Dự báo “nóng”: Làn sóng sa thải người lao động khắp nơi và hệ luỵ

(NLĐO) - Từ những công ty đa quốc gia ở Mỹ đến nhiều doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đều có động thái sa thải nhân sự nhằm cắt giảm chi phí để tồn tại. Còn nguyên nhân nào nữa?

Theo tờ Wall Street Journal, Tập đoàn PepsiCo đã bắt đầu đợt sa thải nhân viên tại trụ sở chính của hãng ở Bắc Mỹ, chủ yếu ở mảng thức ăn và giải khát. Trong thông báo gửi đến nhân viên, tập đoàn này lý giải việc sa thải nhân sự nhằm đơn giản hóa tổ chức để hoạt động hiệu quả hơn.

Tập đoàn công nghệ châm ngòi

Những thách thức về kinh tế vĩ mô đã kéo theo làn sóng sa thải bao trùm các công ty công nghệ trong năm nay.

Châm ngòi cho làn sóng sa thải quy mô lớn tại nhiều tập đoàn trên thế giới là Meta - công ty mẹ của Facebook, với 11.000 nhân viên bị sa thải. Google cũng có kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên trong khi Amazon xác nhận sa thải hàng ngàn người. Hãng Microsoft thông báo đã sa thải gần 1.000 người ở các vị trí khác nhau trên toàn thế giới do tăng trưởng chậm lại.

Dự báo “nóng”: Làn sóng sa thải người lao động khắp nơi và hệ luỵ - Ảnh 1.

Các nhân viên đóng gói hàng hoá tại trung tâm đơn hàng của Amazon ở New Jersey-Mỹ. Ảnh: Reuters

Từ ngày 11 đến 30-12, bạn đọc đăng ký tài khoản đọc báo ở chuyên mục DÀNH CHO BẠN ĐỌC VIP và thanh toán phí bài đang xem hoặc các gói cước khác sẽ nhận được 1 voucher trị giá 100.000 đồng.

Voucher áp dụng trên sàn thương mại điện tử Shopee, nền tảng gọi món ShopeeFood và ví điện tử ShopeePay.

Bạn đọc đăng ký và thanh toán xong vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0903 34 34 39 hoặc Zalo: 0903 34 34 39 để được nhận voucher (cho đến khi hết số lượng 350 voucher).

Ở Đông Nam Á, nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng bắt đầu sa thải nhân viên trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều vấn đề và nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp.

Cụ thể, nền tảng bán hàng trực tuyến Carousell (Singapore) tuần trước thông báo sẽ sa thải khoảng 10% số nhân viên, tương đương khoảng 110 vị trí làm việc. Hồi tháng 11-2022, Tập đoàn công nghệ GoTo (Indonesia) - được hợp nhất bởi hãng gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia - đã cắt giảm 1.300 vị trí việc làm, tương đương khoảng 12% số lượng nhân viên. Sea Group (Singapore) - công ty mẹ của Shopee - cắt giảm 7.000 việc làm trong 6 tháng qua. 

Sa thải vì... đã tuyển nhân sự ồ ạt

Ông Jia Jih Chai, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty tổng hợp thương hiệu thương mại điện tử Rainforest (Singapore), nói với đài CNBC rằng để bảo đảm có đủ nguồn lực đến cuối năm 2024 trong môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn, chủ doanh nghiệp (DN) phải quản lý chi phí tốt hơn.

Từng là Phó Chủ tịch cấp cao của Carousell và là Giám đốc điều hành của Airbnb, ông Chai nhận định: "Một số dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bước vào thời kỳ suy thoái. Do đó, tăng trưởng nhu cầu của khách hàng có thể sẽ chậm hơn vào năm 2023, còn các nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ hơn trong việc đưa ra quyết định".

Giám đốc điều hành của Carousell, ông Quek Siu Rui, trong thông báo gửi đến nhân viên đã thừa nhận mắc phải "những sai lầm nghiêm trọng" khi quá lạc quan về sự phục hồi của thị trường sau đại dịch COVID-19 và đánh giá thấp tác động của việc tuyển dụng nhân sự ồ ạt. "Chúng tôi tuyển dụng một cách ồ ạt dẫn tới chi phí tăng nhanh chóng nhưng việc thu lợi nhuận lại mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Ban lãnh đạo của Carousell sẽ tự nguyện cắt giảm lương" - ông Quek khẳng định.

Ông Alex Kantrowitz, nhà báo chuyên viết về các tập đoàn công nghệ ở Mỹ, nói: "Thật khó hiểu khi các công ty cho rằng dịch COVID-19 sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng mãi mãi. Rõ ràng, khi có thể đi ăn nhà hàng và gặp gỡ bạn bè, mọi người sẽ sử dụng Netflix, Facebook, Shopify và Amazon ít hơn".

Trong khi đó, ông Jefrey Joe, nhà đồng sáng lập Công ty đầu tư mạo hiểm Alpha JWC Ventures (Indonesia), cho rằng khi DN chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, có thể không cần quá nhiều nhân viên tiếp thị nếu ngân sách cho quảng cáo bị cắt giảm.

