Dự báo “nóng”: Hàng Việt sẽ “tạo bước ngoặt” tại thị trường Anh Quốc

(NLĐO) - Anh là nền kinh tế tự do mang tính truyền thống nên việc nước này công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam thể hiện sự công nhận mang tính biểu tượng của thế giới

Bộ Công Thương vừa cho biết Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường, không áp quy định bất lợi nếu điều tra phòng vệ thương mại. Động thái này được đưa ra sau khi Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tuần trước.

Câu trả lời gián tiếp...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh vấn đề này, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, giải thích: Nền kinh tế thị trường là khái niệm được một số nước sử dụng khi điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường hay không thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp, kiểm soát của nhà nước với hoạt động kinh doanh, vốn, lao động của doanh nghiệp (DN). 

Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn; DN có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn và hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định hơn. Môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

"Anh là nền kinh tế tự do mang tính truyền thống. Việc Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trước hết là sự công nhận mang tính biểu tượng của thế giới đối với tính chất của nền kinh tế, đồng thời cũng gián tiếp trả lời cho những quốc gia chưa công nhận Việt Nam" - TS Trần Du Lịch nhìn nhận và bày tỏ hy vọng những quốc gia còn lại sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. 

Bên cạnh đó, TS Trần Du Lịch kiến nghị Chính phủ giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường để nền kinh tế thực sự vận hành theo quy luật thị trường, phù hợp với bối cảnh hội nhập.

Dự báo “nóng”: Hàng Việt sẽ “tạo bước ngoặt” tại thị trường Anh Quốc - Ảnh 1.

Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được đối xử công bằng hơn

Cũng theo TS Trần Du Lịch, khi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì việc đánh giá chi phí sản xuất và giá thành của DN Việt Nam để tính biên độ giá sẽ dựa vào chính DN đó, thay vì phải tìm một nước thứ ba được coi là kinh tế thị trường để so sánh. Đây là điều kiện rất quan trọng để DN Việt Nam phấn đấu giảm giá thành nhằm nâng sức cạnh tranh.

Mối quan hệ vẫn còn "khiêm tốn"

Giao thương Việt - Anh đã có sự tăng trưởng đáng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực. Theo đó, kim ngạch 2 chiều năm 2022 đạt khoảng 5,9 tỉ bảng Anh, tương đương gần 7 tỉ USD; tăng gần 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá mức độ giao thương còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa 2 nước.

Cụ thể, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh hiện nay chỉ chiếm chưa tới 1% nhu cầu nhập khẩu của thị trường Anh. Hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Anh chỉ chiếm khoảng 0,2% giá trị xuất khẩu của Anh ra thế giới.

Mặc dù Anh là 1 trong 5 nước có đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới nhưng đang đứng thứ 16 trong gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

TS Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM - cũng tin rằng việc Anh tham gia CPTPP và công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mở ra cơ hội thuận lợi. Bởi vì, đất nước Anh không rộng, dân số không đông nhưng có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực châu Âu và trên thế giới, đồng thời là trung tâm tài chính lớn, lâu đời. Khi Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ tuân thủ những luật chơi để mở cửa thị trường rộng hơn. Việt Nam không chỉ xuất khẩu mà còn có thể nhập khẩu công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ tài chính để áp dụng cho Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM.

"TP HCM đang rất tâm huyết với việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố đã có nhiều hoạt động xúc tiến thông qua Lãnh sự quán Anh tại TP HCM để hỗ trợ HFIC cũng như những đơn vị tham gia đề án này. Khi nước Anh tham gia sâu hơn, họ có thể chia sẻ cho chúng ta nhiều kinh nghiệm dựa trên nền tảng hệ thống tài chính tại thủ đô London cũng như của Anh" - ông Hoà nhận định.

Cơ hội khai thác tốt hơn thị trường Anh

Ở góc độ DN, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (ARTEX), cho biết Anh là thị trường lớn so với các thị trường ở châu Âu. Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA) có hiệu lực, quan hệ thương mại giữa 2 thị trường ấm dần lên, việc làm ăn của DN Việt Nam nói chung và DN ngành dệt may nói riêng đã có cải thiện.

"Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Anh đang được hưởng lợi thế theo cam kết tại UKFTA. Hy vọng khi Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tình hình sẽ thuận lợi hơn nữa" - ông Hồng bày tỏ.

Theo thống kê của ARTEX, xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam sang châu Âu nói chung và Anh nói riêng tương đối ổn. Phần lớn DN xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu Anh về tiêu chuẩn an toàn lao động, sản xuất xanh...

Dự báo “nóng”: Hàng Việt sẽ “tạo bước ngoặt” tại thị trường Anh Quốc - Ảnh 3.

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái

Ông Đặng Bá Long, Giám đốc điều hành Công ty CP Ong mật TP HCM (Behonex), nêu rõ do Anh là nước lớn thuộc khối G7 nên việc Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại có ý nghĩa rất tích cực với những DN đang làm ăn với Anh. "Hy vọng sau Anh, Mỹ cũng sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại vì Mỹ là nước đang áp dụng phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam nhiều" - ông Long nói.

Ông Long dẫn trường hợp mật ong Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá hơn 60% khiến xuất khẩu sang thị trường này bị ách tắc. Nguyên nhân mức thuế cao bởi vì Mỹ thay vì sử dụng các thông tin về chi phí và giá thành của chính DN sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá thì lại dùng số liệu của Ấn Độ. 

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cũng đánh giá việc Anh công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là thông tin rất tích cực. Cá tra Việt Nam hiện được xuất khẩu sang Anh khá nhiều với thuế nhập khẩu 0% theo UKVFTA. "Do Anh không có cá da trơn nên nguy cơ về phòng vệ thương mại thấp nhưng tuyên bố của Anh là rất tốt" - ông Phong nói.

Trong khi đó, cá tra đang gặp rào cản phòng vệ thương mại tại Mỹ rất lớn. Các DN xuất khẩu vì thế mong muốn Mỹ cũng sẽ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường để tránh bất lợi trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. 

Làm gì để tận dụng "bước ngoặt"?

TS Trần Du Lịch cho rằng với nền tảng cam kết tại UKVFTA, việc nâng cao hơn nữa hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Anh trong thời gian tới chỉ phụ thuộc một phần vào việc công nhận hay không công nhận nền kinh tế thị trường.

"Quan trọng là DN Việt có khả năng đáp ứng những sản phẩm, hàng hoá mà thị trường Anh có nhu cầu hay không? Đồng thời, hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh với nước thứ 3 trên thị trường Anh hay không?" - TS Trần Du Lịch đặt vấn đề.

Để có thể khai thác thị trường Anh tốt hơn, TS Trần Du Lịch góp ý vấn đề căn cơ vẫn là các DN Việt Nam phải tiếp tục tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi sang kinh tế xanh, cải thiện năng suất... Theo ông, "nếu chỉ giảm thuế theo cam kết tại UKFTA và thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì chưa thể quyết định được gì".