Dự báo “nóng”: Cảnh báo từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ

(NLĐO) - Động thái can thiệp để cứu trợ một số ngân hàng rơi vào khủng hoảng ở Mỹ và Thuỵ Sĩ không những không giải quyết được những nguyên nhân hoặc rủi ro cơ bản mà còn có thể dẫn đến một số hệ lụy trong tương lai

Một trong những biện pháp được cơ quan quản lý tại Mỹ và Thụy Sĩ thực hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng vào đầu năm nay là tiến hành mua bán - sáp nhập. Theo đó, chính quyền 2 nước đã tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng mạnh hơn mua lại ngân hàng thua lỗ, như "gã khổng lồ" UBS mua lại đối thủ nhỏ hơn là Credit Suisse hay HSBC mua chi nhánh Ngân hàng Silicon Valley tại Anh. Những cuộc thâu tóm trên giúp ngăn chặn khủng hoảng niềm tin và sự lây lan trong hệ thống tài chính, đồng thời bảo vệ giá trị tài sản và nợ phải trả của những ngân hàng gặp khó khăn.

Đi ngược chính sách tiền tệ thắt chặt

Bên cạnh đó, các nhà chức trách Mỹ cũng hỗ trợ tài chính cho một số ngân hàng đang rơi vào tình cảnh chật vật nhằm khôi phục tính thanh khoản và khả năng thanh toán của những ngân hàng này. Chẳng hạn, Ngân hàng First Republic nhận được khoản cứu trợ trị giá 30 tỉ USD từ những tập đoàn ngân hàng lớn của Mỹ.

Dự báo “nóng”: Cảnh báo từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ - Ảnh 1.

Một chi nhánh của Silicon Valley Bank tại TP San Francisco - Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ngân hàng trung ương của một số quốc gia, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngân hàng trung ương châu Âu và Thụy Sĩ, đã phối hợp hành động với hàng loạt biện pháp gồm: cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các ngân hàng, hạ lãi suất, mở rộng các chương trình mua tài sản và đưa ra các tuyên bố trấn an. Những biện pháp này vừa hỗ trợ hệ thống ngân hàng giảm bớt áp lực huy động vốn và rủi ro thị trường trường vừa duy trì việc truyền tải chính sách tiền tệ một cách trôi chảy.

Có thể nói, những giải pháp nêu trên được đưa ra một cách rất nhanh chóng, kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng, ngăn ngừa sự lây lan trong hệ thống và xoa dịu tâm lý sợ hãi trên thị trường. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng có thể dẫn đến một số hệ lụy trong tương lai. 

Cụ thể, việc mua bán - sáp nhập ngân hàng sẽ tạo ra những tổ chức ngân hàng mạnh hơn, nắm nhiều thị phần hơn và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, động thái can thiệp của các ngân hàng trung ương có thể kéo theo những vấn đề như: rủi ro đạo đức tăng cao, tính độc lập của ngân hàng trung ương giảm sút và có thể đi ngược lại chính sách tiền tệ thắt chặt mà các ngân hàng đang áp dụng. Ngoài ra, những giải pháp này không những không giải quyết được nguyên nhân hoặc rủi ro cơ bản dẫn đến sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng mà còn có thể tạo ra áp lực lạm phát và áp lực ổn định thị trường tài chính.

Mỹ dễ tổn thương trước suy thoái

Những thất bại của hệ thống ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ gần đây đã dấy lên nỗi lo sợ trên thị trường tài chính quốc tế khi những lỗ hổng tài chính trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng vẫn còn đó. Điều này đẩy Mỹ vào nguy cơ suy thoái cao hơn và tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán.

Dự báo “nóng”: Cảnh báo từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ - Ảnh 2.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) khi màn hình phát sóng bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell hôm 22-3. Ảnh: REUTERS

Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley đã tạo ra những vấn đề về vốn và thanh khoản. Trong khi đó, giá trị tài sản trong danh mục đầu tư của các ngân hàng "bốc hơi" đáng kể do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Trong tương lai, các ngân hàng có thể thắt chặt điều kiện tín dụng hơn nữa và đương nhiên kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia hồi năm ngoái đã cảnh báo FED có nguy cơ thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức. Các ngân hàng trung ương theo đó cũng có thể mạnh tay tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát khiến kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái. Trong đó, cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng sẽ đặt Mỹ vào vị trí dễ bị tổn thương hơn trước suy thoái.

