Dự báo “nóng”: FED mạo hiểm, ngân hàng trung ương “bất thường và nguy hiểm”
(NLĐO) - Mối quan tâm lớn nhất hiện nay là động thái kiềm chế lạm phát của FED cuối cùng sẽ đẩy nền kinh tế vào ít nhất là một cuộc suy thoái nông. FED có thể đã quá tập trung vào lạm phát đến mức sẵn sàng mạo hiểm với hệ thống tài chính.
Nhiều chuyên gia Phố Wall nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào tuần tới, bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Kỳ vọng về lãi suất đã thay đổi nhanh chóng trong hai tuần qua, từ mức dự báo tăng 0,5 điểm % đến giữ nguyên và có lúc thị trường cho rằng FED có thể hạ lãi suất.
Rất bất thường và nguy hiểm
Ông Doug Roberts, nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược đầu tư tại Tổ chức nghiên cứu Channel Capital Research, cho rằng FED phải tiếp tục tăng lãi suất để giữ uy tín trong cuộc chiến chống lạm phát. "FED muốn nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % và đó là mức tăng đủ để gửi đi thông điệp" - ông Roberts nói và nhấn mạnh ông "không nghĩ Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ thay đổi 180 độ như nhiều người đang đồn đoán".
Trước khi 2 ngân hàng ở Mỹ sụp đổ vào đầu tháng 3 này, từng có nhiều dự báo về việc FED có thể tăng lãi suất tới 0,5 điểm %. Tuy nhiên, khả năng này được cho là rất khó xảy ra. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs - một trong những tên tuổi lớn - dự báo Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không nâng lãi suất bởi kỳ vọng các quan chức FED sẽ duy trì lập trường thận trọng hơn trong ngắn hạn nhằm tránh gây lo lắng cho thị trường. Nhưng dù FED đi theo hướng nào thì cũng có khả năng phải đối mặt với chỉ trích.
Đài CNBC dẫn lời ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Công ty Moody’s Analytics, cho rằng việc ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ trong điều kiện hiện nay là "rất bất thường và nguy hiểm". "Giữ nguyên mức lãi suất hiện nay cũng không làm chúng ta thua trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng, tiếp tục nâng lãi suất có thể làm chúng ta mất cả hệ thống tài chính" - ông Zandi nhận định.
Mối quan tâm lớn nhất của thị trường hiện nay là các động thái kiềm chế lạm phát của FED cuối cùng sẽ đẩy nền kinh tế vào ít nhất là một cuộc suy thoái nông. Theo ông Zandi, đợt tăng lãi suất mới vào tuần tới sẽ làm tăng khả năng đó. Nhà kinh tế trưởng này nhìn nhận FED có thể đã quá tập trung vào lạm phát đến mức sẵn sàng mạo hiểm với hệ thống tài chính. Mỹ có thể vượt qua giai đoạn này mà không bị suy thoái nhưng đòi hỏi FED hoạch định chính sách hợp lý.
Làn sóng bán tháo chứng khoán
Thị trường chứng khoán châu Âu kết thúc một tuần đầy biến động với phiên giao dịch giảm điểm hôm 17-3 (giờ địa phương), dù có thông báo rằng Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ và Ngân hàng First Republic của Mỹ sẽ được hỗ trợ tài chính nhằm ngăn chặn khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu ghi nhận mức giảm 3,9% trong tuần giao dịch vừa qua, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9-2022.

Một chi nhánh của Ngân hàng First Republic ở TP New York - Mỹ hôm 13-3. Ảnh: REUTERS
Bà Frédérique Carrier, Trưởng Bộ phận chiến lược đầu tư của Công ty RBC Wealth Management, cho rằng mặc dù thị trường cảm thấy "nhẹ nhõm" khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ can thiệp nhằm ngăn chặn khủng hoảng nhưng tâm lý nhà đầu tư chắc chắn vẫn rất "mong manh", nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu (ECB) Âu mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ với quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ cũng vừa khép lại tuần giao dịch đỏ lửa. Các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Ngân hàng First Republic và các cổ phiếu ngân hàng khác bởi lo ngại tình trạng bất ổn của ngành ngân hàng còn kéo dài.
