Dự báo “nóng”: Lãi suất thế giới chao đảo, Việt Nam ngược dòng, vì sao?

(NLĐO) - Các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể giảm tốc hoặc ngừng tăng lãi suất song chưa có khả năng giảm trong ngắn hạn. Dẫu vậy, điều này cũng phần nào giúp điều hành lãi suất, tỉ giá tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, dễ thở hơn.

NÓNG: Từ ngày 11 đến 30-12, bạn đọc đăng ký tài khoản đọc báo ở chuyên mục DÀNH CHO BẠN ĐỌC VIP và thanh toán phí bài đang xem hoặc các gói cước khác sẽ nhận được 1 voucher trị giá 100.000 đồng.

Voucher áp dụng trên sàn thương mại điện tử Shopee, nền tảng gọi món ShopeeFood và ví điện tử ShopeePay.

Bạn đọc đăng ký và thanh toán xong vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0903 34 34 39 hoặc Zalo: 0903 34 34 39 để được nhận voucher (cho đến khi hết số lượng 350 voucher).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra thông điệp rất rõ ràng về việc Mỹ phải ngăn chặn lạm phát, đặc biệt là lạm phát đình trệ - sự kết hợp giữa tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát cao, hoặc phá vỡ nền kinh tế. Theo đó, sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất hơn vào năm 2023, ngay cả khi kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái, với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

FED sẽ tăng lãi suất lên 5,1%?

Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, lập luận: "Cái giá phải trả có thể còn cao hơn nếu không kiểm soát lạm phát chặt chẽ hơn. Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo ngay sau khi FED thông báo tăng lãi suất 0,5 điểm %, đưa phạm vi lãi suất lên mức mới là 4,25%-4,5%, cao nhất kể từ tháng 12-2007. Dù vậy, mức tăng này thấp hơn so với con số 0,75 điểm % trong 4 lần tăng lãi suất liên tiếp trước đó".

Dự báo “nóng”: Lãi suất thế giới chao đảo, Việt Nam ngược dòng, vì sao? - Ảnh 2.

Chủ tịch FED Jerome Powell tổ chức họp báo sau khi nâng lãi suất hôm 14-12. Ảnh: REUTERS

FED khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến năm 2023 lên 5,1% trước khi có thể chấm dứt cuộc chiến kiềm chế lạm phát. Mức lãi suất này cao hơn dự báo 4,6% của FED hồi tháng 9-2022. Đáng chú ý, dự báo mới nhất cho thấy lãi suất sẽ giảm còn 4,1% vào năm 2024 và còn 3,1% vào năm 2025.

Động thái gây chú ý gần đây là các nhà hoạch định chính sách đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 từ mức 1,2% như dự báo hồi tháng 9-2022 xuống còn 0,5%. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp trong năm tới dự kiến tăng từ 3,7% lên 4,6%. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao FED đưa ra thông điệp Mỹ sẽ phải ngăn chặn lạm phát hoặc phá vỡ nền kinh tế. Đồng thời, nền kinh tế số 1 thế giới sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn lạm phát đình trệ - sự kết hợp giữa tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát cao.

Dù vậy, theo hãng tin Reuters, một số nhà đầu tư cho rằng nguy cơ suy thoái sẽ buộc FED nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) và Ngân hàng Bank of America (Mỹ) nhận định kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và FED bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 12-2023.

Châu Âu nối bước M

Làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã kéo dài trong một thời gian khá dài, đa phần do chịu ảnh hưởng từ diễn biến điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ.

Mới đây, hôm 15-12, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, lên 3,5% - mức cao nhất trong vòng 14 năm qua tại nước này. Đây là lần thứ 9 BOE tăng lãi suất liên tục nhằm kiểm soát tình hình lạm phát đang ở mức tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

Theo thông báo của BOE, thị trường lao động vẫn thắt chặt và có bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát xảy ra lâu hơn, đòi hỏi phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa. Thống đốc BOE Andrew Bailey nhận định lạm phát tại Anh đã đạt đỉnh khi lạm phát giá tiêu dùng giảm từ mức 11,1% trong tháng 10-2022 xuống mức 10,7% trong tháng 11 vừa qua.

Dự báo “nóng”: Lãi suất thế giới chao đảo, Việt Nam ngược dòng, vì sao? - Ảnh 3.

Nhà giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo tăng lãi suất cơ bản trong khu vực đồng euro lần thứ 4 liên tiếp với mức tăng thêm 0,5 điểm %, lên 2,5%. Lần tăng này tuy thấp hơn mức tăng 0,75 điểm % trong 2 lần trước nhờ lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và nguy cơ suy thoái đang xuất hiện nhưng dự báo lãi suất vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh dù lạm phát trong tháng 11 là 10%, thấp hơn mức 10,6% được ghi nhận trong tháng 10, nhưng vẫn còn quá cao. Sự sụt giảm lạm phát chủ yếu do lạm phát giá năng lượng thấp hơn, còn lạm phát giá lương thực và áp lực giá cơ bản trên toàn nền kinh tế đã tăng lên và sẽ còn kéo dài một thời gian. Và động thái tăng lãi suất lần này của ECB thể hiện sự nghiêm túc trong cuộc chiến chống lạm phát.

"Hội đồng điều hành cho rằng lãi suất vẫn phải tăng với tốc độ bền vững tới mức đủ để bảo đảm  lạm phát trở lại mục tiêu trong trung hạn là 2% kịp thời" - thông báo của ECB nêu rõ khi dự báo lạm phát năm 2025 vẫn có thể cao hơn mức mục tiêu. 

