prei Nokor - đi đường sông từ Cần Giờ vào, rồi ngược lên vùng thượng lưu bằng các sông rạch. Tuy vậy, thuở đó xung quanh Prei Nokor và ngay cả trên địa bàn đô thị nhỏ này vẫn là đất hoang bạt ngàn, dân cư thưa thớt, sông nước mênh mang, cá sấu và thú rừng dày đặc.
Sinh nhật lần thứ ba – thế kỷ 17: Huyện Tân Bình
Vào thế kỷ 16, chính quyền Đàng Trong trên đà Nam Tiến, sau khi chinh phục các vùng đất cuối của Vương quốc Chămpa, bắt đầu tiếp cận miền đất mới từ Bình Thuận đổ xuống. Một cách khôn khéo, chúa Nguyễn nhanh chóng thiết lập bang giao với vua Chân Lạp, tạo dựng quan hệ đồng minh.
Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp. Ba năm sau, vua Chân Lạp thuận cho quân binh của "sui gia" đến lập các trạm thu thuế giao thương ở Prei Nokor và dinh điền ở Bà Rịa.
Theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, vào tháng 4-1674, vương quốc Chân Lạp có chính biến, vì thế mối bang giao và quyền lợi của người Việt ở Chân Lạp bị đe dọa. Cho nên, chính quyền Đàng Trong đã gởi hai đạo quân tiến công vào Chân Lạp. Trong đó, có trận đánh vào Sài Côn, chọc thủng phòng tuyến ngăn sông bằng bè sắt. Đây là lần đầu tiên tên Sài Gòn ghi chép trong chữ Hán, phiên âm thành Sài Côn, xuất hiện trong sử Việt.
Kế đến, năm 1698, chính quyền Đàng Trong đã tiến bước xa hơn, khi chính thức sáp nhập miền đất tiếp giáp từ Bình Thuận đến vùng đất xung quanh sông Tiền vào lãnh thổ Việt Nam. Đó là thời điểm khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đưa đại quân và quan chức vào Nam. Chúa Nguyễn đặt tên chung miền đất mới là Phủ Gia Định.
Thủ phủ của lãnh thổ tân lập đặt ở Sài Gòn – vốn là cái tên dân gian, nay mang tên chính thức là huyện Tân Bình. Kể từ đấy, một thế hệ di dân người Việt được Chúa Nguyễn huy động, ồ ạt đổ vào xứ sở phương Nam. Người dân mang theo cả dòng tộc và xóm làng, chủ yếu là người Thuận Quảng (Huế và Quảng Nam ).

Phố Lương Nhữ Học (quận 5, TP HCM) - Ảnh: Hoàng Triều
Về sau, theo các luồng di dân hay các cuộc chinh chiến, cộng đồng dân cư huyện Tân Bình nói riêng và Phủ Gia Định nói chung, có thêm cả dân lẫn lính, đến từ Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Bên cạnh người Việt, trước đấy người Hoa tỵ nạn - gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông vào khai phá Mỹ Tho và Biên Hòa, cũng đã nảy nở và lan rộng ở huyện Tân Bình làm nên một khu phố thương mại, sau này được dân gọi là Chợ Lớn.
Sinh nhật lần thứ tư – thế kỷ 18: Gia Định Kinh
Cuộc chiến Tây Sơn – Chúa Nguyễn khởi đầu năm 1771, từ miền Trung lan vào Phủ Gia Định năm 1776. Sau nhiều lần giành giật khốc liệt, từ năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm lại và giữ được trọn vẹn Huyện Tân Bình và Phủ Gia Định.
Hai năm sau, vào 1790, Huyện Tân Bình được nâng cấp trở thành Gia Định Kinh - kinh đô của phần lãnh thổ Đàng Trong do Nguyễn Ánh lãnh đạo. Với mục tiêu tạo dựng đại bản doanh và căn cứ hậu cần vững mạnh trong cuộc chiến với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã thiết kế Gia Định Kinh là một cơ sở quốc phòng lớn, đồng thời là một thành phố kiểu mới theo kinh nghiệm tham khảo từ châu Âu.
