Dự báo "nóng": Cuộc chiến công nghệ khốc liệt, chip tràn ra chợ đen

(NLĐO) - Trí tuệ nhân tạo bùng nổ sau thành công của ChatGPT khiến nhu cầu chip cao cấp tăng vọt. Do đó, thị trường ngầm đã ra đời nhằm tránh sự giám sát của cả Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về chất bán dẫn bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump và leo thang nhanh chóng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Chính quyền ông Biden đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với chip dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc có được công nghệ sử dụng cho mục đích quân sự.

"Gọng kìm" cấm vận của Mỹ

Theo đài CNN, giới phân tích lập luận nếu muốn kiềm chế Trung Quốc sử dụng AI để tăng cường sức mạnh quân sự, biện pháp kiểm soát chip sẽ hiệu quả hơn nhiều so với quy định hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mỹ và Hà Lan chuẩn bị ban hành quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa về việc bán thiết bị sản xuất chip cho các công ty của Trung Quốc vào mùa hè này. Theo đó, trong khi Hà Lan dự kiến bổ sung vào danh sách cấm xuất khẩu đối với một số thiết bị nhất định của Công ty ASML và các công ty khác thì Mỹ được cho là sẽ áp đặt lệnh hạn chế lên những công ty cụ thể của Trung Quốc. Theo đài CNBC, đây là một phần nỗ lực không ngừng của Mỹ và Hà Lan nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng công nghệ để tăng cường sức mạnh quân sự. 

Dự báo nóng: Cuộc chiến công nghệ khốc liệt, chip tràn ra chợ đen - Ảnh 1.

“Cuộc so găng” công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc còn kéo dài dù hai bên đang tìm cách cải thiện quan hệ. Ảnh: Reuters

Công ty ASML hiện là nhà sản xuất hệ thống quang khắc lớn nhất thế giới sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo hãng tin Reuters, đề cập đến các quy định mới về hạn chế xuất khẩu một số thiết bị bán dẫn tiên tiến, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher khẳng định hành động này vì lợi ích an ninh quốc gia.

Từ tháng 10-2022, Mỹ cũng đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc đối với các công ty như Lam Research và Applied Materials với lý do an ninh quốc gia. Đồng thời, thúc giục các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu có động thái tương tự.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu tại Washington đã chỉ trích động thái này và cho rằng Mỹ cố tình cản trở các công ty và ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Trong động thái trả đũa hồi tháng 5-2023, Micron Technology (Mỹ) trở thành công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc ra lệnh cấm với lý do "rủi ro an ninh nghiêm trọng".

Theo Reuters, tháng 3-2023, Nhật Bản thông báo kế hoạch hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn, điều chỉnh các biện pháp kiểm soát thương mại công nghệ - tương tự nỗ lực của Mỹ - nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc. Tháng 4 vừa qua, Mỹ cũng đề nghị Hàn Quốc khuyến khích 2 nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này là Samsung và SK Hynix không tăng doanh số bán hàng sang Trung Quốc một khi Bắc Kinh ra lệnh cấm Micron Technology.

"Mặt trận" trí tuệ nhân tạo

Việc cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ dự kiến diễn ra vào mùa hè trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc nỗ lực ổn định mối quan hệ đang xấu đi. Theo hãng tin CNBC, trong khi Mỹ tìm cách cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cho Trung Quốc thì cường quốc thứ hai thế giới lại tăng cường khả năng tự cung tự cấp và loại bỏ công nghệ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng tìm cách thúc đẩy công nghệ trong nước, gồm cả công nghệ bán dẫn, với kế hoạch cấp vốn 52 tỉ USD để phát triển công nghiệp chip thông qua Đạo luật Khoa học và Chip.

Dự báo nóng: Cuộc chiến công nghệ khốc liệt, chip tràn ra chợ đen - Ảnh 2.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về chất bán dẫn leo thang nhanh chóng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tập đoàn Alibaba và Baidu của Trung Quốc đang thiết kế chip riêng trong bối cảnh Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chip AI quan trọng. Dù cho đến nay, các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn chưa có bất kỳ tác động nào đối với chip do Trung Quốc thiết kế nhưng đây là lĩnh vực mà chính phủ và các công ty công nghệ của Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ.

Ông Abishur Prakash, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn The Geopolitan Business (Canada), nhận định: "Những gì Trung Quốc muốn, Mỹ sẽ không cho, chẳng hạn mở cửa hệ sinh thái chip cho Bắc Kinh hoặc không kiểm duyệt đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ của Mỹ. Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành ưu thế công nghệ sắp bước vào giai đoạn quan trọng nhất".

Ngành công nghệ Mỹ chịu trận

Theo nguồn thạo tin, việc Bộ Thương mại Mỹ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung sắp tới có thể khiến các tập đoàn công nghệ chip của nước này như Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) gặp khó khăn hơn trong việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc. Động thái này dự báo tác động đáng kể đến Nvidia - doanh nghiệp vốn đã tuân thủ biện pháp kiểm soát trước đó khi tạo ra chip xử lý đồ họa A800 và H800 để thay thế các chip cao cấp hơn bị cấm.