Sẽ ngừng tăng nhưng chưa giảm

Theo hãng tin Reuters, một số nhà kinh tế cho rằng BOE có thể kết thúc đợt tăng lãi suất ngay trong quý đầu tiên của năm 2023, sau khi đã tăng 9 lần kể từ tháng 12-2021, thời điểm lãi suất ở mức thấp nhất chỉ với 0,1%. Hai nhà hoạch định chính sách đã bỏ phiếu không tăng lãi suất gồm Silvana Tenreyro và Swati Dhingra cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến nay là "quá đủ" để đưa lạm phát trở lại mục tiêu. 

Nhà kinh tế Daniel Vernazza tại Tập đoàn ngân hàng quốc tế UniCredit nhận định chu kỳ thắt chặt tiền tệ của BOE có thể kết thúc sau 2 đợt tăng lãi suất 0,25 điểm% vào tháng 2 và tháng 3-2023, sau đó lãi suất có khả năng giảm từ quý II/2024. Các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất ở Anh sẽ đạt đỉnh 4,5% vào tháng 6-2023, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo sau khi thông báo tăng lãi suất hôm 15-12, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định châu Âu không "xoay trục" chính sách tiền tệ, ngược lại đang tham gia một tiến trình dài hơi. ECB cho hay họ đang nghiên cứu dự báo lạm phát của khu vực đồng euro và nhận thấy lạm phát vẫn duy trì trên mức mục tiêu 2% cho đến năm 2025. Cụ thể, từ mức lạm phát trung bình 8,4% trong năm 2022 dự kiến giảm còn 6,3% vào năm 2023, rồi khoảng 3,4% vào năm 2024 và 2,3% vào năm 2025. Song song đó, ECB cũng nhận thấy nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái tương đối ngắn trong khu vực.

Việt Nam: Chật vật ngược dòng

Dù FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong cuộc họp chính sách vừa qua nhưng các chuyên gia kinh tế đều nhận định diễn biến này không tác động quá lớn tới Việt Nam như những đợt tăng trước đó. Tỉ giá USD/VNĐ đang hạ nhiệt trong bối cảnh giá đồng USD trên thị trường quốc tế giảm nhanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đồng thuận mức tăng lãi suất huy động không quá 9,5%/năm (bao gồm cả các chương trình khuyến mãi)... tạo cơ hội rất lớn để ổn định mặt bằng lãi suất.

Dự báo “nóng”: Lãi suất thế giới chao đảo, Việt Nam ngược dòng, vì sao? - Ảnh 4.

Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay và không tăng quá cao lãi suất huy động - Ảnh: Bình An

Vậy trong ngắn và trung hạn, diễn biến lãi suất của Việt Nam ra sao?

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDirect, việc FED tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % đã được dự báo từ trước và đã giảm tốc so với mức 0,75 điểm % trong các lần tăng lãi suất trước đó. Động thái giảm tốc tăng lãi suất của FED giúp các thị trường tài chính toàn cầu dễ thở hơn, thể hiện ở chỉ số USD Index được điều chỉnh mạnh về vùng 103-104 điểm (giảm 9% so với đỉnh).

"Đồng USD suy yếu giúp giảm áp lực tỉ giá trong nước, tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước xoay trục chính sách sang kìm đà tăng của lãi suất huy động, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những bước đi chủ động thông qua 2 đợt tăng lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2 điểm %. Mức tăng này đủ duy trì chênh lệch giữa mặt bằng lãi suất tiền đồng và USD, kể cả sau đợt tăng lãi suất trong tháng 12-2022 của FED" - ông Đinh Quang Hinh phân tích.

Tuy vậy, trong trung hạn, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn sẽ gây áp lực đến tỉ giá, lãi suất của Việt Nam, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023. Chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng tiếp tục thu hẹp sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước có ít dư địa để nới lỏng sớm chính sách tiền tệ và hạ lãi suất. Do đó, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định việc duy trì được mặt bằng lãi suất không tăng thêm đã là thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng tới.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, Ngân hàng Nhà nước đang có những động thái hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố giá mua vào USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.450 đồng/USD. Việc Ngân hàng Nhà nước chào mua USD trở lại trong bối cảnh dòng vốn ngoại tệ trên thị trường đang dồi dào từ các nguồn kiều hối, thặng dư thương mại, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và tỉ giá hạ nhiệt nhanh cho thấy khả năng cơ quan quản lý có thể tiến hành mua bổ sung dự trữ ngoại hối. Thông tin tích cực này cùng với việc nới room tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở (OMO)... góp phần hạ nhiệt cuộc đua lãi suất huy động vừa qua.

Tuy vậy, mặt bằng lãi suất huy động vẫn rất cao. Tính đến ngày 14-12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động ở mức 6,1%-8,3%/năm. Có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% với số tiền từ 1 tỉ đồng trở lên. So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3-4 điểm % ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Nhiều ngân hàng lý giải nguyên nhân khiến lãi suất huy động chưa có xu hướng giảm bởi một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng. 

Ngoài ra, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10-2022. Theo lộ trình, đến tháng 10-2023, tỉ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống 30%. Các ngân hàng thương mại phải đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm bảo đảm tuân thủ quy định.

Ngân hàng thống nhất giảm lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết tại hội nghị trao đổi, thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn mới đây, các ngân hàng đã thống nhất giảm lãi suất cho vay và không tăng quá cao lãi suất huy động. Theo đó, 100% hội viên VNBA thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mãi cộng lãi suất).

Đến nay đã có gần 20 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5-3 điểm %, cá biệt có ngân hàng cam kết giảm đến 3,5 điểm %.