Dự báo "nóng": Hồi hộp chờ FED tăng lãi suất, các quốc gia chật vật ứng phó
(NLĐO) - TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự báo chắc chắn ngày 21-9, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất - đã gây sự chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp lẫn giới chuyên gia và nhà quản lý của Việt Nam
Các quốc gia mới nổi ở khu vực châu Á có động thái gì trước khả năng Mỹ tăng lãi suất trong ít ngày nữa? Mặt bằng lãi suất, tỉ giá của Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
FED tăng lãi suất đến 1 điểm phần trăm?
Sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nhà đầu tư dự báo gần như chắc chắn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 21-9 tới.

Nhà giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở Manhattan (Mỹ). Ảnh: Reuters
Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng FED có thể nâng lãi suất ở mức cao hơn 0,75 điểm phần trăm. Theo đài CNBC, khoảng 16% nhà đầu tư dự đoán FED sẽ tăng mạnh 1 điểm phần trăm vào cuộc họp tuần tới. Bloomberg cũng thông tin các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nomura (Singapore) phải thay đổi dự báo FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên 1 điểm phần trăm, đồng thời nhận định lộ trình tăng lãi suất mạnh là cần thiết để đối phó với lạm phát ở mức cao.
Việc tăng lãi suất đồng USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn mức lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ. Nói cách khác, nỗ lực của Mỹ trong việc giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất sẽ gây tổn hại cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những thị trường mới nổi ở khu vực châu Á.
Nguy cơ lạm phát nhập khẩu
Không chỉ riêng FED, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh nhiều khả năng tăng lãi suất mạnh hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương ở châu Á dự kiến tăng lãi suất một cách từ từ và hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn là một ưu tiên. Tuy nhiên, khoảng cách ngày càng lớn giữa lãi suất ở các nước phát triển và những thị trường mới nổi có thể trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia đang phát triển. Các ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương buộc phải cân nhắc giữa việc tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ với việc đối mặt nguy cơ dòng vốn tháo chạy và nội tệ suy yếu hơn nữa.

Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở Manhattan (Mỹ). Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Nomura hôm 14-9 cho rằng việc FED tăng lãi suất cao hơn dự đoán đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ mạnh lên, các đồng tiền khác tiếp tục giảm giá. Điều này có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ lạm phát nhập khẩu do giá hàng hóa nhập khẩu tăng.
Hàn Quốc lo thâm hụt thương mại
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết cơ quan này đang xem xét kế hoạch liên quan tới biến động của thị trường ngoại hối. Trước đó, hồi tháng 8, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã nâng lãi suất từ mức 2,25% lên 2,5% và cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát đà giảm giá của nội tệ.
Tính từ đầu năm 2022 tới nay, giá USD tăng khoảng 18% so với đồng won, đẩy lạm phát của Hàn Quốc lên cao. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc cảnh báo lạm phát tại quốc gia này sẽ đạt đỉnh vào tháng 10. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng BOK sẽ tăng lãi suất lên 2,75% hoặc 3% vào cuối năm, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Hàn Quốc phải nhập khẩu khoảng 94% nhu cầu năng lượng và các nguồn lực tự nhiên, chẳng hạn khoáng sản. Năm 2022, nhiều khả năng sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 2008, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong khi nhập khẩu tăng vọt.
Thái Lan: "Canh bạc" không tăng lãi suất
Thái Lan không vội vàng tăng lãi suất để thu hẹp khoảng cách với sự gia tăng lãi suất của Mỹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết không phải tất cả các nhà kinh tế đều đồng tình với cách làm này bởi việc FED và nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng nhanh lãi suất khiến dòng vốn có xu hướng rời khỏi những nền kinh tế mới nổi.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại Bangkok - Thái Lan. Ảnh: Reuters
Dù vậy, Bộ trưởng Arkhom Termpittayapaisith cho hay dòng vốn vẫn chảy ròng vào Thái Lan và nền kinh tế đang phục hồi nên điều quan trọng là phải có cách tiếp cận cân bằng hơn đối với chính sách tiền tệ. Theo ông, lạm phát toàn cầu là do gián đoạn nguồn cung nên việc tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu có thể không phải là một cách tiếp cận hiệu quả.
Chỉ số dự trữ ngoại hối thấp nhất trong 14 năm
Dự trữ ngoại hối tại nhiều nước châu Á giảm làm dấy lên lo ngại về khả năng can thiệp cứu đồng nội tệ nếu USD tăng giá mạnh.
Theo Ngân hàng Standard Chartered, chỉ số theo dõi dự trữ ngoại hối - đo bằng số tháng một nước có thể dùng dự trữ để nhập khẩu hàng hóa - với nhóm thị trường mới nổi ở châu Á (trừ Trung Quốc) đã giảm về 7. Con số này thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ngân hàng trung ương ở các nước châu Á mới nổi dựa vào dự trữ ngoại hối để bảo vệ nội tệ khi đồng USD tăng mạnh sau chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Nếu khả năng can thiệp của châu Á vào thị trường giảm, nội tệ những nước này sẽ càng mất giá hơn nữa.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng tình hình tại các nước châu Á mới nổi hiện còn tốt hơn so với các cuộc khủng hoảng trước nhờ gây dựng được bộ đệm tài chính tốt hơn. Giới đầu tư những tháng gần đây tỏ ra tin tưởng các thị trường này có khả năng tăng trưởng cao hơn cùng với những chính sách mang tính hỗ trợ có thể đem lại lợi nhuận tốt hơn.
Ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Công ty Tư vấn tài chính Capital Economics (Mỹ), nhận định Ngân hàng Trung ương Thái Lan có thể quá lạc quan khi đồng baht đã giảm 12% từ mức đỉnh xuống đáy trong năm qua và dự trữ ngoại hối giảm mạnh. "Về mặt chính sách tiền tệ, chắc chắn Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang tham gia một canh bạc" - ông Gareth Leather cảnh báo.
Chuyên gia này phân tích: Các yếu tố đẩy lạm phát lên cao hơn nằm ở phía cung và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến điều đó. Nhưng, tháng 8 vừa qua, lạm phát tại Thái Lan đã chạm 7,86%, cao hơn mức mục tiêu từ 1%-3% và cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trong khi đó, nước này chỉ mới tăng nhẹ lãi suất lần đầu tiên sau gần 4 năm, từ mức thấp kỷ lục 0,5% lên mức 0,75%. Đây chính là một rủi ro.
Nhật: Đồng yen mất giá "không phanh"
Theo tờ Nikkei, đà mất giá của đồng yen dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước này đến nay vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ "siêu nới lỏng" và ưu tiên phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Một người đàn ông đi ngang bảng hiển thị chỉ số đồng yen và đồng USD bên ngoài một công ty môi giới ở Tokyo - Nhật Bản hôm 7-9. Ảnh: Reuters
Tính đến ngày 17-9, tỉ giá đồng yen đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 24 năm qua, quanh ngưỡng 143 yen đổi 1 USD. Thậm chí, chuyên gia Ueno Tsuoshi tại Trung tâm Nghiên cứu cơ bản Nissei, còn nhận định đồng yen có khả năng sẽ giảm xuống mức 145 yen đổi lấy 1 USD tùy thuộc vào xu hướng giá tại Mỹ cùng chính sách tài chính của Mỹ và Nhật.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 5-9, tỉ lệ giảm giá đồng yen so với đồng USD là 22%, cao hơn đáng kể so với mức giảm 17% của bảng Anh, 14% của đồng euro và 9% của nhân dân tệ. Mức giảm giá đồng tiền của Nhật Bản so với USD hiện cũng cao nhất trong số các nước phát triển.