Theo đài CNBC, cổ phiếu ngân hàng First Republic giảm mạnh gần 33% trong phiên giao dịch cuối tuần qua, nâng tổng mức giảm trong cả tuần lên 72%. Cổ phiếu của Ngân hàng Credit Suisse (niêm yết tại Mỹ ) cũng giảm gần 7% trước thông tin ngân hàng này sẽ vay 54 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Tính cả tuần, cổ phiếu của Ngân hàng Credit Suisse đã giảm 24%.
Ông Keith Buchanan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, cho rằng các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu hôm 17-3 mà không biết diễn biến thị trường sẽ thế nào vào tuần tới. Cổ phiếu ngân hàng trong những ngày gần đây được giới đầu tư theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh sự lo ngại về việc những ngân hàng khác có thể đối mặt tình trạng tương tự Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ hôm 16-3. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, giá vàng đã vượt mốc 1.980 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần và được dự báo sẽ vượt mốc 2.000 USD/ounce trong tuần tới. "Trong bối cảnh hỗn loạn do các ngân hàng ở Mỹ gặp khó khăn và cổ phiếu Ngân hàng Credit Suisse thua lỗ nặng nề, giá vàng đã tăng dựng đứng. Các nhà đầu tư đang tìm đến vàng làm nơi ẩn náu vì kim loại quý này được xem như thiên đường trú ẩn an toàn và là kho lưu trữ giá trị" - chuyên gia thị trường Sugandha Sachdeva nói.
Việt Nam "ngược gió"?
Trong lúc thị trường chứng khoán quốc tế chao đảo trước khủng hoảng của một số ngân hàng ở Mỹ và khả năng cao FED tiếp tục tăng lãi suất điều hành, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định.
Gần 1 tuần sau động thái điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục đi xuống tạo dư địa giảm lãi suất cho vay. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sẽ khó có thêm đợt tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới khi kinh tế Việt Nam đang dần ổn định và quan trọng nhất là lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp.
Theo số liệu thống kê, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao nhưng có xu hướng chậm lại trong 2 tháng đầu năm. CPI tháng 2-2023 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 2-2023 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm nay khoảng 3%-5,5%. Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Đặc biệt, từ tháng 1-2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng lớn VNĐ vào lưu thông.
PGS-TS Nguyễn Văn Trình nhận định việc Ngân hàng Nhà nước mua bổ sung dự trữ ngoại hối và đưa lượng lớn VNĐ vào lưu thông góp phần giúp thanh khoản thị trường dồi dào, lãi suất huy động giảm và tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay. Điều này cũng góp phần giúp thị trường chứng khoán hưởng lợi vì lãi suất giảm sẽ kích thích dòng tiền chảy vào chứng khoán.
"Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước còn cam kết sẽ triển khai các giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đang dần được tháo gỡ, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành lãi suất theo hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế... là những yếu tố giúp chứng khoán tích cực bất chấp tác động tiêu cực nhất thời của thị trường quốc tế" - PGS-TS Nguyễn Văn Trình đánh giá.

Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse. Ảnh: REUTERS
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm tình huống một số ngân hàng ở Mỹ đổ vỡ là sự vụ mang tính chất cục bộ, không có dấu hiệu cho thấy có sự lây lan trong hệ thống ngân hàng của nền kinh tế số 1 thế giới. Có thể sẽ có một số ảnh hưởng trên thị trường tài chính thế giới song không quá lớn.
"Tùy theo diễn biến của lạm phát và tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Mặc dù lạm phát ở một số quốc gia vẫn tăng nhưng tốc độ không còn quá nhanh và lạm phát chung trên toàn cầu đang hạ xuống. VNĐ là một trong những đồng tiền ít bị ảnh hưởng nhất, sức ép đối với tỉ giá gần đây cũng giảm xuống. Nếu tình hình vẫn được duy trì ổn định, có thể kỳ vọng trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét hạ lãi suất điều hành một lần nữa" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Giá vàng trong nước không tăng quá sốc
Theo đà nhảy vọt của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng không quá sốc.
Ngày 19-3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết quanh 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại mua vào là 55,1 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 56,2 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Dù vậy, mức tăng của giá vàng trong nước vẫn không "ăn thua" so với đà tăng "dựng đứng" của giá vàng thế giới - từ 1.867 USD/ounce lên 1.989 USD/ounce, tức tăng 122 USD/ounce (tương đương tang 3,5 triệu đồng/lượng).
Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước khó có "sóng mạnh" là bởi đã duy trì ở vùng cao 66-67 triệu đồng/lượng, chênh lệch lớn với thế giới trong nhiều tháng qua.