Dự báo "nóng": Giá vàng thế giới năm 2024 sẽ đi về đâu?
(NLĐO) - Lạm phát vẫn cao khiến sự quan tâm đối với kênh đầu tư vàng ngày càng tăng. Nhu cầu vàng của các chính phủ và ngành công nghiệp là yếu tố quyết định giá vàng sẽ đi về đâu trong năm 2024 hay còn yếu tố nào khác?
Giá vàng thế giới đã có 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần qua, tiến gần hơn tới ngưỡng 2.000 USD/ounce trong bối cảnh gia tăng nỗi lo về căng thẳng địa chính trị ở Dải Gaza.
Theo ông Sean Casterline, cố vấn về tài sản tại Công ty tài chính Delta Capital Management (Mỹ), vàng thường tăng giá trong nền kinh tế lạm phát, khó khăn. Diễn biến vừa qua phản ánh chính xác tình hình kinh tế và có thể là chất xúc tác cho một đợt tăng giá tiếp theo.
Khả năng phá cản
Bình luận khả năng tăng giá vàng trong thời gian tới, chuyên gia Alex Ebkarian, đồng sáng lập Tổ chức tài chính Allegiance Gold (Mỹ), cho rằng có rất nhiều yếu tố tác động đến kim loại quý này, bao gồm lạm phát, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tình hình địa chính trị và thậm chí là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào năm 2024.
"Nếu chính quyền thắng cử dự định thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng như tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế... thì có thể dẫn đến tăng áp lực lạm phát. Điều này có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát" - ông Ebkarian phân tích.

Các chuyên gia dự báo giá vàng có khả năng sẽ tăng trong năm 2024. Ảnh: Bloomberg
Theo đài CBS News, các chuyên gia dự đoán giá vàng có khả năng tăng và vượt mốc 2.000 USD/ounce vào năm 2024, sau đó ổn định ở mức hỗ trợ này. "Kim loại quý này sẽ phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại là 2.074 USD/ounce và có thể vượt qua ngưỡng 2.100 USD/ounce" - ông Collin Plume, Giám đốc điều hành Tổ chức tài chính Noble Gold Investments (Mỹ), nhận định.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Yếu tố "thiên nga đen"
Giá vàng tăng cao sau khi xung đột Israel và Hamas bùng nổ. Trong hai tuần qua, giá vàng đã tăng gần 150 USD, từ 1.820 USD/ounce lên 1.977 USD/ounce.
Vụ đánh bom bệnh viện ở Gaza làm gia tăng tình trạng bất ổn trong khi lực lượng vũ trang ở Lebanon cũng có thể bắt đầu tấn công Israel. Đây được cho hiện tượng "thiên nga đen" - hiện tượng khó lường và không thể được dự đoán trước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu. Hiện tượng này đang tác động đến thị trường, bên cạnh các yếu tố như khoản nợ công ngày càng tăng của Mỹ và bế tắc trong việc bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Ông Bhavik Patel, nhà phân tích hàng hóa và tiền tệ tại Công ty tài chính Tradebull Securities (Ấn Độ), nhận định giá vàng sẽ tăng lên mức 2.000 USD/ounce và duy trì trên mức này trong trường hợp lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon tham gia cuộc chiến với sự giúp đỡ từ Iran. Thị trường vàng sẽ không gặp trở ngại ngay cả khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cuối tuần này nhắc lại quan điểm rằng lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài. Ngoài ra, vàng được hưởng lợi từ rủi ro tín dụng khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lập đỉnh.
Thời điểm tốt để mua vàng?
Liệu lúc này có phải là thời điểm tốt để mua vàng hay không? Điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh và mục tiêu cá nhân nhưng nhìn chung, các chuyên gia quốc tế đều đồng tình.
Theo ông Alex Ebkarian, kim loại quý này có lịch sử tăng giá trị theo thời gian và được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. Vàng cũng giúp các nhà đầu tư vượt qua lạm phát và lãi suất cao. "Giờ là thời điểm thích hợp để đầu tư vào vàng" - ông Ebkarian khẳng định.
Chuyên gia này cũng cảnh báo dù giá vàng gần đây tăng liên tục nhưng vàng thường không được xem là nguồn mang lại lợi nhuận lớn hoặc là một khoản đầu tư ngắn hạn tốt. "Mọi nhà đầu tư đều muốn chọn đúng thời điểm để mua vào giá thấp và bán ra giá cao nhưng vàng vật chất là tài sản có tính trung bình đến dài hạn. Tốt nhất là nhà đầu tư "mua và chờ đợi" thay vì "chờ đợi và mua". Không giống đồng USD, vàng không thể được in ra và nguồn cung của nó là hữu hạn" - ông Ebkarian nói thêm.

