Dự báo “nóng”: FED dội gáo nước lạnh, Mỹ có thể “hạ cánh mềm”

(NLĐO) - Thị trường Mỹ phục hồi mạnh mẽ do giới đầu tư phớt lờ khả năng tiếp tục tăng lãi suất và hy vọng quan điểm “diều hâu” đối với chính sách tiền tệ sớm được dỡ bỏ. Tuy vậy, một đợt bán tháo cổ phiếu có thể diễn ra khi lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.

Trong thông báo hôm 1-2 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, lên phạm vi 4,5%-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2007. Lạm phát tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt mở đường cho FED nới lỏng chính sách tiền tệ dù động thái tăng lãi suất nói trên được ví như "dội gáo nước lạnh vào đợt phục hồi của thị trường".

Thị trường hồi phục tích cực

Dự báo sớm việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất và ví von điều này như "dội gáo nước lạnh vào đợt phục hồi của thị trường" được chiến lược gia trưởng Ryan Detrick, Công ty tài chính Carson Group, đưa ra ngay trước khi diễn ra cuộc họp tăng lãi suất. "Kết thúc tháng 1-2023, nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ và bền vững song chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) phản ánh sự cải thiện của chuỗi cung ứng và để ngỏ khả năng FED chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh tay" - ông Detrick phân tích.

Theo The Hill, chỉ số PCE - thường được FED sử dụng để đánh giá mức độ lạm phát - đã tăng 5% vào tháng 12-2022, giảm so mức tăng 5,5% trong tháng 11-2022 và gần 7% vào tháng 6 năm ngoái. Chỉ số PCE lõi (không tính giá các mặt hàng năng lượng và thực phẩm) trong tháng 12-2022 tăng 0,3% sau khi tăng 0,2% vào tháng trước đó. Tính theo chu kỳ 12 tháng, chỉ số PCE lõi của Mỹ tăng 4,4% hồi cuối năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10-2021.

Cùng với dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, tiền lương của người lao động Mỹ đã tăng 0,2% hồi tháng 12 năm ngoái, giúp sức mua tăng.

Cục Thống kê Lao động Mỹ hôm 3-2 công bố báo cáo việc làm tháng 1-2023 cho thấy số việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 517.000, vượt rất xa so với ước tính ban đầu là 187.000 việc làm. Con số này cũng tăng mạnh so với số liệu 260.000 việc làm tăng thêm trong tháng 12-2022.

Tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,4%, thấp hơn mức dự báo 3,6%. Đây là tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 5-1969. Đồng thời, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ lên mức 62,4%.

Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của Công ty môi giới việc làm ZipRecruiter, nhận định báo cáo việc làm "tốt tới mức gần như không thể tin được". Bà Pollak nói lạm phát hạ nhiệt đi cùng tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp là "chuyện viễn tưởng kinh tế", "giống như tờ 20 USD rơi trên vỉa hè mà không ai nhặt hay bữa trưa miễn phí".

Theo hãng tin Reuters, dù lạm phát của Mỹ cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% nhưng diễn biến trên cho thấy FED đang đi đúng hướng.

Dự báo “nóng”: FED dội gáo nước lạnh, Mỹ có thể “hạ cánh mềm” - Ảnh 1.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giảm điểm khi giới đầu tư lo ngại báo cáo việc làm tháng 1-2023 tích cực quá mức sẽ cho phép FED có thêm dư địa để tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát. Ngay sau khi báo cáo việc làm được công bố hôm 3-2, các chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ như S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones giảm lần lượt 0,9%, 1,3% và 0,4%.

Chỉ số đồng USD (DXY), chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) có thời điểm tăng mạnh lên 102,83 trong phiên giao dịch rạng sáng 4-2 (giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá vàng thế giới lao dốc xuống quanh ngưỡng 1.864 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 4-2 (giờ Việt Nam).

Kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm"

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết đã đạt được bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát nhưng vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao ít nhất là hết năm 2023. Triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ đã làm tăng kỳ vọng về kịch bản "hạ cánh mềm" cho kinh tế Mỹ (giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ để tránh suy thoái).

Dự báo “nóng”: FED dội gáo nước lạnh, Mỹ có thể “hạ cánh mềm” - Ảnh 2.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNBC, ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Công ty Tài chính Independent Advisor Alliance (Mỹ), nhận định thị trường phục hồi mạnh mẽ do giới đầu tư phớt lờ khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất và hy vọng FED sớm từ bỏ quan điểm "diều hâu" đối với chính sách tiền tệ. Dù vậy, ông Zaccarelli cũng cảnh báo sẽ có một đợt bán tháo cổ phiếu khi các nhà đầu tư nhận thấy lãi suất vẫn được duy trì ở mức cao trong tương lai gần và suy thoái có thể diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Trong khi đó, chiến lược gia cấp cao Kristy Akullian, Tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock, tin rằng cách cuối cùng để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% là phải có một cuộc suy thoái - dù ngắn và ít nghiêm trọng hơn dự báo trước đây.

Không riêng Tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock, một số ngân hàng và nhà quản lý tài sản như Wells Fargo, Neuberger Berman... gần đây cũng cảnh báo trở lại về một kịch bản suy thoái. Những lo ngại nói trên hoàn toàn có căn cứ bởi các nhà hoạch định chính sách của FED đã dự báo có thể tăng lãi suất lên phạm vi 5%-5,25% và giữ ở mức đó ít nhất đến cuối năm.

