Dự báo “nóng”: Mỹ, châu Âu tiến thoái lưỡng nan
(NLĐO) - Quyết tâm đánh bại lạm phát khiến các ngân hàng trung ương châu Âu có thể tiếp tục tăng lãi suất đến giữa năm 2024.
Những số liệu mới về tăng trưởng kinh tế và lạm phát trái ngược nhau khiến Mỹ và châu Âu gặp khó khăn trong quyết định nên tăng lãi suất đến mức nào trong các cuộc họp đầu tháng 5.
Lạm phát chính là một loại thuế
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 28-4 kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất cho đến giữa năm 2024. Đồng thời, IMF cũng thúc giục các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) phối hợp thắt chặt chính sách tài khóa nhằm giảm lạm phát đang ở mức cao.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IMF, ông Alfred Kammer, cho rằng lạm phát là mối lo ngại lớn nhất hiện nay và cần được giải quyết ngay. Theo ông Kammer, lạm phát là một loại thuế, có tác động đặc biệt đối với người nghèo. "Khuyến nghị chính sách chính của chúng tôi là đánh bại lạm phát, có nghĩa là chúng ta cần sử dụng công cụ chính sách tiền tệ. Đối với ECB, điều đó là thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa và lâu hơn, ước tính đến giữa năm 2024, để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu vào năm 2025" - ông Kammer cho hay.

Tăng lãi suất vẫn là quân bài quan trọng để đánh bại lạm phát. Trong ảnh: Các tờ tiền của Mỹ, Thụy Sĩ, Anh. Ảnh: Reuters
Lạm phát ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro trong tháng 3-2023 là 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, ECB đã tăng lãi suất mạnh mẽ từ 0% vào giữa năm 2022 lên 3,5% vào tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, có rất ít thị trường tài chính kỳ vọng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sau năm 2023.
Quyết định khó khăn
Theo Reuters, dữ liệu kinh tế trong toàn bộ khu vực đồng euro hôm 28-4 đã cho thấy toàn cảnh hỗn loạn về số liệu tăng trưởng và lạm phát. Điều này có khả năng khiến quyết định về lãi suất của ECB vào tuần tới trở nên khó khăn hơn khi phải cân nhắc tăng 0,25 điểm % hay 0,5 điểm %.
Theo số liệu sơ bộ, tổng sản phẩm quốc nội trong khu vực đồng euro tăng 0,1% trong quý I/2023, thấp hơn mức kỳ vọng là 0,2% được đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters. Hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro là Đức và Pháp rơi vào tình trạng trì trệ hoặc hầu như không tăng trưởng trong khi nền kinh tế Tây Ban Nha và Ý phát triển hơn dự kiến.
Ông Simon Harvey, Trưởng bộ phận phân tích ngoại hối tại Công ty Giao dịch ngoại hối thương mại Monex Europe (Anh), nhận định đồng euro đang chịu áp lực do dữ liệu lạm phát cơ bản của Pháp và Tây Ban Nha không đủ sức để buộc ECB tăng 0,5 điểm % vào tuần tới.
Từ năm 2022, ECB cùng nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực đã nối gót Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Nhưng, khi tăng trưởng kinh tế phục hồi và lạm phát chậm lại cùng với việc một số ngân hàng phá sản do lãi suất cao, đã xuất hiện dự đoán cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng tăng lãi suất. Tuy vậy, sau khi dữ liệu kinh tế ở các nước khu vực EU được công bố, các nhà giao dịch kỳ vọng ECB sẽ tăng 0,25 điểm % thay vì 0,5 điểm % vào tuần tới.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Washington - Mỹ hôm 24-4. Ảnh: Reuters