Dự báo nóng: Cuộc chiến công nghệ khốc liệt, chip tràn ra chợ đen - Ảnh 3.

Trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm 20%-25% doanh thu của Nvidia từ các sản phẩm liên quan đến trung tâm dữ liệu. Ảnh: Reuters

Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, nói với tờ Financial Times rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại có thể gây thiệt hại to lớn cho ngành công nghệ Mỹ. Việc Mỹ ngăn cản công ty của ông bán chip tiên tiến nhất cho Trung Quốc khiến công ty như bị "trói tay sau lưng". 

Theo đài CNN, ngày 28-6, Giám đốc tài chính của Nvidia Colette Kress cho biết bà không thể lường trước được bất kỳ tác động ngay lập tức nào nhưng những biện pháp kiểm soát mạnh tay hơn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu trong tương lai. 

Bà Kress cho rằng việc hạn chế bán GPU trung tâm dữ liệu cho Trung Quốc về lâu dài sẽ dẫn đến ngành công nghiệp Mỹ đánh mất vĩnh viễn cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tài chính của Nvidia ở thị trường này. Bởi lẽ trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm 20%-25% doanh thu của Nvidia từ sản phẩm liên quan đến trung tâm dữ liệu.

Chợ đen sôi động

Tencent, Alibaba, Baidu, ByteDance và các tập đoàn Trung Quốc khác tăng cường đặt hàng chip Nvidia khi làn sóng AI tạo sinh (một loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung, dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có) bùng nổ ở Trung Quốc trong năm nay.

Dự báo nóng: Cuộc chiến công nghệ khốc liệt, chip tràn ra chợ đen - Ảnh 5.

Chợ điện tử ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hai nguồn tin cho biết chip được bán chui với giá không hề rẻ. Họ có thể cung cấp một lượng nhỏ Nvidia A100, mẫu chip chủ lực trong việc huấn luyện các hệ thống AI, với giá 20.000 USD, cao gấp đôi giá thông thường. Việc mua bán chip cao cấp không phải hành vi bất hợp pháp ở Trung Quốc song đáng nói là hoạt động này diễn ra khi Mỹ đã yêu cầu Nvidia ngừng xuất khẩu chip A100, H100 nhằm cản trở sự phát triển siêu máy tính và siêu AI của Trung Quốc. Tất nhiên, các sản phẩm này không được bảo hành hay hỗ trợ như hàng chính hãng.

AI bùng nổ sau thành công của ChatGPT khiến nhu cầu về chip cao cấp tăng vọt, nhất là ở Trung Quốc. Do đó, thị trường ngầm đã ra đời nhằm tránh sự giám sát của đôi bên.

Dự báo nóng: Cuộc chiến công nghệ khốc liệt, chip tràn ra chợ đen - Ảnh 6.

Các tập đoàn công nghệ chip Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) gặp khó khăn trong việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khách mua chip ở chợ đen thường là nhà phát triển ứng dụng, nhà khởi nghiệp, nhà nghiên cứu hoặc game thủ. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ danh tính do việc này bị Mỹ cấm. Hãng Nvidia nói với Reuters: "Nếu phát hiện bất kỳ hành vi mua bán nào liên quan đến các lệnh cấm, chúng tôi sẽ hành động ngay lập tức". Công ty cho biết vẫn đang cung cấp các sản phẩm thay thế có công suất thấp hơn và tuân thủ luật pháp.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã có tác động đáng kể đến nguồn cung chip cao cấp của Trung Quốc. Ngoài ra, phía Mỹ cho rằng việc mua bán chip bất hợp pháp không có gì ngạc nhiên, đồng thời cảnh báo các cáo buộc vi phạm đang được điều tra.

Chip bán "chui" có nguồn gốc từ đâu?

Các nhà cung cấp chip Trung Quốc cho biết họ mua chip chủ yếu theo hai cách. Thứ nhất là thu mua lượng chip dư thừa sau khi tập đoàn công nghệ chip Nvidia cung ứng số lượng lớn cho các công ty lớn của Mỹ. Thứ hai là nhập khẩu thông qua các công ty được thành lập tại các địa phương ở Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore.

Điều này có nghĩa số lượng sản phẩm mà các nhà cung cấp của Trung Quốc có được là rất nhỏ. Theo công ty nghiên cứu TrendForce, xây dựng một mô hình tương tự như GPT của OpenAI đòi hỏi cần hơn 30.000 thẻ Nvidia A100.

Charlie Chai, một nhà phân tích của 86Research tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng Mỹ sẽ không quá bận tâm về những giao dịch nhỏ trên thị trường chip. "Chỉ khi Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn hơn sau khi nước này bắt kịp công nghệ AI, Mỹ mới thực thi biện pháp nghiêm ngặt" - ông Chai nhận định.