Dự báo “nóng”: "Căng đầu" tìm nguyên nhân tăng - giảm cổ phiếu “vua” ngân hàng

(NLĐO) - Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 được dự báo có sự phân hóa mạnh trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nợ xấu tăng nhanh và doanh nghiệp còn khó khăn.

Trên thị trường chứng khoán, mặc dù kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, có tới 20/21 nhóm ngành tăng điểm nhưng thiếu vắng sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng (NH), còn gọi là cổ phiếu "vua".

Sụt giảm lợi nhuận và giấu thông tin

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tính đến ngày 14-7, chưa NH thương mại nào công bố báo cáo tài chính quý II/2023, chỉ một vài NH bắt đầu công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2023.

NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã LPB) là NH đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023 với con số khá bất ngờ. 

Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý II của LPBank đạt 880 tỉ đồng, nâng mức lũy kế lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm lên mức 2.446 tỉ đồng. Đáng chú ý, dù NH này hoàn thành 41% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận sụt giảm tới 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do bởi năm nay, LPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn là 11% so với năm ngoái, tức dự kiến khoảng 6.000 tỉ đồng.

Dự báo “nóng”: Căng đầu tìm nguyên nhân tăng - giảm cổ phiếu “vua” ngân hàng  - Ảnh 1.

NH TMCP Bưu điện Liên Việt hoàn thành 41% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận sụt giảm 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái

Đại diện LPBank cho biết hoạt động kinh doanh của NH nửa đầu năm 2023 chịu ảnh hưởng chung từ những khó khăn của ngành và nền kinh tế nói chung. Bối cảnh các NH trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cùng tình trạng đóng băng bất động sản đã tác động tiêu cực đến hệ thống NH trong nước.

Ở khối NH thương mại nhà nước, "ông lớn" đầu tiên tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 là NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), nhưng không nhắc đến... lợi nhuận. Theo thông tin từ hội nghị, tính đến ngày 30-6, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,9 triệu tỉ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỉ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỉ đồng. Trong giai đoạn này, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng và 14 lần giảm lãi suất huy động.

Dù hầu hết NH chưa công bố kết quả kinh doanh và lợi nhuận nửa đầu năm 2023 song số liệu ước tính của một số công ty chứng khoán về ngành NH mới đây đã hé lộ sự phân hóa mạnh mẽ. Gam màu chung trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng được dự báo không mấy sáng sủa.

Hai mảng sáng - tối của bức tranh

Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh của 32 doanh nghiệp, NH niêm yết trong phạm vi nghiên cứu. Trong đó, 16 đơn vị dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II/2023 và một nửa còn lại sụt giảm lợi nhuận. Đáng chú ý, trong những đơn vị ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm, có khá nhiều cái tên NH thương mại.

Cụ thể, nhóm tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II gọi tên các NH thương mại nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank. Ngoài ra còn có NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), NH TMCP Quân đội (MB Bank)... Dù vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận không quá cao so với cùng kỳ hoặc chỉ đi ngang.

Dự báo “nóng”: Căng đầu tìm nguyên nhân tăng - giảm cổ phiếu “vua” ngân hàng  - Ảnh 2.

NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) được dự đoán tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II/2023

Chẳng hạn, SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của BIDV tính đến cuối tháng 6-2023 so với đầu năm lần lượt là 6,9% và 4,5%. Biên lãi ròng (NIM) nửa đầu năm đi ngang so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ. Dự báo lợi nhuận trước thuế 2 quý đầu năm nay đạt khoảng 7.000 tỉ đồng và chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, theo ước tính của SSI Research, VietinBank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 khoảng 6.200 - 6.500 tỉ đồng, tăng 7%-13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận này có được là nhờ vào tăng trưởng tín dụng khoảng 6,6%, cao hơn mặt bằng chung của ngành NH.

MB Bank được dự đoán sẽ tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II, đạt khoảng 6.000 tỉ đồng nhưng chỉ đi ngang so với cùng kỳ. NH này cũng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp lần đầu trong tháng 6-2023.

Ở mảng màu ngược lại, không ít NH có thể ghi nhận lợi nhuận âm trong quý II. Đơn cử, NH TMCP Á Châu (ACB) được cho rằng sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.400 - 4.700 tỉ đồng trong quý này, giảm 4%-10% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, ACB vẫn có thể hoàn thành 48%-50% kế hoạch đại hội cổ đông đặt ra. Đây là NH có quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới nên chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm.

Chung tình cảnh với ACB là NH TMCP Tiên Phong (TPBank). TPBank có thể ghi nhận tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2023 đạt khoảng 7%, cao hơn mặt bằng chung của ngành nhưng chất lượng tài sản giảm tốc trong quý II. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt khoảng 1.600 - 1.700 tỉ đồng, giảm khá mạnh đến 21%-25% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành khoảng 40% kế hoạch đặt ra tại đại hội cổ đông.

Đi tìm nguyên nhân

Một trong những yếu tố khiến lợi nhuận trước thuế của nhiều NH sụt giảm mạnh trong quý II/2023 là do tín dụng tăng chậm trong khi nợ xấu tăng nhanh, áp lực trích lập dự phòng nhiều hơn.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết báo cáo chiến lược tháng 7-2023 của công ty với dữ liệu từ 25 NH niêm yết lớn nhất theo dư nợ cho vay cho thấy tỉ lệ nợ xấu của toàn ngành tăng từ mức 1,6% hồi cuối năm 2022 lên mức 1,9% vào cuối quý I/2023. Tổng dư nợ cho vay của 25 NH tăng 4,2% trong khi tổng nợ xấu tăng 25,2% so với đầu năm. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR, thước đo đánh giá khả năng phòng thủ của NH) toàn ngành giảm mạnh xuống 106% vào cuối quý đầu năm 2023, cách ra mức 124% vào cuối năm 2022 và 150% hồi cuối quý I/2022.

