Dự báo “nóng”: Giá vàng sẽ phá “đỉnh” trong năm nay?

(NLĐO) - Cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát vào đầu tháng này, khởi đầu là sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature, đã tạo ra “chất xúc tác” thúc đẩy giá vàng tăng.

Còn dư địa tăng giá vàng

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng duy trì ở mức cao quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce do mối lo ngại về sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào kênh an toàn này.

Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng tiếp tục lao dốc, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng lớn như Deutsche Bank (Đức) và UBS (Thụy Sĩ). Thị trường xuất hiện mối lo ngại các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương vẫn chưa thể ngăn chặn được cú sốc tồi tệ nhất đối với lĩnh vực này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chiến lược gia Bob Haberkorn, Công ty Môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ), nhận định sự xuất hiện của bất kỳ mối lo ngại nào về việc các ngân hàng Mỹ bị thiếu vốn xuất hiện sẽ là yếu tố giúp vàng tăng giá.

Dự báo “nóng”: Giá vàng sẽ phá “đỉnh” trong năm nay? - Ảnh 1.

Các thỏi vàng nguyên chất tại nhà máy kim loại quý Krastsvetmet ở Nga. Ảnh: Reuters

Giá vàng được cho là vẫn còn dư địa để tăng trong bối cảnh các ngân hàng toàn cầu gặp khó khăn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra quyết định tăng lãi suất. Giá kim loại quý có thể lập kỷ lục mới và duy trì ở mức cao. "Nếu FED xoay trục chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, giá vàng có thể có một đợt tăng bùng nổ nữa do tỉ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu sẽ giảm sâu hơn" - chuyên gia Tina Teng, Công ty dịch vụ tài chính CMC Markets, nhận định và dự báo giá vàng sẽ tăng tới vùng 2.500-2.600 USD/ounce.

Dự báo “nóng”: Giá vàng sẽ phá “đỉnh” trong năm nay? - Ảnh 2.

Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng lao dốc sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (Mỹ). Ảnh: Reuters

Theo CNBC, những ngày gần đây, nhà đầu tư toàn cầu đổ xô mua vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng thời bán tháo cổ phiếu ngân hàng - loại tài sản có mức độ rủi ro tăng cao sau khi 3 ngân hàng Mỹ lần lượt "phá sản" trong vòng 1 tuần và ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse bị ngân hàng đối thủ UBS mua lại. Giá vàng đã tăng khoảng 10% kể từ đầu tháng 3, thời điểm ngân hàng Silicon Valley (SVB) chứng kiến khách hàng ồ ạt rút tiền gửi. Kỷ lục mọi thời đại của giá vàng là mức 2.075 USD/ounce vào tháng 8-2020, theo dữ liệu từ Refinitiv. Nhu cầu mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương có thể sẽ giúp giá vàng duy trì xu hướng tăng.

Dự báo “nóng”: Giá vàng sẽ phá “đỉnh” trong năm nay? - Ảnh 3.

Chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Bern - Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Hàng loạt dự báo lạc quan

Ông Randy Smallwood, Giám đốc điều hành Công ty Weaton Precious Metals, nhận định việc các ngân hàng trung ương liên tục mua vàng là một chỉ báo tốt cho giá vàng trong dài hạn. "Giá vàng sẽ chạm mốc 2.500 USD/ounce" - ông Smallwood dự báo.

Theo Công ty phân tích nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, giá vàng sẽ vượt mốc 2.075 USD/ounce sau vài tuần nữa. Cơ sở để Fitch Solutions đưa ra dự báo này là tình trạng "bất ổn tài chính toàn cầu". Các chuyên gia của công ty này kỳ vọng giá vàng sẽ duy trì ở mức cao trong vài năm tới.

Dự báo “nóng”: Giá vàng sẽ phá “đỉnh” trong năm nay? - Ảnh 4.

Vàng miếng của Ngân hàng Credit Suisse trong một cửa hàng ở Zurich - Thụy Sĩ hôm 20-3. Ảnh: Reuters

Đồng tình với dự báo lạc quan của Fitch về giá vàng, ông Craig Erlam, nhà phân tích cấp cao thuộc Công ty tư vấn Oanda, nhận định: "Rất có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến giá vàng tăng mạnh trong những tháng sắp tới và có thể sớm phá vỡ kỷ lục. Lãi suất của ngân hàng trung ương đã hoặc gần đạt đỉnh, việc giảm lãi suất đang được dự báo sẽ xảy ra sớm hơn so với ước tính trước bởi những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng".

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hồi năm ngoái, nhu cầu vàng toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm, chủ yếu nhờ hoạt động thu gom của các ngân hàng trung ương. Năm 2022, các ngân hàng trung ương mua ròng 1.136 tấn vàng, nhiều nhất trong vòng 55 năm trở lại đây.

Chiến lược gia trưởng Nicky Shiels của Công ty kim loại quý MKS Pamp cho rằng FED sẽ phải chọn giữa một bên là lạm phát cao hơn và một bên là suy thoái kinh tế và cả hai trường hợp đều có lợi cho giá vàng. Theo bà Shiels, giá vàng sẽ vượt mức 2.200 USD/ounce.

Theo ông James Steel, Ngân hàng HSBC, đồng USD suy yếu cũng là một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho giá vàng tăng. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng lãi suất ở Mỹ. Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper tại Ngân hàng Standard Chartered lập luận: "Nếu chúng ta đang ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, thì sẽ có nhiều khả năng vàng tiếp tục tăng giá".

Vàng SJC "một mình một chợ"?

Phiên giao dịch đầu tuần, sáng 27-3, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào ở mức 66,55 triệu đồng/lượng và bán ra ở 67,25 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC được duy trì khoảng 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 54,8 triệu đồng/lượng mua vào, 55,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng/lượng so với hôm 26-3.

Giá vàng SJC tiếp tục duy trì trên vùng 67 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đã thu hẹp rất mạnh, từ mức chênh 15-17 triệu đồng/lượng xuống còn 10-11 triệu đồng/lượng trong những ngày qua.

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, mức tăng giá vàng nhẫn 24K, vàng trang sức và vàng SJC không theo kịp đà tăng của vàng thế giới trong 2 tuần qua giúp chênh lệch giá thu hẹp. "Giá vàng trong nước tăng nhưng lực bán lại chủ yếu. Nhà đầu tư hiện không còn mặn mà với vàng, nhiều người canh giá vàng cao để bán ra khiến thị trường chỉ giao dịch một chiều. Tuần qua, có nhiều thời điểm giá vàng nhẫn 24K thấp hơn vàng thế giới gần 2 triệu đồng/lượng, một diễn biến lạ trong thời gian qua. Lãi suất tiết kiệm dù giảm nhưng vẫn hấp dẫn người gửi hơn đầu tư vào vàng" - ông Phương cho hay.

Dự báo diễn biến giá vàng trong nước thời gian tới, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng vàng SJC sẽ khó tăng dù vàng thế giới có tăng mạnh, khi đó chênh lệch biên độ giá vàng trong nước với thế giới sẽ tiếp tục rút ngắn. Tất nhiên, giá vàng SJC cũng khó giảm mạnh mà xoay quanh vùng 66-67 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng thế giới tăng hay giảm. Ngược lại, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại sẽ theo sát giá vàng thế giới hơn.

Thái Phương