Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất

(NLĐO) - Thị trường chứng khoán Mỹ, Anh có thời điểm tăng điểm nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm tốc tăng lãi suất trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng và lạm phát trở nên rõ ràng hơn. Chứng khoán Việt Nam có một tuần đồng pha với thế giới.

Theo hãng tin Reuters, phần lớn giới đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất khoảng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 2-11 sắp tới. Trong khi đó, một số ít cho rằng FED chỉ tăng 0,5 điểm phần trăm ​​bởi đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái kinh tế.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 1.

Biểu đồ chỉ số DAX tại sàn chứng khoán ở Frankfurt - Đức hôm 25-10. Ảnh: Reuters

Lạc quan thận trọng

Thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua khởi sắc trở lại khi giới đầu tư kỳ vọng FED có thể giảm tốc tăng lãi suất. Các chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ như Nasdaq, S&P 500, Dow Jones bị giằng co giữa một bên là dữ liệu tăng trưởng kinh tế vững chắc của Mỹ và một bên là đợt báo cáo doanh thu mới nhất của các tập đoàn lớn không đạt kỳ vọng. Không chỉ kết quả kinh doanh quý III/2022 không mấy lạc quan, dự báo ảm đạm về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Meta, Apple đã làm gia tăng triển vọng FED giãn tốc độ tăng lãi suất.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 2.

Amazon là một trong những "ông lớn" công nghệ ghi nhận kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Ảnh: Reuters

Tiếp nối đà tăng điểm trên phố Wall, các thị trường chứng khoán tại châu Á cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực trong tuần qua. Những chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán Philippines và Thái Lan đều phục hồi. Tại các quốc gia đang phát triển khác như Ấn Độ, Indonesia, thị trường tăng điểm nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 3.

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hồng Kông (Trung Quốc) hôm 25-10. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, phần lớn giới đầu tư dự đoán FED sẽ tăng lãi suất khoảng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 2-11 sắp tới. Trong khi đó, một số ít cho rằng FED chỉ tăng 0,5 điểm phần trăm ​​bởi đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái kinh tế. Các nhà phân tích từ Ngân hàng OCBC (Singapore) lưu ý cần "thận trọng ở mức độ nào đó" bởi việc điều chỉnh chính sách không đồng nghĩa với FED ngừng tăng lãi suất. Lãi suất sẽ vẫn tăng và cao hơn nhưng tốc độ chậm hơn.

Kỳ vọng có cơ sở

Công ty Phân tích thị trường tài chính S&P Global Market Intelligence vừa đưa ra những dữ liệu kinh tế ảm đạm thể hiện hoạt động kinh doanh ở Mỹ đã sụt giảm trong tháng 10. Kinh tế suy giảm được xem như một chỉ báo cho thấy các đợt tăng lãi suất mạnh tay bắt đầu phát huy tác dụng. Dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng kinh tế và lạm phát trở nên rõ ràng hơn giúp nhà đầu tư có thêm hy vọng FED sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 4.

Nhà giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York - Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến khác, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 9 sụt giảm 10,9% so với tháng 8 do lãi suất vay thế chấp leo lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Diễn biến không tích cực từ hoạt động của nhiều doanh nghiệp bất động sản, cụ thể là ở doanh số bán nhà mới, càng khiến nhà đầu tư lo lắng hơn về bức tranh kinh tế. Trong bối cảnh đó, FED có thể sẽ giãn tốc độ tăng lãi suất để tránh gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh tế vốn đang u ám.

FED được dự báo sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 11 và thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 sắp tới. Từ tháng 3 đến nay, FED đã tăng lãi suất 5 lần với tổng cộng 3 điểm phần trăm.

Có 49/80 nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters cho rằng lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 4,5%-4,75% hoặc cao hơn vào quý I/2023.

FED chùn tay khi kinh tế xấu đi?

Trong bối cảnh các cơ quan giám sát tiền tệ châu Âu đang gồng mình ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 27-10 thông báo tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%. 

Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lớn thứ 2 trong lịch sử của ECB. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết việc tăng lãi suất nhằm bảo đảm ổn định giá cả, qua đó hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 6.

Sở Giao dịch chứng khoán London tại Anh. Ảnh: Reuters

Trước đó, tại cuộc họp vào ngày 21-7, ECB đã lần đầu tiên tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sau 11 năm. Ngày 8-9, ngân hàng này tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mức tăng lớn chưa từng có của ngân hàng này. Biện pháp tăng lãi suất được ECB đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Eurozone trong tháng 9 ở mức cao kỷ lục. ECB dự kiến có thể xem xét tăng lãi suất trong tháng 12 tới để ứng phó với lạm phát.

Các nhà kinh tế nhìn nhận việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy vậy, lãi suất cao hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở, các mặt hàng tiêu dùng hoặc các dịch vụ giải trí và văn hóa, kéo tăng trưởng kinh tế giảm. Với kịch bản kinh tế suy giảm, các ngân hàng châu Âu có thể tăng lãi suất chậm lại.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 7.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: Reuters

Theo ông Keith Buchanan, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Tư vấn đầu tư Global Investments (Mỹ), biến động của các chỉ số chính phản ánh "cuộc giằng co" giữa doanh nghiệp Mỹ và FED. Báo cáo kinh doanh của các tập đoàn công nghệ lớn có tác động đặc biệt vì đây là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm. 

"Tâm lý lạc quan được xây dựng gần như hoàn toàn dựa trên triển vọng bi quan. Sự lạc quan ở đây là FED sẽ thay đổi chính sách trong kịch bản tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi nhanh chóng" - ông Keith Buchanan nhận định.

"Đạp phanh" trước suy thoái

Lạm phát cao trên khắp thế giới khiến hầu hết các ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong đợt thắt chặt chính sách tiền tệ chung có quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Hậu quả là kinh tế bị thiệt hại nặng và các ngân hàng trung ương phải cân nhắc tốc độ điều chỉnh chính sách.

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 8.

Người dân mua sắm trong trung tâm mua sắm ở Toronto, Ontario - Canada. Ảnh: Reuters

Hôm 26-10, Ngân hàng Trung ương Canada bất ngờ giảm tốc độ tăng lãi suất trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế trải qua một cuộc suy thoái. Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Tiff Macklem tuyên bố tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thấp hơn mức 0,75 điểm phần trăm như thị trường kỳ vọng. 

Trước đó, hồi tháng 7, ngân hàng trung ương nước này từng nâng lãi suất 1 điểm phần trăm và tăng tiếp 0,75 điểm phần trăm vào tháng 9. Ngân hàng trung ương Canada đã đi trước các ngân hàng trung ương khác trong việc tăng lãi suất cơ bản, theo Bloomberg.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Tiff Macklem cho rằng giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ này sẽ kết thúc. "Chúng ta đang tiến gần hơn nhưng vẫn chưa đến đích. Lãi suất cao đang bắt đầu ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế. Điều này ngày càng được nhận diện rõ trong các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm với lãi suất, như nhà ở và chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn" - Thống đốc Macklem nhận định.

Động thái giảm tốc tăng lãi suất cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tiến gần hơn đến giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng tác động của những đợt tăng lãi suất thời gian qua sẽ sớm đạt hiệu quả khi chỉ số lạm phát sẽ giảm.

Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Tập đoàn Tài chính Allianz SE (Đức), nói trên Twitter rằng quyết định tăng lãi suất ít hơn dự báo của Ngân hàng trung ương Canada đang củng cố khả năng giảm tốc tăng lãi suất thay vì ngừng tăng hoặc chuyển sang giảm lãi suất.