Trung tâm thành phố là một tòa thành lớn (Thành Quy), có hai mặt tiếp giáp sông rạch. Chung quanh tòa thành là ruộng đồng xóm làng, đã được chia ô, có một số phân khu chức năng nhất định. Nhiều con đường lớn được định hình thẳng tắp và giao nhau vuông vức.
Chợ Lớn là khu phố thương mại lớn nhất của cả người Hoa và người Việt, được quy hoạch cách biệt với Bến Nghé nhưng vẫn có đường giao thông liền lạc trên thủy và bộ với khu vực có tòa thành và cảng hướng ra biển. Cửa biển Cần Giờ và bán đảo Thủ Thiêm được giữ làm lá chắn quốc phòng, trên đấy thiết lập các pháo đài và cơ sở thủy quân.
Tất cả dân cư đa sắc tộc của Sài Gòn tụ họp trong hơn 40 xóm làng và các phố thị ven sông và kênh rạch. Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, dân cư Sài Gòn là một cộng đồng hòa trộn đa xứ mới lạ và độc đáo mà các tỉnh thành khác không có được. Cộng đồng ấy bao gồm người Việt là chính, có đủ gốc gác Bắc – Trung - Nam. Kế đó là người Khmer, người Minh Hương nhập cư lâu đời và người Hoa mới đến. Ngoài ra, còn một ít người Chăm, người Lào và người miền núi Đồng Nai Thượng nguyên gốc là tù binh hoặc di dân.
Từ lúc Tây Sơn hùng cứ miền Trung, Sài Gòn bắt đầu thay thế Hội An trở thành nơi buôn bán và liên lạc quốc tế cho cả phương Nam. Theo Gia Định Thành Thông Chí, người Sài Gòn nổi tiếng giỏi việc sông nước, biết nhiều thứ tiếng và giao thiệp rộng rãi!
Từ thuở ấy, cộng đồng cư dân Sài Gòn đã quen tiếp xúc và giao lưu nhiều với người dân và văn hóa của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Dương, Xiêm La, Mã Lai Á…. và đặc biệt là người phương Tây đến từ Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ.
Sau khi thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài vào năm 1802, nhà Nguyễn lại dời kinh đô từ Gia Định ra Huế. Kế hoạch phát triển Gia Định Kinh như một trung tâm chính trị - kinh tế bậc nhất đã khép lại. Từ khi, nhà Nguyễn trở lại thể chế phong kiến biệt lập cũ kỹ, Sài Gòn trở thành một tỉnh thành bình thường.
Sinh nhật lần thứ Năm, 1865: Thành phố Sài Gòn hiện đại
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha hạ thành Gia Định vào tháng 2-1859. Vào năm 1862, nhà Nguyễn chính thức ký hiệp ước cắt Gia Định và 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Từ năm 1865, người Pháp đổi Gia Định thành thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn. Hai thành phố cùng phát triển song hành, liên kết và tương hỗ cho nhau trong một quy hoạch chung.
Đến thập niên 1930, cả hai thành phố được sáp nhập trở lại thành Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Và rồi, hai thập niên sau, gọi chung là Đô thành Sài Gòn. Dù là "hai trong một" hay "một cộng một", Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 đã là đô thị đầu tiên của Việt Nam được tái kiến tạo nhiều mặt theo hướng công nghiệp và hiện đại.
Tòa thành cũ bị phá bỏ, nhiều kênh rạch được lấp thay thế bằng các đại lộ và những con đường được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Cây xanh và công viên được chú ý phát triển làm nên vẻ đẹp riêng của thành phố. Từ năm 1860, chính quyền Pháp thành lập Thương cảng Sài Gòn tân kỳ, bao gồm một hệ thống các cầu cảng, nhà kho, cột tín hiệu, xưởng sửa chửa tàu thuyền, văn phòng bảo hiểm hàng hóa và ngân hàng… Đáng chú ý, ngay từ đầu, Thương Cảng Sài Gòn đã áp dụng quy chế Free Trade Port - không thu thuế nhập khẩu, tương tự như ở Singapore và Hồng Kông cùng thời điểm.
Bên cạnh thương mại và hàng hải, các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu đã được chú trọng phát triển ở thành phố mới. Trong đó, khu vực dọc kênh Bến Nghé và Chợ Lớn cùng các vùng tiếp giáp, trở thành khu công nghiệp đầu tiên "không hàng rào".