Chợ ở Nice - Pháp hôm 26-4. Ảnh: Reuters
Thêm vào đó, các số liệu lạm phát mới nhất chỉ ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các quan chức FED đang phải đối mặt. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 3 giảm xuống 4,2% từ mức 5,1% của tháng trước đó, nhờ giá năng lượng giảm mạnh. Đây là mức chỉ số PCE thấp nhất kể từ tháng 5-2021 nhưng vẫn cao gấp đôi so với mức mục tiêu 2% mà FED đặt ra. PCE là thước đo ưa thích của FED khi tính toán lộ trình tăng lãi suất.
Các nhà phân tích của Công ty Dịch vụ tài chính Charles Schwab lập luận: Báo cáo dữ liệu PCE như kỳ vọng cho thấy xu hướng lạm phát sẽ tăng ở mức vừa phải. Trước khi công bố chỉ số PCE giảm, hôm 27-4, Mỹ đã thừa nhận nền kinh tế số 1 thế giới đã chậm lại so với dự kiến.
Khủng hoảng ngân hàng vẫn còn đó
Mục đích của FED khi tăng lãi suất là làm chậm hoạt động vay và chi tiêu, hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát đang ở mức cao. Nhưng, tăng lãi suất cũng thường dẫn đến chi phí của nhiều khoản vay, từ vay mua ôtô đến thẻ tín dụng và cho vay doanh nghiệp, sẽ cao hơn. Đồng thời, lãi suất tăng cũng làm tăng nguy cơ suy thoái. Do vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo có nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái trong năm nay và đây là hệ quả của việc FED tăng lãi suất liên tục.

Chi nhánh Ngân hàng First Republic ở San Francisco, bang California - Mỹ hôm 28-4. Ảnh: Reuters
Ông Craig Erlam, chuyên gia tài chính tại Anh, nói với đài CNBC: "Lãi suất đã hoặc đang ở rất gần mức đỉnh. Các thị trường tin rằng việc FED cắt giảm lãi suất có thể xảy ra sớm hơn do những bất ổn mới nhất trong lĩnh vực ngân hàng".
Theo hãng tin Reuters, Cơ quan Bảo hiềm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đang chuẩn bị tiếp quản First Republic Bank. Thông tin này khiến cổ phiếu First Republic Bank giảm gần 50% trong phiên giao dịch cuối tuần. Nguồn tin của Reuters hôm 28-4 cho rằng FDIC xác định tình hình của First Republic Bank đã xấu đi và không còn thời gian để dàn xếp một cuộc giải cứu thông qua lĩnh vực tư nhân.
Trước đó, FDIC, Bộ Tài chính Mỹ, FED và một số cơ quan khác đã tổ chức cuộc họp với các công ty tài chính nhằm giải cứu First Republic. Tháng 3 vừa qua, sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ, 11 ngân hàng lớn của Mỹ đã rót 30 tỉ USD vào First Republic Bank để "cứu" ngân hàng này. Nếu First Republic Bank bị tiếp quản thì đây sẽ là ngân hàng thứ 3 của Mỹ sụp đổ kể từ tháng 3.
Hồi đầu tuần này, First Republic Bank cho biết khách hàng đã rút hơn 100 tỉ USD tiền gửi trong quý I/2023, khiến tình hình càng tồi tệ hơn nữa.
Vàng chờ giảm lãi suất
Một số dữ liệu cho thấy nền kinh tế và giá cả đã hạ nhiệt và có thể cho phép các ngân hàng trung ương bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất, qua đó giá vàng cũng được hưởng lợi. Kim loại quý này rất nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất tăng sẽ làm gia tăng chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư. Khi lãi suất giảm có thể khiến giá vàng tăng lên.
Chuyên gia tài chính Craig Erlam nói với đài CNBC: "Tôi tin rằng giá vàng sẽ tăng rất nhanh trong những tháng tới. Mọi yếu tố đang hỗ trợ vàng và điều này có thể giúp kim loại quý sớm thiết lập kỷ lục giá mới".
Ngày 29-4, giá vàng thế giới biến động khó lường trong bối cảnh dữ liệu lạm phát tại Mỹ đứng ở mức cao, các chỉ số chứng khoán tại Phố Wall tăng điểm dữ dội. Theo đó, giá vàng có lúc giảm mạnh xuống còn 1.976 USD/ounce, nhưng sau đó tăng giá trở lại lên mức 1.991 USD/ounce khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần.
Ở trong nước, ngày 28-4 giá vàng SJC tăng 100.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 67,2 triệu đồng/lượng. Ngày 29-4, một số doanh nghiệp giao dịch vàng SJC ở 66,6 triệu đồng/lượng mua vào, 67,2 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với hôm trước đó.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ở thị trường trong nước giảm nhẹ về 55,9 triệu đồng/lượng mua vào, 57 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng so với hôm trước.