Dự báo "nóng": Hụt hơi trong vòng xoáy giảm phát của Trung Quốc

(NLĐO) - Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần và lây lan sắc đỏ tới các thị trường khác ở châu Á trong bối cảnh nền kinh tế số 2 thế giới mất đà tăng trưởng

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 11-8, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 2,3% trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 2%. Tại Hồng Kông - Trung Quốc, chỉ số Hang Seng giảm 0,9% và chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,33%.

Hàng loạt biện pháp kích thích

Các thị trường chứng khoán Úc, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ và Indonesia cũng chứng kiến phiên giảm điểm cuối tuần qua. Sắc đỏ lan rộng khắp thị trường châu Á trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc rơi vào cú sốc giảm phát. Tình trạng này cho thấy nhu cầu trong nước vẫn suy yếu và nhà hoạch định chính sách có thể phải triển khai thêm các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trước đó, ngày 10-8, sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến cho biết sẽ nghiên cứu những biện pháp giúp giảm chi phí giao dịch của nhà đầu tư và cải thiện tính thanh khoản nhằm kích thích thị trường. Chẳng hạn, cho phép nhà đầu tư đặt lệnh nhỏ hơn trong giao dịch, có thể đặt lệnh tối thiểu một cổ phiếu hoặc một đơn vị thay vì mức tối thiểu 100 cổ phiếu hoặc 100 đơn vị như hiện nay. Đồng thời, cải thiện cơ chế giao dịch cho các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Các sàn giao dịch chứng khoán này khẳng định sẽ đưa ra một loạt biện pháp để kích thích sức sống, "bôi trơn" giao dịch và tăng sức hấp dẫn của thị trường. Những điều chỉnh được đưa ra sẽ giúp nhà đầu tư giảm chi phí, cho phép họ sử dụng vốn hiệu quả hơn và hỗ trợ cải thiện tính thanh khoản của thị trường.

Dự báo nóng: Hụt hơi trong vòng xoáy giảm phát của Trung Quốc - Ảnh 1.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm so với dự báo. Ảnh: Reuters

Thông báo trên được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh tăng trưởng đang chững lại. Một trong những động thái đáng chú ý khi đó là cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc thúc đẩy các nhà quản lý quỹ tương hỗ cắt giảm phí giao dịch.

Theo hãng tin Reuters, các sàn giao dịch chứng khoán này sẽ ban hành phiên bản tiếng Anh về các quy tắc giao dịch nhằm cải thiện tính minh bạch. Đồng thời, sẽ cân bằng giữa nới lỏng quản lý để giúp giao dịch thuận tiện hơn với điều tiết đầu cơ quá mức.

Dự báo nóng: Hụt hơi trong vòng xoáy giảm phát của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải -Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Phản ứng chậm chạp

Tuy vậy, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2023 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2-2021, các biện pháp kích thích nói trên vẫn chưa đủ tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Chưa kể, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm tháng thứ 10 liên tiếp, với mức giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm sâu hơn dự báo và là chỉ báo đáng lo ngại.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2020, Trung Quốc chứng kiến cả CPI và PPI cùng giảm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn khi nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều suy yếu sau giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ trong quý I/2023.

Không thể phủ nhận sự suy giảm kéo dài trên thị trường bất động sản, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu giảm và xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng đang gây áp lực lên đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Các dữ liệu ảm đạm trong quý II/2023 khiến nhiều nhà kinh tế lên tiếng cảnh báo Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài.

Dự báo nóng: Hụt hơi trong vòng xoáy giảm phát của Trung Quốc - Ảnh 3.

Sắc đỏ lan rộng ở thị trường chứng khoán châu Á trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát. Ảnh: Reuters

Các chỉ số kinh tế kém lạc quan buộc nhà chức trách phải gấp rút có biện pháp hỗ trợ cấp thiết cho nền kinh tế. Quan chức nước này đã đưa ra một số cam kết trong những tuần gần đây về những biện pháp kích thích kinh tế, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, có rất ít động thái cụ thể từ phía cơ quan quản lý, ngoại trừ một số đợt cắt giảm lãi suất khiêm tốn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Robin Xing của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nhận định với hãng tin Bloomberg rằng tình trạng giảm phát của Trung Quốc kéo dài bao lâu phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách. Giới quan sát nhận định Trung Quốc khó có thể đưa ra các biện pháp mạnh như từng làm trong quá khứ do áp lực nợ lớn và lo ngại về đồng nhân dân tệ vốn đang suy yếu.

Lún sâu giảm phát

Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1990, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trường về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ở Ngân hàng Natixis (Pháp), nhìn nhận Trung Quốc có nguy cơ đang rơi vào "bẫy thanh khoản". Khi đó, kịch bản chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng sẽ giữ tiền mặt thay vì chi tiêu.

Tân Hoa xã hôm 8-8 dẫn lời ông Li Xingqian, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định tình hình nước này trong nửa cuối năm 2023 sẽ cực kỳ u ám, nhất là khi nhu cầu toàn cầu về sản xuất, tiêu dùng và đầu tư vẫn yếu. Theo ông Li, Trung Quốc sẽ có thêm những bước đi để giúp các công ty ký đơn hàng mới và mở rộng thị trường như tổ chức hội chợ thương mại, tăng cường các chuyến bay quốc tế, hỗ trợ thị thực cho doanh nhân nước ngoài...

Dự báo nóng: Hụt hơi trong vòng xoáy giảm phát của Trung Quốc - Ảnh 5.

Số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau hai năm và hoạt động xuất khẩu tiếp tục xấu đi. Ảnh: Reuters

Ông Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại và kinh tế tại Trường ĐH Cornell (Mỹ), nhận định tình trạng giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới "có vẻ ngày càng nghiêm trọng". Dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhiều lần giảm lãi suất trong năm nay nhưng chính phủ vẫn chưa đưa ra các biện pháp kích thích quy mô lớn bởi một phần do nợ tăng vọt.

Theo ông Prasad, niềm tin của người tiêu dùng vào lĩnh vực bất động sản - từng là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc - cũng đã giảm sút. Không giống các quốc gia khác khuyến khích chi tiêu thông qua hỗ trợ tiền mặt, chính quyền Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa có hành động tương tự. "Cách tiếp cận theo hướng đánh giá thấp mức giảm phát của Trung Quốc cuối cùng có thể phản tác dụng và khiến việc kéo nền kinh tế nước này ra khỏi vòng xoáy giảm phát thậm chí còn khó khăn hơn" - ông Prasad cảnh báo.

CPI chỉ giảm trong ngắn hạn?

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Ding Shuang tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng chỉ số CPI của Trung Quốc chỉ giảm ngắn hạn trong khoảng 1-2 tháng.

Về PPI, ông Shuang dự đoán chỉ số này có thể đã chạm đáy nhưng vẫn sẽ khó để Trung Quốc thoát khỏi tình trạng giảm phát trong thời gian còn lại của năm 2023.