Tại đấy, mọc lên một loạt nhà máy xay lúa, sơ chế nông sản, thuộc da, thủy tinh, dệt, cưa gỗ. Vào năm 1869, Sài Gòn có nhà máy xay lúa đầu tiên chạy bằng máy hơi nước với công suất lớn. Khu sản xuất và thương mại Chợ Lớn khai thác các thuận lợi sẵn có về nguồn nguyên liệu, đường giao thông thủy bộ, lao động người Hoa và người Việt.
Chợ Lớn cũng là nơi liên kết nguồn lực của tư bản Hoa Kiều ở Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Trong khi ấy, Thủy Xưởng của nhà Nguyễn ở khu vực rạch Thị Nghè được đầu tư lớn, trở thành Nhà máy Ba Son, trực thuộc hải quân Pháp. Từ Sài Gòn đã khai sinh đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực cho Việt Nam.
Sài Gòn có thêm những tiện nghi đô thị chưa từng có như nhà bưu điện (1861), nhà máy nước (1878), hệ thống điện thoại (1893) và nhà máy điện (1897). Kế đến, rất mới lạ trong sinh hoạt thị dân là các tiệm cà phê (1860), báo in tiếng Pháp (1861) và tiếng Việt (1865 ), nhà in (1862), thảo cầm viên (1864), nhiếp ảnh (1866). Hoặc các phương tiện " tân thời" như bệnh viện công (1870), viện dịch tễ (1891), xổ số (1892), nhà hát lớn (1900), xe hơi (1905), taxi (1910), máy hát dĩa (1925), thương xá (1925), cư xá cao tầng (1930) và đài phát thanh (1931).
Về giao thông công cộng, thành phố sớm có đường xe trạm nội thị (1881), đường xe lửa liên tĩnh (1885), xe đò – xe hơi chở khách đường xa (1885), tàu thủy chở khách các tỉnh (1872), tàu biển dân dụng quốc tế (thập niên 1860- 1870), taxi (khoảng 1910 ). Về giải quyết tranh chấp, từ năm 1864, Sài Gòn đã có Tòa án dành cho người Pháp, đến 1877 có Tòa án chung cho tất cả cư dân.

Ảnh tư liệu
Không chỉ với cảng biển, từ rất sớm, Sài Gòn liên thông với cả nước và thế giới thông qua cáp viễn thông truyền dưới biển đi châu Âu, Bắc Á và Mỹ (1870). Sau đấy, thành phố có sân bay Tân Sơn Nhất (1919) và hai đường bay đầu tiên đi Pháp và Indonesia vào năm 1933.
Từ năm 1921, Sài Gòn có đài phát sóng vô tuyến điện và từ năm 1930, đã có dịch vụ điện thoại trực tiếp với Pháp. Qua cửa ngõ Sài Gòn, các luồng hàng hóa, thông tin và ngay cả con người từ cả Đông Dương và "năm châu bốn biển", đến và đi tấp nập.
Về giáo dục, từ năm 1864, các trường tiểu học công lập được hình thành, khởi sự dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Hội đồng học chính với sự tham dự của các trí thức tiêu biểu được thành lập năm 1874 để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Sau đấy, ra đời Sở Học chính vào năm 1879 để điều hành giáo dục. Trên đất Sài Gòn, chính quyền Pháp còn mở các trường đào tạo chuyên viên cho cả Nam Kỳ như trường Sư phạm (1866), trường Nông nghiệp thực hành (1889) trường Cơ khí và Hàng hải (1906) và trường Thương mại (1920)
Như vậy, từ nửa cuối thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20, Sài Gòn không chỉ du nhập nhiều công nghệ, phát minh mới ra đời của thế giới mà còn tiếp nhận các thiết chế hành chính và giáo dục tiên tiến. Không những thế, người Sài Gòn được làm quen và chủ động học hỏi các cách làm ăn mới, mô hình và phương thức kinh doanh của các nước công nghiệp hóa. Thêm nữa, Sài Gòn bắt đầu tiếp nhận các dòng vốn đầu tư của thế giới không chỉ từ Pháp mà còn từ Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản và Hoa kiều Đông Nam Á.

Tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp năm 1910. Ảnh: Tam Thái
Vào nửa đầu đầu thế kỷ 20, tên Sài Gòn xuất hiện trên bản đồ thế giới như một điểm đến, một mắt xích không thể thiếu về hàng hải, hàng không, kho vận và ngay cả quốc phòng.
Sinh nhật lần thứ Sáu, 1954: Đô Thành Sài Gòn
Lịch sử sang trang. Vào năm 1954, người Pháp rút đi, Việt Nam tạm thời bị chia cắt. Từ đấy chính quyền người Việt thực sự lấy lại đầy đủ quyền quản trị Sài Gòn. Cũng từ đấy trong 21 năm liên tiếp, Sài Gòn phát triển hoàn toàn trong thể chế tư bản của một tân quốc gia -" Việt Nam Cộng hòa". Mặt khác, Sài Gòn trở thành thủ đô của một nước liên kết chặt chẽ với Mỹ và thế giới phương Tây.
Cơ sở hạ tầng và trình độ quản trị thành phố được mở rộng, không thua kém các đô thị mới trỗi dậy ở châu Á sau chiến tranh. Trong đó, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, cầu Sài Gòn được xây dựng mới cùng với sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn được nâng cấp là những công trình và cột mốc lớn thể hiện tầm vóc lớn lao của một trung tâm kinh tế lớn ở Đông Nam Á.
Ngoài Chợ Lớn tiếp tục vai trò đầu mối giao thương và tiểu thủ công nghiệp, Sài Gòn có thêm hàng loạt nhà máy dệt, da giày, hóa chất, dược phẩm, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng ở các quận ven và các tĩnh ngoại vi. Kinh tế tư nhân phổ biến ở tất cả các lĩnh vực, một phần lớn nắm giữ bởi người Hoa - từ sau 1956 đã phải nhập tịch Việt.
Khu vực dịch vụ của Sài Gòn, bao gồm tài chính-ngân hàng, xuất nhập cảng, du lịch, hàng không, hàng hải, giao thông đường bộ và kể cả báo chí, xuất bản, phim ảnh… đều có bước phát triển nhảy vọt.
Máy viễn ấn-telex được sử dụng ở các doanh nghiệp lớn. Máy tính điện tử cũng đã có mặt ở các công sở tài chính, thống kê và điện nước vào đầu thập niên 1970. Nền giáo dục của Sài Gòn và miền Nam theo lối mới phù hợp với một quốc gia độc lập và đang đẩy mạnh canh tân đã có những đổi thay căn bản và tiến bộ. Từ năm 1957, chương trình giáo dục thực hiện phương châm giáo dục "Nhân bản - Dân tộc- Khai phóng" được vận hành ở các trường đại học, phổ thông và dạy nghề ở cả hai thống công lập và và tư thục.
Tuy nhiên, sự phát triển vũ bão của Sài Gòn trong 21 năm, dưới thể chế độc lập và kinh tế thị trường, không chỉ có màu hồng. Nhiều trở lực và xáo trộn do các biến động chính trị và chiến tranh liên tiếp đặt ra nhiều thử thách cho xã hội và chính quyền. Từ 1965 -1972, chiến cuộc gia tăng cùng với sự "đổ bộ" khổng lồ của đội quân Mỹ và đồng minh, đã tác động rất lớn trên nhiều mặt của đời sống Sài Gòn.
Dân cư "chạy loạn" từ nhiều tỉnh thành miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đổ dồn về thủ đô. Tình hình di dân không thể kiểm soát này dẫn đến việc mọc lên nhiều "khu ổ chuột", nằm cặp theo kinh rạch và các vùng đất trống. Dân số Sài Gòn tăng vọt gấp đôi từ hai lên hơn bốn triệu người. Quy hoạch thành phố bị phá hỏng hoặc không thực hiện được.

