Dự báo “nóng”: Các “gã khổng lồ” tìm đường đến Việt Nam
(NLĐO) - Việt Nam không phải là nơi duy nhất được các công ty đa quốc gia tìm đến trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng nhưng có lẽ là một trong những quốc gia thành công nhất. Lợi thế nào giúp Việt Nam ghi điểm khi thu hút dòng vốn ngoại?
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung... đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định Việt Nam có những điểm nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, nhất là Indonesia và Philippines.

Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam. Ảnh: Samsung
Vào tầm ngắm của các "gã khổng lồ"
Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với kênh Al Jazeera rằng nhiều công ty công nghệ đã phải "chịu đựng" chiến tranh thương mại, chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc và sau đó là gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19. Các "gã khổng lồ" phải tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất tại những quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ và môi trường chính trị ổn định. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một cái tên thu hút sự chú ý của nhiều Big Tech.
Cũng theo ông Greg Poling, Việt Nam không phải là nơi duy nhất lọt vào tầm ngắm của các công ty đa quốc gia nhưng có lẽ là quốc gia thành công nhất về phương diện này.

Việt Nam trở thành nước có vị trí quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Ảnh: Florence Lo
Theo Công ty Tài chính JPMorgan Chase (Mỹ), ước tính sẽ có khoảng 65% số lượng AirPods - dòng sản phẩm tai nghe không dây - được sản xuất tại Việt Nam vào năm 2025. Google cũng dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh Pixel tại Việt Nam từ năm 2023 trong khi Samsung có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn vào mùa hè năm sau tại một nhà máy lớn ở tỉnh Thái Nguyên.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Raphael Mok, Công ty Tư vấn Fitch Solutions (Mỹ), nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Ông Daniel Müller, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương, nói với hãng truyền thông DW rằng Việt Nam "luôn là tâm điểm chú ý" của các công ty Đức. Chính sách kinh tế mở của Việt Nam trong những năm gần đây trong bối cảnh hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo nên thành công về tăng trưởng.
Bà Kate Brown, Thống đốc Bang Oregon - Mỹ, thông tin Nike sử dụng hơn 300.000 lao động tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu đế khí và các vật liệu làm giày khác từ các cơ sở ở Oregon đến Việt Nam. Columbia Sportswear, Adidas cũng là 2 công ty có những cơ sở sản xuất quan trọng tại Việt Nam. “Khi các công ty may mặc và công nghệ có nguồn gốc sâu xa từ Oregon mở rộng hoạt động ở Việt Nam, mối quan hệ thương mại 2 bên sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới” - bà Kate Brown dự báo.
Thống đốc Bang Oregon - bà Kate Brown - đánh giá với nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Oregon. Trong đó, phần lớn nhờ vào những khoản đầu tư đáng kể mà Intel và Nike đã thực hiện tại đây.
Việt Nam có lợi thế cụ thể nào?
* Chi phí nhân công thấp: Trong năm 2020, chi phí lao động sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với Trung Quốc.
* Các cải cách hành chính: Ví dụ, việc nâng cao hiệu quả khai báo thuế được triển khai tốt.
* Thuế suất tổng thể giảm 2%: Trong đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm - sắc thuế quan trọng nhất đối với các ông lớn công nghệ cao đa quốc gia.
Không chỉ nhờ dịch COVID-19
Bà Antonella Teodoro, cố vấn cấp cao của Công ty Tư vấn MDS Transmodal (Anh), nhìn nhận cách tiếp cận "Zero COVID-19" của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khiến các nhà sản xuất phải tìm địa điểm thay thế cho nơi vốn được mệnh danh là "công xưởng thế giới". "Qua khảo sát kỹ các nhóm hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy nước này đang tiếp tục mất thị phần. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia có tầm quan trọng trên trường quốc tế" - bà Teodoro so sánh.
Theo bà Teodoro, vị trí địa lý gần Trung Quốc và lao động giá rẻ là lợi thế để Việt Nam được xem là một lựa chọn thay thế phù hợp. Sự cạnh tranh đã bắt đầu nóng lên từ những năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Một nhà máy ở TP Đức Châu, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo đài CNBC, Trung Quốc đã phải chia sẻ thị phần thương mại, sản xuất với Việt Nam khi hoạt động thương mại đường dài của Việt Nam tăng trưởng gần 360% kể từ năm 2014. Đây là thời điểm Việt Nam bắt đầu đầu đầu tư mạnh vào lĩnh vực hàng hải và sản xuất. Ngoài Việt Nam, Malaysia và Bangladesh cũng đang giành thị phần sản xuất hàng may mặc của nền kinh tế số 2 thế giới, theo Công ty Tư vấn MDS Transmodal.
Ông Akhil Nair, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách sản phẩm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của SEKO Logistics, nhận định ngay từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra năm 2018, một cuộc tìm kiếm địa điểm sản xuất mới thay thế Trung Quốc đã bắt đầu. Xu hướng này ban đầu chỉ giới hạn trong lĩnh vực thời trang và giày dép. Sau đó, tác động kép của việc Trung Quốc phong tỏa để phòng dịch COVID-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến xu hướng này rõ ràng hơn.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc ngày 15-11. Ảnh: REUTERS
SEKO Logistics ghi nhận sự gia tăng hoạt động thương mại trong khu vực châu Á đối với dòng chảy nguyên liệu thô cùng hoạt động xuất khẩu hàng hóa thành phẩm từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. "Dù các đợt phong tỏa gần đây của Trung Quốc không ảnh hưởng đến vận tải biển hay các cảng biển nhưng rõ ràng vẫn ảnh hưởng đến phần khác của chuỗi cung ứng, như vận tải đường bộ, kho hàng và bãi container" - ông Nair nói.
Dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa Project44 cho thấy tổng công suất container rời các cảng của Trung Quốc đã giảm đáng kể từ khi các đợt phong tỏa phòng dịch được áp dụng vào đầu năm 2021. Nền tảng theo dõi đơn đặt hàng FreightWaves SONAR cũng ghi nhận số lượng đơn hàng container qua các hãng vận tải biển Trung Quốc tiếp tục giảm. Nhiều công ty vận tải dự báo số lượng đơn hàng từ nền kinh tế số 2 thế giới sang Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - sẽ giảm khoảng 40%-50% trong tháng 11-2022.