Hiện còn những rủi ro liên quan đến các khoản lỗ đáng kể chưa thực hiện tại các ngân hàng thương mại nhỏ hơn của Mỹ và căng thẳng tiềm ẩn trong hệ thống vẫn chưa được phát hiện.

Dữ liệu thống kê cho thấy có sự sụt giảm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng trong những tháng gần đây. Điều này kéo theo sự sụt giảm các hoạt động kinh tế, dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn và quay lại biện pháp thắt chặt điều kiện cho vay hơn nữa.

Không phủ nhận các giải pháp được Mỹ và Thuỵ Sĩ thực hiện đã giúp xoa dịu lo lắng trên thị trường tài chính, khôi phục niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng song cần đánh giá thêm tác động của  giải pháp này đến chính sách tài khóa, kỷ luật thị trường cũng như sự phù hợp của chúng trong việc giải quyết các nguyên nhân và rủi ro cơ bản của cuộc khủng hoảng ngân. 

Các báo cáo gần đây cho thấy tiền gửi tại các ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ đã ổn định. Có thể hy vọng cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ giảm bớt nhưng hiện còn quá sớm để kết luận rằng cuộc khủng hoảng này đã kết thúc.

Dự báo “nóng”: Cảnh báo từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ - Ảnh 4.

Một chi nhánh của Ngân hàng First Republic tại TP New York - Mỹ hôm 13-3. Ảnh: REUTERS

Việt Nam: Tác động có thể không lớn?

Nền kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng ngân hàng thông qua các kênh thương mại và tài chính. 

Là nước xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn sang Mỹ và châu Âu với khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam có thể bị giảm nguồn thu ngoại tệ dưới tác động của cuộc khủng hoảng do khả năng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là ngành dệt may, có thể sụt giảm. 

Ngoài ra, lượng kiều hối từ Mỹ và các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng có thể giảm do thu nhập của cộng đồng người Việt tại các nước này sẽ bị tác động. 

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể biến động bởi các nhà đầu tư nước ngoài có nguy cơ gặp khó khăn về tài chính và thị trường. Nhà đầu tư vì thế trở nên thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư. 

Khủng hoảng tài chính Mỹ cũng có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam về tâm lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính của Việt Nam có thể không lớn do hệ thống tài chính của nước ta chưa hội nhập toàn diện với hệ thống tài chính toàn cầu.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature đã gây áp lực buộc FED phải tăng lãi suất bên cạnh việc giải cứu các tổ chức tài chính thoát khỏi tình thế nguy hiểm. Thị trường hiện kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất của FED sẽ chậm hơn so với thời điểm trước khi sự kiện Ngân hàng Silicon Valley xảy ra.  có thể giảm lãi suất điều hành sớm hơn dự báo trước đó và đây là một thông tin mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tham khảo.

Dữ liệu từ tháng 3 đến tháng 4-2023 cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng có những tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính, dù tác động lên nền kinh tế Mỹ và châu Âu chưa được thể hiện rõ.

Đối với thị trường tài chính, sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Credit Suisse làm gia tăng sự biến động trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. Trước đó, do lãi suất tăng đáng kể vào năm 2022 nên Ngân hàng Silicon Valley phải bán trái phiếu dài hạn của mình để đáp ứng việc rút tiền mặt từ khách hàng, dẫn đến thua lỗ đáng kể.

Tác động của cuộc khủng hoảng đối với lãi suất cũng rất lớn. Thị trường trái phiếu phản ánh những kỳ vọng về sự thay đổi đáng kể trong chính sách lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương khác. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm % của FED vào ngày 22-3 báo hiệu rằng họ dự định sẽ hành động cẩn thận khi điều hướng sự biến động trong lĩnh vực ngân hàng.