Úc cũng giảm tốc độ tăng lãi suất trước lo ngại những hộ gia đình đang có khoản nợ lớn sẽ gánh thêm áp lực. Hơn nữa, số việc làm mới của Úc thấp đáng kể so với dự báo càng làm tăng khả năng ngân hàng trung ương tăng lãi suất chậm lại. Gần đây nhất, ngày 4-10, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) thông báo tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 5 với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, lên 2,6%. 

Dự báo “nóng”: Chứng khoán giằng co trước tin tăng lãi suất - Ảnh 10.

Bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhà kinh tế của Tập đoàn Tài chính ING (Hà Lan) đánh giá sự sụt giảm quy mô lớn của chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tại những thị trường phát triển, trong đó có chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ, là "tia hy vọng" trong kịch bản tồi tệ nếu nó đồng nghĩa với việc FED tăng lãi suất chậm lại và thấp hơn. Cũng có thể nhờ vậy, thị trường chứng khoán được hỗ trợ và có đà phục hồi nhẹ.

Việt Nam: Thị trường tuần tới hồi về vùng 1.040-1.050 điểm

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số VN-Index có thể hồi phục nhẹ trong tuần tới và điều chỉnh nhẹ vào phiên cuối tuần, có lúc trở lại gần vùng 1.050 điểm. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp, lực cầu xuất hiện mạnh mẽ vào những thời điểm thị trường về dưới vùng 1.000 điểm.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến đồng pha với thế giới khi đã hồi phục tích cực. Nhiều nhóm ngành ghi nhận sắc xanh sau thời gian dài giảm điểm. Đơn cử, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... xuất hiện một vài tín hiệu hồi phục vào những phiên cuối tuần.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục có dấu hiệu kiểm tra lại ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã ghi nhận dấu hiệu tích cực khi tạo "một cây nến rút chân". Có thể hiểu, khi nến rút chân xuất hiện tại cuối xu hướng giảm của thị trường, nhiều khả năng giá sẽ có xu hướng đảo chiều từ giảm thành tăng. Hoặc, khi nến rút chân xuất hiện tại đáy của đợt điều chỉnh giảm, thị trường có khả năng quay lại xu hướng tăng trước đó. Dù vậy, không loại trừ khả năng đây chỉ là những phản ứng kỹ thuật thông thường trong xu hướng giảm lớn của thị trường.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định nhịp tăng của thị trường sẽ chậm lại và lùi bước trước áp lực chốt lời ngắn hạn tại vùng 1.040 điểm. Diễn biến này khá bình thường sau phiên bật tăng mạnh. Thị trường có tín hiệu hỗ trợ khá tốt từ phiên trước nhưng chưa có động thái tích lũy tích cực nên có thể sẽ cần thêm thời gian để thăm dò trên vùng 1.000 điểm. Nếu có động thái tích lũy tích cực trên vùng 1.000 điểm thì sẽ mở ra cơ hội tăng điểm cho thị trường trong thời gian tới.

Với góc nhìn chuyên sâu hơn, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc đóng cửa tuần giao dịch trên đường MA10 và VN30-Index là chỉ số đầu tiên cải thiện tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn từ tiêu cực lên trung tính cho thấy vai trò dẫn dắt của cổ phiếu vốn hóa lớn với nhịp hồi phục của thị trường.

"Trong phiên giao dịch đầu tuần tới, thị trường sẽ có quán tính điều chỉnh giảm ở phiên sáng, thậm chí là đầu phiên chiều, do áp lực chốt lãi. VN-Index có thể có nhịp giảm để kiểm định lực cầu giá thấp từ ngưỡng hỗ trợ đang nằm tại 1.010-1.015 điểm. Nếu áp lực bán ra không mạnh, VN-Index có thể đảo chiều tăng trong cuối ngày để kiểm định ngưỡng kháng cự tại 1.045 điểm một lần nữa. Vượt qua mốc này, đà hồi phục có thể kéo dài hơn trong tuần tới, hướng lên các vùng kháng cự lần lượt tại 1.065 và 1.100 điểm" - VCSC dự báo.

Viết Vinh