Tổng công suất container rời các cảng của Trung Quốc đã giảm kể từ khi các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19 được áp dụng vào đầu năm 2021. Ảnh: REUTERS
Điểm sáng sản xuất điện tử
Bà Suiwah Leung, Phó Giáo sư Kinh tế danh dự tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Trường ĐH Quốc gia Úc, nhận định Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong lĩnh vực sản xuất điện tử.
Tháng 6-2022, Apple thông báo sẽ chuyển hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đó, hãng Xiaomi của Trung Quốc cũng chuyển sản xuất một số thiết bị sang Việt Nam nhờ khoản đầu tư từ DBG Technology - công ty con của DBG Electronics Investment Limited ở Hồng Kông (Trung Quốc).

Đế chế công nghệ Samsung đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: REUTERS
Samsung cũng đầu tư vào một nhà máy sản xuất trị giá 670 triệu USD ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2014, nâng tổng vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam lên 17 tỉ USD.
Trước đó, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã mở một cơ sở lắp ráp và kiểm tra chất bán dẫn trị giá 1 tỉ USD tại TP HCM vào năm 2006. Đến năm 2020, công ty này mở rộng đầu tư, nâng tổng vốn lên 1,5 tỉ USD.
Triển vọng thành cường quốc về sản xuất ở châu Á
Ông Albert Tan, Phó Giáo sư tại Học viện Quản lý châu Á ở Manila - Philippines, chỉ rõ chi phí sản xuất ở nhiều nước hiện quá đắt đỏ và nhiều nhà máy đang chuyển đến Việt Nam. Theo ông, với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành cường quốc tiếp theo ở châu Á về sản xuất.
Ông Greg Poling nhận xét Việt Nam có những điểm nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Philippines thông qua các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và ổn định chính trị.
Thống đốc Bang Oregon - bà Kate Brown - cho hay kể từ khi Intel mở nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của hãng ở Việt Nam vào năm 2010, xuất khẩu máy tính và đồ điện tử từ Oregon đã tăng đáng kể. Năm 2021, các mặt hàng này chiếm 80% thương mại của bang với Việt Nam.
Giai đoạn 2010-2020, xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện từ Việt Nam tăng trưởng trung bình 28,6%/năm. Thành quả này chủ yếu nhờ vào những cải cách hiệu quả về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam với Luật Đầu tư năm 2000 và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Bên cạnh đó là nỗ lực giảm đáng kể chi phí kinh doanh tại các thành phố của Việt Nam vào giữa những năm 2000.
Khả năng cạnh tranh tốt ở lĩnh vực linh kiện và phụ tùng đã giúp Việt Nam từng bước tăng từ vị trí 47 vào năm 2001 lên vị trí thứ 10 hồi năm 2020 về xuất khẩu hàng điện tử, với giá trị xuất khẩu chiếm 1,8% tổng giá trị xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu. Quan trọng là tốc độ tăng trưởng nhanh này có bền vững và Việt Nam có thể củng cố vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực điện tử hay không?
Đón dòng vốn phục hồi vào năm 2023
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 22,46 tỉ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký giảm nhưng vốn thực hiện ước đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo chiến lược kinh tế vĩ mô 10 tháng, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng sự sụt giảm vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam sẽ không kéo dài lâu và dự kiến phục hồi từ năm 2023.
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2022 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ 3 lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác là chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường. Việt Nam đang nỗ lực đón đầu xu thế lớn về chuyển đổi số để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển; chủ động, tích cực tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
"Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm đến đáng tin cậy của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực đảm bảo chuỗi "cung ứng sạch và ổn định" ở một thế giới nhiều biến động" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.