Dự báo “nóng”: Làn sóng sa thải người lao động khắp nơi và hệ luỵ - Ảnh 3.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe hơi ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Việt Nam: Có nơi nợ lương, mất việc

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 44 tỉnh, thành, bước sang quý IV/2022, có gần 500.000 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có hơn 42.000 NLĐ bị mất việc.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có cuộc khảo sát tại 37 DN đóng trên địa bàn TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ... đang sử dụng hơn 208.000 lao động. Theo đó, có 40,5% DN có cắt giảm lao động, 45,9% DN giữ nguyên và chỉ có 13,5% DN cần tuyển dụng thêm lao động. Bên cạnh đó, có 54,1% DN giảm giờ làm của NLĐ.

Ở TP Hà Nội, theo báo cáo nhanh của công đoàn cơ sở, thành phố hiện ghi nhận hơn 2.000 công nhân bị ảnh hưởng việc làm, chủ yếu thuộc ngành điện tử, sản xuất linh kiện.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, cho hay thời điểm này những năm trước, NLĐ thường nhộn nhịp tăng ca để bảo đảm tiến độ đơn hàng. Còn hiện nay, nhiều nơi không có việc làm, công nhân không có điều kiện làm thêm giờ, thu nhập bị giảm sút rất nhiều. Khảo sát trên địa bàn khu dân cư cũng cho thấy nhiều NLĐ đã trả phòng trọ để về quê.

Tình trạng khó khăn thể hiện rõ nhất ở nhóm ngành dệt may. Theo bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may TP Hà Nội, toàn ngành đang quản lý khoảng 20.000 lao động song chỉ có số ít DN có đơn hàng đến hết quý I/2023, chủ yếu chỉ đến hết tháng 12-2022. Nhiều đơn vị đang phải giãn việc và "tung" hết nguồn lực để giữ công nhân.

Theo tổng hợp của tổ chức công đoàn, dự kiến trong tháng 12-2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 DN tiếp tục giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 DN có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động.

Đáng chú ý, theo bà Hồng, ngành dệt may TP Hà Nội ghi nhận 4 đơn vị nợ lương NLĐ, trong đó có 2 DN nước ngoài. Đặc biệt, có một chủ DN về nước nghỉ Tết và không sang nữa. Vấn đề là chủ DN này không ủy quyền cho ai nên tài sản không thể thanh lý được.

"Chúng tôi đang cố gắng chốt sổ bảo hiểm cho 124 lao động của đơn vị này để họ tìm kiếm việc làm khác song việc nợ lương thì chưa thể giải quyết được" - bà Hồng thông tin.

Dự báo “nóng”: Làn sóng sa thải người lao động khắp nơi và hệ luỵ - Ảnh 5.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát. Ảnh: Hoàng Triều

Tiếp sức cho DN, NLĐ

Tại tọa đàm về tình hình lao động, việc làm do VCCI tổ chức, nhiều DN kiến nghị Chính phủ có các gói hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động tương tự chính sách đã thực hiện trong thời gian dịch COVID-19. Đồng thời, hỗ trợ DN tìm kiếm đơn hàng; xem xét cho DN lùi thời gian đóng BHXH, giảm thuế, kinh phí Công đoàn; cho DN được giãn nợ các khoản vay ngân hàng...

Đáng chú ý, các DN đề nghị có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý để kết nối cung cầu lao động.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật - LĐLĐ TP HCM, đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho DN bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất. Bên cạnh đó, trước dịp Tết năm 2023, phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho NLĐ bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.

Trong khi đó, ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (TP HCM), góp ý cần huy động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang còn kết dư, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ để họ có thể học tập, nâng cao kỹ năng và có thể tìm kiếm việc làm trong ngắn hạn.

Trước phản ánh từ các địa phương, đơn vị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thừa nhận khó khăn của NLĐ hiện nay là vấn đề đáng quan tâm, nhất là trong thời điểm gần Tết. Việc NLĐ không có việc làm, bị giảm giờ làm... không chỉ tác động đến đời sống của họ mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. "Cần có chính sách hỗ trợ để nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng là để DN phát triển. Nếu nhiều DN bị xóa sổ thì không chỉ thiệt thòi cho chính DN mà còn cho cả nền kinh tế" - ông Hiểu nhấn mạnh.

Ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng cần có giải pháp giúp DN cầm cự, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng. Đối với NLĐ mất việc làm, cần chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu. 

Từ ngày 11 đến 30-12, bạn đọc đăng ký tài khoản đọc báo ở chuyên mục DÀNH CHO BẠN ĐỌC VIP và thanh toán phí bài đang xem hoặc các gói cước khác sẽ nhận được 1 voucher trị giá 100.000 đồng.

Voucher áp dụng trên sàn thương mại điện tử Shopee, nền tảng gọi món ShopeeFood và ví điện tử ShopeePay.

Bạn đọc đăng ký và thanh toán xong vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0903 34 34 39 hoặc Zalo: 0903343439 để được nhận voucher (cho đến khi hết số lượng 350 voucher).