Dự báo “nóng”: Kinh tế Mỹ chậm lại, Trung Quốc vừa mở cửa đã gặp khó

(NLĐO) - Sức mua của Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới yếu đi khiến lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế số 2 - Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bối cảnh này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam.

Bài toán hàng tồn

Một số nhà máy ở Trung Quốc hiện chưa thể hoạt động hết công suất sau khi chính quyền dỡ bỏ chính sách "zero COVID-19". Nền kinh tế Mỹ trong năm 2023 dự kiến tăng trưởng thấp là thách thức đối với các đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc.

Giám đốc điều hành hãng đồ chơi Basic Fun Jay Foreman cho biết khoảng 20 nhà máy sản xuất đồ chơi Basic Fun của Mỹ ở Trung Quốc vẫn chưa yêu cầu công nhân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là số lượng lớn hàng tồn kho trong nửa đầu năm ngoái không bán được do giá tiêu dùng ở Mỹ tăng vào nửa cuối năm. Giám đốc Foreman hy vọng nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng lên vào cuối năm. "Các nhà máy đều cho biết lượng lao động của họ trong năm nay sẽ ít hơn năm ngoái" - ông Foreman nói.

Dự báo “nóng”: Kinh tế Mỹ chậm lại, Trung Quốc vừa mở cửa đã gặp khó - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất vải lọc tại nhà máy tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo nhà phân tích Johan Annell, Công ty tư vấn Asia Perspective (Thụy Điển), ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng tồn kho nhiều trong khi nhu cầu ở các thị trường giảm mạnh. Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ phong toả, doanh số bán lẻ tại Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - thậm chí còn tăng chậm lại trong vài tháng qua. Theo Reuters, các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12-2022 với mức giảm lớn nhất trong vòng 2,5 năm do nhu cầu suy yếu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu vẫn chậm, chỉ đạt khoảng 2,9% vào năm 2023 trong bối cảnh thế giới có nguy cơ cao rơi vào suy thoái. Với châu Á, Ngân hàng Thế giới, IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Á đều hạ dự báo tăng trưởng đối với các nước đang phát triển. Các nền kinh tế định hướng thương mại như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt từ tình hình chung của toàn cầu.

Chuyên gia Alicia Garcia - Herrero, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định tăng trưởng trong khu vực sẽ bị kéo giảm do nhu cầu nước ngoài yếu hơn và điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Theo ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence, hoạt động xuất khẩu sản phẩm chế tạo lắp ráp của khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng vào năm 2023 trong bối cảnh kinh tế ở Mỹ và EU có nguy cơ suy thoái và nhu cầu nội địa Trung Quốc suy yếu.

Dự báo “nóng”: Kinh tế Mỹ chậm lại, Trung Quốc vừa mở cửa đã gặp khó - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất pin lithium-ion cho xe điện (EV) tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Thích ứng để tồn tại

Công ty dệt may Green Willow Textile (Trung Quốc) đã mất một số đơn hàng từ Mỹ. Một thương hiệu hàng dệt may và chăn ga gối đệm cao cấp ở New York hợp tác với công ty này đã nộp đơn phá sản vào năm ngoái. Giám đốc Công ty dệt may Green Willow Textile (Trung Quốc) Ryan Zhao nói với đài CNBC: "Chúng tôi kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng nhưng sức ép lại rất lớn. Chúng tôi biết năm 2023 sẽ khó khăn. Nhu cầu tại Mỹ giảm, cuộc chiến tại Ukraine chưa kết thúc".

Để tồn tại trong thị trường ngày càng thu hẹp, công ty này phải chuyển sang sản xuất hàng giá rẻ phổ biến với người tiêu dùng trẻ tuổi. Như vậy, để tăng doanh thu, công ty phải bán nhiều mặt hàng hơn trước. Giám đốc Zhao dự tính vài tháng tới, công ty sẽ tuyển thêm lao động bổ sung cho nhà máy hiện tại.

Ngay từ tháng trước, giới chức hải quan Trung Quốc đã thừa nhận hoạt động xuất khẩu chịu áp lực lớn vì nhu cầu bên ngoài giảm và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng. Dữ liệu từ nền tảng tìm kiếm việc làm Qingtuanshe cho thấy từ khi làn sóng COVID-19 qua đi, các công ty tăng tuyển lao động bán thời gian, nhiều đơn vị sản xuất trả lương công nhân theo tuần thay vì theo tháng. Đáng chú ý, dù không có thay đổi rõ ràng về chính sách tiền lương nhưng mức lương đã giảm mạnh.

Dự báo “nóng”: Kinh tế Mỹ chậm lại, Trung Quốc vừa mở cửa đã gặp khó - Ảnh 3.

Nếu không thay đổi để thích ứng, doanh nghiệp Trung Quốc rất khó tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Reuters

Sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài còn phơi bày một vấn đề không nhỏ là tình trạng thiếu công nhân tay nghề cao. Theo nhà phân tích Annell, việc tìm kiếm công nhân và tìm đúng công nhân thực sự ngày càng khó. Trung Quốc có tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao, lượng lao động đông đảo nhưng rất khó tìm được công nhân cũng như người giám sát có trình độ đạt chuẩn.

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang tại Ngân hàng Hang Seng China (Trung Quốc) cho hay công nhân ngành sản xuất chiếm 18% lực lượng lao động Trung Quốc và công nhân xây dựng chiếm 11%. Trong số này, phần lớn chỉ có trình độ trung học nên khó chuyển sang ngành khác làm việc. Dự báo, ở khu vực nông thôn Trung Quốc, sẽ có hơn 1 triệu người thất nghiệp do xuất khẩu sụt giảm, tiêu dùng tăng trưởng yếu cùng một số nguyên nhân khác. "Giải pháp cuối cùng có lẽ vẫn là Chính phủ tài trợ đào tạo nhân lực. Nhiều lao động cần được đào tạo để có thể kiếm được việc làm" - nhà kinh tế Wang nhận định.