Nhiều dữ liệu kinh tế mới tiếp tục củng cố kỳ vọng FED có thể thành công trong việc đưa nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm". Chiến lược gia trưởng Sam Stovall, Công ty nghiên cứu đầu tư CFRA Research (Mỹ), nhận định với đài CNBC: "Với số liệu GDP tốt hơn kỳ vọng, nhà đầu tư có thể đang nghĩ chúng ta chỉ phải đối mặt với một cuộc suy thoái tương đối nhẹ. Trên cơ sở đó, họ nghĩ thị trường chứng khoán sẽ không trượt sâu hơn nữa vào trạng thái giá giảm".

VNĐ có thể tiếp tục mất giá

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên khó tránh chịu ảnh hưởng bởi những biến động của kinh tế thế giới. Dù lạm phát hạ nhiệt và kinh tế Mỹ tăng trưởng khá vững, một số tổ chức tài chính trong nước và quốc tế vẫn cho rằng có khả năng xảy ra suy thoái kinh tế cục bộ. Trong một số thời điểm, điều này sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo thời điểm diễn ra suy thoái kinh tế thế giới nhiều khả năng là từ quý II/2023 và có thể kéo dài khoảng 1 năm, tức đến hết quý I/2024.

Nhóm chuyên gia đánh giá suy thoái sẽ kéo theo giảm tổng cầu và giúp áp lực lạm phát dịu xuống. Khả năng kinh tế thế giới đình lạm (đình trệ đi đôi với lạm phát cao) nếu có sẽ chủ yếu do xung đột Nga - Ukraine leo thang, song khả năng này không cao.

Tác động của suy thoái kinh tế đối với Việt Nam có thể nằm ở lĩnh vực xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu hàng hóa đã có dấu hiệu tăng chậm lại, nhất là từ tháng 8 trở đi. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm ngoái đạt 10,6%, thấp hơn mức 18,9% của năm 2021. Dự báo nếu suy thoái kinh tế thế giới xảy ra trong năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thấp, có khả năng chỉ đạt 5%-6%. Tuy nhiên, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp vẫn có triển vọng duy trì ổn định.

Dự báo “nóng”: FED dội gáo nước lạnh, Mỹ có thể “hạ cánh mềm” - Ảnh 3.

VNĐ có thể tiếp tục chịu sức ép mất giá so với USD

Về tỉ giá, nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng trong trường hợp kinh tế thế giới suy thoái, FED dừng tăng hoặc thậm chí giảm lãi suất sẽ khiến cán cân thanh toán bị thâm hụt và VNĐ có thể tiếp tục chịu sức ép mất giá.

Để ứng phó với rủi ro suy thoái kinh tế thế giới trong năm nay và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực kiến nghị có đề án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ 3 vướng mắc, khó khăn chính hiện nay của doanh nghiệp, bao gồm: vấn đề pháp lý, tiếp cận vốn và lao động. "Cần xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, tập trung ưu tiên cải thiện chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; phát triển cân bằng thị trường tài chính, quản lý rủi ro hệ thống tài chính và rủi ro liên thông giữa tài chính - bất động sản..." - TS Cấn Văn Lực góp ý.

Căng thẳng phương Tây và Nga phủ bóng kinh tế

Theo cuộc thăm dò của Reuters với khoảng 500 nhà kinh tế, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2% trong năm nay, thậm chí còn có nguy cơ đối mặt với rủi ro tăng trưởng ở mức thấp hơn nữa. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là một phần nguyên nhân dẫn đến điều này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 27-1 cho biết việc dừng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, hoàn toàn không chịu tác động từ việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Theo hãng tin TASS, người phát ngôn này nhấn mạnh Nga đang đánh giá kỹ lưỡng những vấn đề trên thực địa trong bối cảnh các nước phương Tây tuyên bố sẽ chuyển giao nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington sẽ ủng hộ khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt Moscow trong trường hợp Nga quyết định đàm phán nghiêm túc và rút quân khỏi Ukraine.

44 (1)

Khu dự trữ dầu mỏ chiến lược ở Freeport, bang Texas - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Đề cập tuyên bố mới nhất của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không rút quân khi chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ông Peskov nói thêm rằng Thứ trưởng Nuland đã nói lại những luận điểm cũ mà Moscow không thể chấp nhận được, đồng thời tuyên bố Nga sẽ không thỏa hiệp về các biện pháp trừng phạt. Theo quan chức Điện Kremlin, lập trường của Mỹ hiện tại hoàn toàn đối lập với Nga, do đó sẽ không có động thái nào hướng tới cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 27-1 cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về mức giá trần lên dầu thô của Nga. Hai bên lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận trước ngày 5-2. Trước đó, hồi tháng 12-2022, các nền kinh tế G7, EU và Úc đã nhất trí áp đặt giá trần đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, như một phần trong những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên mới đây, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết nhóm các nước G7 đã nhất trí xem xét lại mức giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga vào tháng 3 tới, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu, để có thời gian đánh giá thị trường.

Theo phân tích của hãng tin Reuters, lượng dầu xuất khẩu từ các cảng của Nga trên biển Baltic trong tháng 1-2023 tăng 50% so với tháng 12-2022 nhằm đáp ứng nhu cầu đang mạnh ở khu vực châu Á, đồng thời tranh thủ hưởng lợi từ sự khởi sắc của giá dầu toàn cầu. Nhà quản lý quỹ John Kilduff của Công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC nhận định: "Nếu nguồn cung dầu Nga tiếp tục tăng mạnh trong tháng tới, giá dầu có thể sẽ có xu hướng giảm".