Dự báo “nóng”: Hồi hộp khi kinh tế Mỹ không khỏe

(NLĐO) - Ngày càng có nhiều dấu hiệu chỉ ra nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và tiến gần hơn đến suy thoái.

Chưa thể lạc quan

Giá vàng đã quay đầu giảm từ vùng cao nhất hơn một năm qua nhưng vẫn neo trên mức 2.000 USD/ounce trong phiên giao dịch cuối tuần. Được xem là một kênh tài sản "trú ẩn an toàn", việc kim loại quý này liên tục tăng giá thời gian qua cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về kịch bản suy thoái sắp xảy ra.

Dự báo “nóng”: Hồi hộp khi kinh tế Mỹ không khỏe - Ảnh 1.

Các thỏi vàng tại nhà máy ở Mendrisio - Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Theo Tạp chí Forbes, nếu lạm phát vẫn ở mức cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới do những bất ổn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu gần đây, thị trường vàng sẽ được hưởng lợi trong năm 2023. Một số nhà đầu tư dự đoán giá vàng sẽ đạt mức trung bình 2.075 USD/ounce vào năm 2024 nhưng còn phụ thuộc vào diễn biến của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Mặc dù giá vàng không phải là chỉ báo duy nhất cho biết liệu suy thoái kinh tế có đang diễn ra hay không nhưng đợt tăng giá vàng gần đây là dấu hiệu cần theo dõi trong bối cảnh kinh tế còn bất ổn.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng JPMorgan Chase, mới đây nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng - bắt đầu bằng sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature - đã làm gia tăng khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ. Ông Dimon cho rằng mặc dù hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn vững mạnh và ổn định nhưng những bất ổn xoay quanh hệ thống tài chính vẫn là nỗi lo lớn. "Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng đang giảm cho vay một chút, cắt giảm một chút và thu hẹp một chút" - ông Dimon nói.

Bên cạnh nỗi lo về bất ổn trong hệ thống ngân hàng, trong tuần này, giá dầu đã tăng hơn 6% do gọi là OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất dầu bên ngoài, trong đó có Nga, bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng dầu/ngày vào hôm 2-4. Đợt giảm sản lượng này nâng mức cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu của toàn thế giới.

Dự báo “nóng”: Hồi hộp khi kinh tế Mỹ không khỏe - Ảnh 2.

Các bồn chứa dầu tại nhà máy lọc dầu ở TP Beaumont, bang Texas - Mỹ Ảnh: Reuters

Quyết định của OPEC+ đặt ra nguy cơ nguồn cung bị siết chặt, đẩy giá dầu lên cao, gây ra đợt lạm phát mới cho nền kinh tế thế giới. Giá dầu tăng cũng sẽ khiến nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương đối mặt với diễn biến phức tạp hơn.

Bà Vandana Hari, nhà sáng lập Công ty phân tích thị trường năng lượng Vanda Insights (Singapore), nhận định giá dầu cao hơn có thể làm giảm nhu cầu, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát dai dẳng, kéo theo tăng rủi ro suy thoái.

Mặt khác, giá dầu tăng cao cũng làm cho hoạt động sản xuất và vận chuyển trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Các ngân hàng trung ương đã kỳ vọng lạm phát sẽ giảm mạnh trong năm nay với niềm tin rằng tình trạng tăng chi phí năng lượng như năm ngoái sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, động thái mới của OPEC+ có nguy cơ làm cuộc chiến giảm lạm phát kéo dài hơn. Giá dầu cao hơn vào thời điểm này gần như chắc chắn sẽ khiến FED thận trọng hơn. Theo đó, có khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài, góp phần làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Dự báo “nóng”: Hồi hộp khi kinh tế Mỹ không khỏe - Ảnh 3.

OPEC+ sẽ cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu của toàn thế giới. Ảnh: Reuters

Nhiều dấu hiệu suy giảm

Ngày 5-4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 2 đã tăng 2,7% lên 70,5 tỉ USD do xuất khẩu hàng hóa giảm 2,7% xuống 251,2 tỉ USD. Số liệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đã chậm lại và đà tăng của đồng USD khiến hàng hóa Mỹ mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong tháng 2 giảm 1,5% do nhu cầu ở trong nước cũng chậm lại. Chi phí đi vay cao hơn do lãi suất tăng khiến các doanh nghiệp Mỹ không mấy mặn mà với việc tăng dự trữ hàng tồn kho. Như vậy, thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới trong quý I/2023.

Về vấn đề việc làm, công ty nghiên cứu ADP hôm 5-4 cho biết nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực tư nhân trong tháng 3 đã giảm tốc, cho thấy dấu hiệu tăng trưởng kinh tế Mỹ đang hướng tới một sự suy giảm mạnh hoặc suy thoái. Theo ADP, các doanh nghiệp đã tạo thêm 145.000 việc làm trong tháng 3 vừa qua, thấp hơn rõ rệt so với con số 261.000 việc làm đã điều chỉnh trong tháng 2 và thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích là 210.000 việc làm.

Nhà kinh tế trưởng của ADP Nela Richardson nhận định dữ liệu bảng lương tháng 3 là một trong những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại. Các nhà tuyển dụng trì hoãn sau một năm tuyển dụng mạnh mẽ và tăng trưởng tiền lương giảm dần sau 3 tháng ổn định. Tiền lương hằng năm trong tháng 3 đã tăng 6,9%, thấp hơn mức tăng 7,2% hồi tháng 2, theo ước tính của ADP.

Đáng chú ý, trong tháng 3, các hoạt động tài chính đã mất 51.000 việc, còn các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh giảm 46.000 việc làm. Tương tự, ngành sản xuất cũng chứng kiến ​​sự sụt giảm 30.000 việc làm. Bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế tại Công ty nghiên cứu tài chính High Frequency Economics (Mỹ), nhìn nhận số liệu trên cho thấy thị trường lao động đang yếu dần trước sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất và tác động dự kiến lan rộng hơn khi chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trước đó, kết quả khảo sát được Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố ngày 3-4 cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế số 1 thế giới trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm do số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm. Theo Bloomberg, hồi tháng 2, ông David Kostin, Giám đốc chiến lược Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), cho rằng cổ phiếu châu Âu và châu Á tốt hơn so với cổ phiếu Mỹ do lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong năm nay dự kiến ​​sẽ giảm/

Các tín hiệu suy yếu của kinh tế Mỹ đã tạo sức ép với đồng bạc xanh. Đồng USD đã bị bán tháo trước khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố hôm 7-4. Chỉ số đồng USD - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ thế giới - vừa giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng qua. Trong báo cáo của Bộ Lao động Mỹ tuần này, các công ty đã ghi nhận số lượng nhân viên bị sa thải tăng mạnh trong tháng 3, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm trước trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao.

Chờ phản ứng của FED

Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, cho rằng báo cáo dữ liệu tháng 3 là đợt nhìn lại tình hình kinh tế thế giới trước khi SVB sụp đổ. Cuộc khảo sát tiền lương được thực hiện một tuần sau khi các ngân hàng phá sản nên còn quá sớm để các nhà tuyển dụng phản ứng chính xác.

Trong khi đó, tác động từ việc tín dụng bị siết chặt đang diễn ra. Theo đài CNBC, một số quan chức FED trong tuần này cam kết tiếp tục chống lạm phát và cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao ít nhất là trong thời gian tới. Các nhà giao dịch kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lần cuối cùng vào tháng 5 nhưng động thái này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái nông. Trước đó, FED đã tăng lãi suất 9 lần liên tiếp kể từ tháng 3-2022 lên phạm vi 4,75-5%.