Mới đây, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 và Thông tư 03/2023 cho phép các NH được giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ gốc, lãi và mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), Thông tư 02/2023 giúp khách hàng gặp khó khăn được cơ cấu và không chuyển nhóm nợ, từ đó có thời gian và điều kiện để cải thiện dòng tiền khi nền kinh tế dần hồi phục. Về phía NH, trích lập nợ xấu được kéo dài đến năm 2024 giúp giảm gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Dự báo “nóng”: Căng đầu tìm nguyên nhân tăng - giảm cổ phiếu “vua” ngân hàng  - Ảnh 4.

Các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp với thực chất khoản vay, theo lộ trình 50% trong năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024

"Tuy nhiên, có NH sẽ lựa chọn trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ trong năm 2023. Bản chất nợ xấu vẫn tăng lên nên những NH trích lập toàn bộ trong năm nay sẽ giảm áp lực chi phí dự phòng về sau" - chuyên gia phân tích của CSI nói.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích: Tín dụng tăng thấp, nợ xấu gia tăng là một trong những thách thức của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2023, dù vẫn trong dự báo. Tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,58% so với cuối năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,44% của cùng kỳ năm 2022, cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu, dẫu rằng lãi suất cho vay đã giảm.

"Thông tư 02/2023 sẽ giúp tỉ lệ nợ xấu không bị tăng quá cao, qua đó bên vay có thể tiếp tục tiếp cận vốn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp với thực chất khoản vay, theo lộ trình 50% trong năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024. Điều này ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của NH nhưng không nhiều bởi các NH cũng đã chủ động tăng trích lập dự phòng trong 3 năm qua. Quan trọng là năng lực tài chính khá vững chắc, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát" - TS Cấn Văn Lực đánh giá.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn có triển vọng

Nếu so với đà tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 30% trong quý I/2023 của một số NH như ACB, BIDV, Kienlongbank, Sacombank... thì bức tranh quý II cho thấy phong độ toàn ngành đã phần nào sa sút.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một số NH thương mại bày tỏ sự lo lắng với thông tin không mấy tích cực về lợi nhuận trong quý II và nửa đầu năm. Tình hình này cũng được phản ánh rõ qua giá cổ phiếu của nhiều NH không có sự bứt phá mạnh dù thị trường ghi nhận hàng loạt cổ phiếu của các nhóm ngành khác từ chứng khoán, đầu tư công, bất động sản, dầu khí... bùng nổ.

VN-Index đang trong xu hướng đi lên khi vượt vùng 1.100 điểm đã giúp rất nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của hàng loạt nhóm ngành "về bờ", chỉ riêng nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu NH vẫn đang "gồng lỗ". Dẫu vậy, trong báo cáo chiến lược quý III/2023, các chuyên gia phân tích của CSI cho rằng Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nên ngành NH vẫn có triển vọng trong tương lai.

Giá trị cổ phiếu NH đã hồi phục mạnh mẽ từ đầu năm đến nay nhưng vẫn nằm ở vùng định giá hấp dẫn. Chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) và P/B (giá trị sổ sách của cổ phiếu) của ngành lần lượt đạt 8,91 lần và 1,56 lần, thấp hơn giai đoạn trước dịch COVID-19 và tương đương giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn năm 2014. Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay, hoạt động của hệ thống NH đã được cải thiện hơn rất nhiều.

Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược Khối khách hàng tổ chức - Công ty Chứng khoán Maybank, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng đáng kể trong nửa cuối năm nay, đặc biệt trong quý IV, nhờ một phần do cơ sở so sánh thấp của năm ngoái. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng chậm lại sang giai đoạn phục hồi ban đầu, những ngành mang tính chu kỳ như NH, bất động sản nhà ở, thép và logistics sẽ tiếp tục phục hồi vượt trội.

"Cổ phiếu của Vietcombank, MB, Techcombank, Sacombank... được dự báo có triển vọng nhờ tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu 10%-12% cho cả năm nay. Việc hạ lãi suất huy động sẽ giúp giảm chi phí vốn và cải thiện biên lãi ròng" - ông Hoàng Huy nhìn nhận.

Xem thêm:

img

Tin liên quan

Cổ phiếu ngân hàng tăng sốc

Thu nhập từ kênh bảo hiểm sụt giảm

Thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy thu nhập ngoài lãi của các NH trong quý I/2023 đạt khoảng 28.000 tỉ đồng, giảm mạnh 21,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do hoạt động bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng) và thu hồi nợ xấu đang trì trệ.

Hệ thống NH đã đạt được mức tăng trưởng thu nhập từ phí đáng kể từ hoạt động bancassurance trong giai đoạn 2020 - 2022 khi các công ty bảo hiểm đẩy mạnh bán hàng qua kênh NH. Tuy nhiên, thu nhập bancassurance của NH đã giảm vào năm 2023 do kinh tế suy yếu ảnh hưởng đến thu nhập người dân cũng như nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm giảm. Chưa kể, còn có sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý xung quanh hoạt động bancassurance.