Giá vàng tiếp tục tăng cao sau khi xung đột Israel và Hamas bùng nổ. Ảnh: Reuters
Nếu chọn đầu tư vào vàng, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên dành cho kênh này không quá 10% danh mục. Điều này giúp bảo đảm nhà đầu tư có danh mục đa dạng, có thể vượt qua nhiều rủi ro biến động của thị trường.
Nêu quan điểm trái ngược, Giám đốc đầu tư tại Portfolio Wealth Advisors, ông Lee Munson, lại cho rằng hiện không phải thời điểm để mua vàng vì lãi suất cao khiến vàng không còn hấp dẫn.
Động lực tăng giá trong ngắn hạn
Trưởng nhóm phân tích tại Công ty Gainesville Coins (Mỹ), ông Everett Millman, cho rằng nếu Israel và Hamas chưa đạt được một thoả thuận ngừng bắn hoặc xuống thang căng thẳng ở Dải Gaza, giá vàng sẽ tiếp tục duy trì trên ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Theo nhận định của Commerzbank (ngân hàng của Đức), nếu giao tranh Israel và Hamas không leo thang, dư địa tăng của giá vàng sẽ hạn chế vì việc FED cắt giảm lãi suất có thể sẽ diễn ra muộn hơn so với kỳ vọng. Commerzbank giữ nguyên dự báo cho rằng kết thúc năm nay, giá vàng ở mức 1.900 USD/ounce và kết thúc năm 2024 ở mức 2.100 USD/ounce.

Nếu Israel và Hamas chưa đạt được một thoả thuận ngừng bắn hoặc xuống thang căng thẳng ở Dải Gaza, giá vàng sẽ tiếp tục duy trì trên ngưỡng 1.900 USD/ounce. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, vàng - được xem là kênh trú ẩn chống lại sự bất ổn chính trị và kinh tế - đã tăng giá hơn 4% trong tháng 10-2023. Mức tăng đột biến này là cao hơn thời kỳ thị trường hỗn loạn do đại dịch COVID-19 năm 2020 và khi xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm 2022.
Chiến lược gia Phillip Streible tại Công ty Blue Line Futures (Mỹ) nhận định: "Mọi người đang đổ xô mua vàng vì nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro địa chính trị. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông, giá vàng sẽ dễ dàng vượt mốc 2.000 USD/ounce".
Nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu DataTrek, bà Jessica Rabe, nhận định giá vàng có động lực trong ngắn hạn khi xung đột tại Trung Đông tiếp diễn.
Nhiều quan điểm cho rằng vàng đã bị định giá thấp trong thời gian qua và việc vàng trở lại mốc 2.000 USD/ounce là không có gì đáng ngạc nhiên! Thị trường vàng đang làm chính xác những gì nó phải làm trong các thời kỳ khủng hoảng.
Việt Nam: Giá vàng SJC còn tăng tiếp
Ngày cuối tuần 21-10, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 70,25 triệu đồng/lượng mua vào và 71,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 450.000 đồng/lượng so với hôm trước đó.
Đỉnh lịch sử của giá vàng được lập vào tuần trước - vượt 71,1 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng thêm 4 triệu đồng/lượng trong khi vàng trang sức, vàng nhẫn tăng mạnh hơn - khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Dù đang ở vùng đỉnh lịch sử nhưng các chuyên gia nhận định giá vàng trong nước vẫn có thể tăng tiếp trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng sốc.
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, từ nay đến cuối năm, giá vàng nhẫn có khả năng tăng theo đà của giá thế giới. Nếu giá vàng thế giới tăng lên vùng 2.100 USD/ounce, giá vàng nhẫn trong nước có thể chạm mốc 60-61 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng SJC có thể tăng với tốc độ chậm hơn do đang cao hơn giá thế giới trên 12 triệu đồng/lượng và lực mua trong nước bắt đầu chậm lại khi giá trên vùng 70 triệu đồng/lượng.
"Có thể mua vàng trong thời điểm này nếu nhìn vào xu hướng giá vàng thế giới còn tăng tiếp khi FED sẽ ngưng tăng lãi suất và tiến tới cắt giảm lãi suất từ năm 2024. Lưu ý, nên mua trong những nhịp điều chỉnh của thị trường để hạn chế rủi ro và có thể mua vàng nhẫn vì biến động sát với giá vàng thế giới hơn vàng SJC" - ông Trần Duy Phương khuyến cáo.
Thái Phương