Kênh rạch ở Sài Gòn tràn ngập nhà ổ chuột trước năm 1975. Ảnh: Life
21 năm ngắn ngủi, chỉ là một chớp mắt, song Sài Gòn đã có những bước tiến vạn dặm, tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo kiểu phương Tây (1865-1975). Trong lịch sử Việt Nam, suốt thời gian đó, Sài Gòn là thành phố có quy mô lớn nhất, có kinh nghiệm quản lý hiện đại sớm nhất và nhiều nhất. Đồng thời đây cũng là đô thị có bang giao quốc tế rộng rãi nhất. Chính sức sống bản địa mạnh mẽ và các yếu tố hội nhập quốc tế đa dạng ấy đã trở thành nội lực vững bền, giữ cho thành phố này sống còn trước những biến động khắc nghiệt cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Sinh nhật lần thứ Bảy - 1975: TP HCM
Sau tháng 4-1975, cuộc chiến dai dẳng khép lại, Nam Bắc từ nay chung một mái nhà. Sài Gòn với tên gọi mới là TP HCM có địa giới hành chính rộng rãi hơn, bao gồm đô thành Sài Gòn – Chợ lớn và cả tỉnh Gia Định cũ, đồng thời sáp nhập thêm Cần Giờ (lúc ấy thuộc Biên Hòa - Đồng Nai).
Thành phố mới nhưng chính là cương vực cũ, cùng với miền Nam đã trải qua thời kỳ bươn chải với rất nhiều khó khăn to lớn. Cơ sở vật chất của thành phố xuống cấp nghiêm trọng. Các nguồn lực sản xuất và kinh doanh đều đình đốn. Văn hóa - giáo dục – y tế đi xuống. Lòng người ly tán và xáo trộn. Lề lối quản trị sai lầm không những làm cho tài sản vật chất dồi dào mà ngay cả nguồn nhân lực đa xứ và thế mạnh liên thông thế giới của "Hòn Ngọc Viễn Đông" bị tan biến hoặc thất thoát lớn.
Thời kỳ Đổi Mới bắt đầu từ năm 1985, đã sửa chữa dần các sai lầm trong quản lý và khơi dậy sức sống của thành phố và cả nước. Thêm nữa, từ năm 1995, sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, cả nước thoát khỏi tình thế bao vây và cấm vận. Nhờ đấy, thành phố tiến nhanh vào thời kỳ tăng tốc phục hưng mạnh mẽ.

Chợ Bến Thành Tết Quý Mão năm 2023 - Ảnh: Hoàng Triều
Với lợi thế sẵn có về thị trường, cơ sở hạ tầng, con người lãnh đạo, doanh nhân và lực lượng lao động, TP HCM đã thu hút và hội tụ trước nhất và nhiều nhất đầu tư trong và ngoài nước. Đô thị lớn nhất Việt Nam này vừa là cửa ngõ hàng đầu, vừa là trung tâm tiên phong tạo ra và lan tỏa sức sống mới của làm ăn và hội nhập quốc tế cho cả nước.
Lực lượng kinh tế và cộng đồng dân cư gia tăng ào ạt. Thành phố giống như cục nam châm khổng lồ, đã và đang tiếp tục hút người từ khắp chốn đến. Cộng đồng cư dân hiện tại lên đến hơn 10 triệu người, có đủ công dân của 63 tỉnh thành. Thêm nữa, trong cộng đồng này, đã bùng nổ một con số lớn kiều dân chưa từng thấy!
Đó là hơn 100.000 người Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Philipines, Malaysia và nhiều quốc tịch khác. Ngoài ra, TP HCM còn có không ít Việt kiều, từ nhiều châu lục, thường xuyên qua lại và nối kết, làm ăn và sinh sống như người sở tại.
********

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 - Ảnh: Hoàng Triều
Nhìn lại dòng lịch sử kiến tạo thành phố, từ thuở mới khai phá đến thời kỳ thuộc địa, và từ hai cuộc chiến giành độc lập và thống nhất, cho đến thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta nhận ra TP HCM đã và đang tạo lập nhiều giá trị lớn lao và hữu ích cho đất nước và dân tộc.
Đến nay, sau bao thăng trầm của thời cuộc, cộng đồng dân cư đã hòa trộn cái chất liều lĩnh, dấn thân của những thế hệ khai phá giang san mới với cái chất lịch lãm và anh tài của một đô thị công nghiệp văn minh. Thành phố này sẽ còn đóng góp lớn lao hơn nữa cho một nước Việt Nam thống nhất văn minh và tiên tiến trong các thế kỷ sau, nếu có cơ chế quản lý rộng mở, phù hợp và mạnh mẽ hơn nữa trong thế kỷ 21.