Dự báo “nóng”: Giá dầu “đỏ sàn”, chờ vực dậy sau cuộc họp của OPEC+
(NLĐO) - Thị trường đang tập trung quan sát động thái của OPEC+ khi liên minh này chuẩn bị nhóm họp vào ngày 5-10 tới cùng khả năng đưa ra biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn đà sụt giảm giá dầu thô.
Giá dầu vừa kết thúc tuần giao dịch chìm trong sắc đỏ. Ngày cuối tuần, 30-9, dầu Brent và dầu thô WTI đều tăng hơn 1 USD trước khi quay đầu giảm lần lượt 53 cent và 1,74 USD xuống mức 87,96 USD/thùng và 79,49 USD/thùng. Tín hiệu tăng giá trong phiên sau 4 tuần lao dốc liên tiếp được củng cố bởi khả năng OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và một số nhà sản xuất) sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô trong lần nhóm họp nói trên.
"Vàng đen" đang tạo đáy?
Đó là nhận định của chuyên gia giao dịch năng lượng cấp cao Rebecca Babin thuộc Tập đoàn Tài chính CIBC Private Wealth (Mỹ) trước những diễn biến quan trọng. Ví dụ, giá dầu giảm hơn 22% trong quý III/2022, nhu cầu về dầu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ sắp kết thúc. Tuy vậy, chuyên gia này vẫn lo ngại "giá dầu thô sẽ còn biến động mạnh và dòng tiền đầu cơ sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường".

Tàu chở dầu Chao Xing tại bến dầu thô Kozmino gần thành phố cảng Nakhodka - Nga hôm 12-8. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar hôm 26-9 cho biết OPEC+ đang theo dõi sát diễn biến giá dầu với kỳ vọng tạo được sự cân bằng trên thị trường. OPEC+ không muốn giá dầu tăng quá mạnh hay xảy ra đợt rớt giá. Theo Bộ trưởng Ihsan Abdul Jabbar, "vàng đen" đang chịu nhiều áp lực từ đồng USD mạnh lên, nhiều yếu tố bất ổn khiến triển vọng kinh tế thấp trong khi lạm phát tăng vọt, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng và kéo giá dầu đi xuống.
Chưa kể, các bên tham gia thị trường đang chờ đợi thông tin chi tiết về lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Cùng đó, việc áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - cũng là mối lo ngại với các thị trường năng lượng.
Nhu cầu tăng bất chấp suy thoái
Trong cuộc họp đầu tháng 9, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 nhằm thúc đẩy sự ổn định của thị trường.
Dù tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong tháng 10 nhưng trong báo cáo tháng 9, OPEC vẫn không thay đổi dự báo tăng trưởng nhu cầu. Theo đó, toàn cầu tăng sử dụng dầu mỏ lần lượt 3,1 triệu thùng/ngày và 2,7 triệu thùng/ngày trong 2 năm 2022, 2023. Lượng dầu tiêu thụ trên thế giới vào năm 2023 đạt trung bình 102,73 triệu thùng/ngày, cao hơn mức tiêu thụ năm 2019 - trước đại dịch.

Các bồn chứa dầu thô, xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác ở nhà máy lọc dầu Los Angeles tại bang California - Mỹ. Ảnh: Reuters
"Nhu cầu dầu mỏ vào năm 2023 dự kiến sẽ được củng cố nhờ tình hình kinh tế vững chắc ở các quốc gia tiêu thụ lớn cũng như khả năng cải thiện biện pháp hạn chế dịch COVID-19 và giảm bất ổn địa chính trị" - báo cáo của tổ chức này nêu.
Dù chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động hiệu quả hơn dự kiến, bất chấp lạm phát gia tăng, OPEC cũng không loại trừ khả năng phía cầu của thị trường vẫn đối mặt với nhiều mối đe dọa. Cụ thể, đe dọa xuất phát từ căng thẳng địa chính trị, tác động của đại dịch, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Kỳ vọng tăng giá dầu
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hồi tháng 9-2022 dự báo giá dầu Brent giao ngay trung bình ở mức 104,21 USD/thùng trong năm 2022 và khoảng 96,91 USD/thùng vào năm 2023. Riêng quý IV/2022, giá dầu đạt mức trung bình 97,98 USD/thùng.

Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5-10 tới trong bối cảnh giá dầu sụt giảm và thị trường dầu biến động trong nhiều tháng qua. Ảnh: Reuters
Trang Rigzone về ngành công nghiệp dầu khí dẫn số liệu cho thấy hầu hết dự báo của EIA trong tháng 9 vừa qua đều giảm so với dự báo hồi tháng 8. Vào tháng 8, EIA dự báo giá dầu Brent giao ngay đạt trung bình 104,78 USD/thùng trong năm 2022 và 95,13 USD/thùng vào năm 2023; giá dầu trung bình quý IV được dự báo đạt 98,30 USD/thùng.
EIA nhấn mạnh một số diễn biến kinh tế - chính trị gần đây đã góp phần làm gia tăng "sự bất ổn" ở thị trường dầu thô, kéo theo sự điều chỉnh trong các dự báo của họ vào tháng 9, gồm: OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 10 và khả năng tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới, các cuộc đụng độ bạo lực ở thủ đô của Libya, khả năng nguồn cung dầu của Iran trở lại thị trường…
OPEC+ hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Ả Rập Saudi nhiều lần phát tín hiệu cho thấy OPEC có thể giảm sản lượng khai thác để ngăn chặn tình trạng giá dầu thô giảm trên thị trường tương lai và nhấn mạnh diễn biến giá trên thị trường tương lai đang không phản ánh đúng thực trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay.
Một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ như Nigeria, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đưa ra tín hiệu ủng hộ động thái trên.
Theo kế hoạch, cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5-10 tới trong bối cảnh giá dầu sụt giảm, thị trường tiếp tục biến động. Nga có khả năng sẽ đề xuất cắt giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong cuộc họp này.
Theo nhiều nguồn tin, OPEC+ đã bắt đầu thảo luận việc cắt giảm sản lượng và dự kiến đưa vấn đề này ra đàm phán tại họp nhóm nói trên. Một bộ phận nhà đầu tư kỳ vọng OPEC+ sẽ can thiệp thị trường nhằm ngăn chặn đà sụt giảm hiện nay của giá dầu thô.
Tiếp tục biến động trong ngắn hạn
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hôm 27-9 hạ dự báo giá dầu trong năm 2023 do kỳ vọng về nhu cầu dầu suy yếu và đồng USD mạnh hơn. Tuy nhiên, tập đoàn tài chính này nhấn mạnh thị trường vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và điều này lại có thể giúp củng cố triển vọng giá dầu thô trong dài hạn.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hôm 27-9 hạ dự báo giá dầu trong năm 2023 do kỳ vọng về nhu cầu dầu suy yếu và đồng USD mạnh hơn. Ảnh: Reuters
Goldman Sachs dự báo giá dầu thô Brent đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong 3 tháng cuối năm, giảm so với dự báo trước đó là 125 USD/thùng, tăng mạnh so với ngưỡng giao dịch quanh 86 USD/thùng hiện tại. Trong năm tới, Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent có khả năng đạt trung bình 108 USD/thùng, giảm so với dự báo ở mức 125 USD/thùng.
"Thị trường dầu mỏ vẫn đang trong tình trạng căng thẳng về nguồn cung, trữ lượng dầu tồn kho gần chạm mức thấp kỷ lục và công suất khai thác của OPEC đạt giới hạn. Triển vọng giá dầu thô sẽ trở nên tích cực hơn khi Mỹ ngừng bán dầu từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược (SPR) và nguồn cung dầu thô từ Nga suy giảm vào cuối năm nay" - Ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Về ngắn hạn, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể còn biến động. Trong đó, đồng USD tăng giá mạnh và kỳ vọng nhu cầu về dầu thấp hơn sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá trong những tháng cuối năm. Có khả năng OPEC không tăng sản lượng dầu trong năm nay và giữ ổn định ở mức hiện tại cho đến năm 2023.

Tàu chở dầu Vladimir Arsenyev tại bến dầu thô Kozmino gần thành phố cảng Nakhodka - Nga hôm 12-8. Ảnh: Reuters
Việt Nam: Giảm giá trong ngắn hạn, nguy cơ tăng trong dài hạn
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm đáng kể so với mức "đỉnh" hồi tháng 6-2022. Cụ thể, xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.781 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.584 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.536 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.441 đồng/lít và dầu madút không vượt 14.656 đồng/kg.
Theo quy định, ngày 1-10 là ngày liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng vào ngày nghỉ nên kỳ điều hành giá sẽ được chuyển sang ngày mai, 3-10.
Theo tính toán của một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, do giá xăng dầu nhập khẩu từ Singapore liên tục hạ nhiệt, nhiều khả năng trong kỳ điều chỉnh giá tới, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm khoảng 900-1.200 đồng/lít, kg. Như vậy, giá xăng sẽ có lần giảm thứ 4 liên tiếp, góp phần tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn hồi phục hậu COVID-19.
Đánh giá xu hướng giá dầu từ nay đến cuối năm, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý IV/2022 là khá cao bởi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng vào mùa Đông, đặc biệt tại châu Âu. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm.
"Từ nay đến cuối năm, có những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm song cũng có những yếu tố khiến giá tăng. Xét về tổng thể, giá dầu thế giới sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Sang năm 2023, giá dầu có khả năng giảm nhưng vẫn ở mức cao" - ông Khôi dự báo.
Ông Kenya Maeda, chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô thị trường Toàn cầu - Công ty Idemitsu Kosan, nhận định nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến tăng. Trong khi đó, dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, khả năng cung cấp sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn phía cầu.
Để duy trì nguồn cung ổn định nhằm bảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam cần thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu song song với giải pháp được coi như "chìa khóa" quan trọng là sở hữu các nhà máy lọc dầu.
Thùy Dương