Việt Nam: Vẫn còn cơ hội

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước - cho biết ông vừa có chuyến công tác tại Mỹ về và nhận thấy nhu cầu của thị trường lớn nhất của ngành điều đang rất yếu. Chưa hết áp lực lạm phát và nền kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Chưa kể, nông dân nước này tăng diện tích trồng các loại hạt và đẩy sản lượng lên rất nhanh nhờ công nghệ hiện đại kéo theo giá các loại hạt giảm xuống. Lãi suất Mỹ hiện vẫn cao nên nhà nhập khẩu Mỹ không "ôm hàng" như trước mà tập trung xả hàng trong kho và mua hàng rất cầm chừng.

Tuy nhiên, ông Vũ Thái Sơn cho rằng thông tin trên không quá xấu vì các nhà máy chế biến hạt điều Việt Nam không gặp áp lực tồn kho thành phẩm. Công nghệ chế biến điều hiện đã hiện đại, tự động hóa cao nên có thể sản xuất nhanh, sản lượng lớn. Nếu hoạt động không hiệu quả, các nhà máy có thể tạm ngừng sản xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, lại đánh giá thị trường Mỹ đang tăng trưởng tốt. Năm 2023, doanh nghiệp này đặt kế hoạch xuất khẩu tăng trưởng sang Mỹ tăng trưởng 30% so với năm trước. Ngay từ đầu năm, tăng trưởng các đơn hàng đã đạt 20%. Đầu năm, khách hàng mua vú sữa, thanh long, xoài, dừa tươi, bưởi, nhãn... khá nhiều.

Dự báo “nóng”: Kinh tế Mỹ chậm lại, Trung Quốc vừa mở cửa đã gặp khó - Ảnh 4.
Dự báo “nóng”: Kinh tế Mỹ chậm lại, Trung Quốc vừa mở cửa đã gặp khó - Ảnh 5.

Tuyển chọn, đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: AN NA

Theo ông chủ Vina T&T, dù kinh tế Mỹ chưa khởi sắc nhưng trái cây là hàng sản phẩm tốt cho sức khỏe nên không bị cắt giảm chi tiêu. Việt Nam có thêm mặt hàng mới là bưởi nên giá trị xuất khẩu sẽ tăng. Chưa kể, sau nhiều năm trái cây Việt thâm nhập thị trường Mỹ, khách hàng đã tin tưởng. Ngoài ra, sự hỗ trợ của công nghệ sau thu hoạch giúp chất lượng sản phẩm cải thiện, hỗ trợ cho tăng trường.

Với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng rất khó đánh giá thị trường Mỹ trong thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp đang chờ tín hiệu thị trường từ Hội chợ triển lãm hải sản Boston (Mỹ) dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 14-3 tới để có thông tin về tồn kho, sức mua.

Tuy nhiên, với hàng loạt thông tin về sa thải nhân sự ở các công ty công nghệ Mỹ, người tiêu dùng chưa thể mạnh tay chi tiêu và nhà nhập khẩu vẫn còn e dè. "Đối tác có hỏi mua hàng nhưng muốn giá thấp nên doanh nghiệp Việt chưa mặn mà nhận đơn. Chúng tôi dự báo thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ quý II/2023 nên vẫn trên tinh thần sẵn sàng. Dù sức mua của thị trường Mỹ đầu năm đang yếu nhưng ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu giữ vững con số xuất khẩu 2 tỉ USD" -Tổng Thư ký VASEP tự tin.

Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia - DN nhỏ sản xuất các loại mắm truyền thống - vừa "chốt" được 2 đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 2 này. Ông Lê Anh, Giám đốc công ty, cho rằng Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng và lớn nhất đối với mặt hàng nước mắm nhờ có 2 triệu người Việt sống ở đây.

"Chúng tôi chọn đối tác rất kỹ để có thể phát triển đường dài tại thị trường này. Trong tháng 2-2023, chúng tôi xuất 1 container mắm tôm, mắm ruốc và nước mắm thương hiệu Lê Gia cho đối tác phân phối ở các siêu thị người Việt, các cửa hàng ở Mỹ cùng 1 container nước mắm gia công cho đối tác đưa vào 2 hệ thống siêu thị lớn là Walmart và Costco. Sau khi xây dựng thị trường ở kênh bán hàng trực tiếp, chúng tôi sẽ xúc tiến bán hàng trên Amazon" - ông Lê Anh nói về triển vọng.

Theo báo cáo chiến lược năm 2022 của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), việc Trung Quốc mở cửa trở lại được cho là cơ hội tốt để Việt Nam đón đầu nhu cầu mới, lấp đầy khoảng trống nhu cầu đang suy giảm từ Mỹ và EU. Tuy nhiên, sau thời kỳ đại dịch, thị trường Trung Quốc sẽ trở nên khắt khe hơn về các tiêu chuẩn và yêu cầu an toàn. Vì vậy, các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phản ứng nhanh để đáp ứng các yêu cầu mới từ thị trường này để giành thêm thị phần từ các đối thủ cạnh tranh khác như Ấn Độ, Ecuador.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam để đáp ứng các đơn đặt hàng vốn đã thấp trong những tháng gần đây do hàng tồn kho từ các thị trường chính như Mỹ, EU tăng cao và mức tiêu thụ thấp. Do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ khó kỳ vọng sự bùng nổ lớn trong thời điểm này và thị trường có thể suôn sẻ hơn từ nửa cuối năm 2023 trở đi.

T.Phương