Bảng điện hiển thị chỉ số Nikkei của Nhật Bản bên ngoài một công ty môi giới ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Không chỉ giảm giá so với USD, đồng yen còn giảm giá so với đồng tiền của nhiều quốc gia đang phát triển, như: giảm so với đồng baht của Thái Lan 10%, rupee của Ấn Độ 14%, real của Brazil 32%, rúp của Nga 50%.
Dòng tiền có xu hướng chảy từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao nên làn sóng bán tháo đồng yen để mua USD ngày càng tăng. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình lao dốc của đồng yen. Diễn biến này khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hồi đầu tháng 9 phải lên tiếng cho hay các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện nếu đồng yen tiếp tục suy yếu.
Trung Quốc: Bước đi mạo hiểm
Trung Quốc không chỉ đi ngược lại xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ chung trên thế giới mà thậm chí còn hạ lãi suất. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 22-8 bất ngờ có động thái giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chỉ 1 tuần. Theo đó, lãi suất cho vay tiêu chuẩn kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,7% xuống 3,65%; kỳ hạn 5 năm giảm từ 4,45% xuống 4,3%. Đây là một trong những biện pháp mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nhu cầu vay vốn, kích thích nền kinh tế đang chật vật vì khủng hoảng bất động sản và các biện pháp phòng dịch.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo đánh giá của giới phân tích, PBOC đang cố gắng giữ thế cân bằng mong manh trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc kích cầu quá mức có thể đẩy cao áp lực lạm phát và dẫn tới nguy cơ thoái vốn khỏi Trung Quốc khi FED và các nền kinh tế lớn khác tăng lãi suất mạnh tay.
Theo đài CNBC, Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật Bản) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế số 2 thế giới năm nay từ 2,8% xuống còn 2,7%. Trong báo cáo trước đó vào ngày 17-8, Nomura cũng đã hạ dự báo tăng trưởng trong quý III và IV của Trung Quốc.
Việt Nam: Dự báo lãi suất tăng nhẹ
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định khả năng FED sẽ tăng lãi suất khoảng 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tuần tới là khá chắc chắn. Còn với mức tăng 1 điểm phần trăm, FED sẽ phải hết sức cân nhắc bởi mức tăng lớn này có thể tác động rất mạnh tới tâm lý nhà đầu tư và doanh nghiệp.
TS Cấn Văn Lực chỉ rõ mỗi lần FED tăng lãi suất, mức độ tác động đến các thị truờng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đều thể hiện rất rõ. Cụ thể, mặt bằng lãi suất tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD; tỉ giá USD/VNĐ cũng đi lên. Đối với một số quốc gia, áp lực lên nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng theo và có thể xuất hiện tình trạng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Tuy vậy, tác động của diễn biến này tới kinh tế Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát.
"Rất may với Việt Nam là những tác động trên về cơ bản ở mức vừa phải. Có thể kỳ vọng năm nay, Việt Nam kiểm soát được lạm phát khoảng 4% và tỉ giá biến động quanh mức 3%. Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư hiện vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán, dù không nhiều. Điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với những nước bị bán ròng lên tới vài tỉ USD" - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
TS Lực dự báo cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay của Việt Nam đều sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể nhờ chủ trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Thái Phương ghi